Abenomics rạn nứt từ bên trong

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn thúc đẩy tăng trưởng, trong khi Thống đốc Haruhiko Kuroda nghiêng về kỷ luật tài chính để thực hiện cam kết giảm thâm hụt.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn thúc đẩy tăng trưởng, trong khi Thống đốc Haruhiko Kuroda nghiêng về kỷ luật tài chính để thực hiện cam kết giảm thâm hụt.

 

Ngay từ đầu, sức mạnh của Abenomics (nhóm chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe nhằm hồi sinh Nhật Bản) chính là mối quan hệ sâu sắc giữa ông Abe với thống đốc Ngân hàng Trung ương do chính ông lựa chọn - Haruhiko Kuroda. Các lãnh đạo trước của BOJ đều có tư tưởng bàn lùi khi nói về tình hình giảm phát của Nhật Bản. Nhưng ông Kuroda được Thủ tướng hoàn toàn tin tưởng sẽ hồi sinh được Nhật Bản thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ. Đầu năm 2013, ngay sau khi ông Abe lên nắm quyền, BOJ lập tức khởi động chương trình kích kích chưa từng có.

Nhưng hiện tại, Abe và Kuroda đang nảy sinh mâu thuẫn. Vấn đề nằm ở chính sách tài khóa, vốn vẫn đang được nới lỏng, và thâm hụt ngân sách cơ bản (chưa bao gồm các khoản thanh toán lãi suất) đang là 6,6% GDP. Ông Kuroda thẳng thừng tuyên bố Thủ tướng vẫn chưa nỗ lực hết sức nhằm làm giảm thâm hụt. Trong khi đó, Chính phủ cho rằng ông Kuroda chỉ nên tập trung vào các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Mâu thuẫn thứ hai phát sinh ngay từ chính sách nới lỏng tiền tệ. Nhằm đưa Nhật Bản thoát giảm phát, ông Kuroda cam kết sẽ tìm mọi cách để đẩy lạm phát lên 2%. Nhưng có vẻ BOJ đang không đạt được chỉ tiêu đề ra. Giá cả vẫn dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, Chính phủ lại cho rằng tiến hành một chương trình mua trái phiếu mới không hẳn là biện pháp đúng đắn. Đặt ra mục tiêu lạm phát, nhưng giờ đây, ông Abe lại là người cản đường ông Kuroda hoàn thành mục tiêu này.

Bất hòa giữa họ đang gây ra sự lo lắng cho người dân. Ban đầu, Abenomics có hiệu ứng rất tích cực. Khi ngân hàng in tiền, Chính phủ cũng tăng chi để giảm bớt gánh nặng tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% vào tháng 4 năm ngoái. Tăng trưởng mạnh nhờ cải tổ cấu trúc cũng được cho là sẽ xoa dịu việc tăng thuế lên 10% mùa thu năm nay. Chính phủ sẽ dần hiện thực hóa cam kết đạt thặng dư ngân sách cơ bản trước tài khóa 2021. Tổng nợ của Nhật Bản hiện tương đương 240% GDP, cao nhất trong số các nước phát triển.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra theo dự tính. Lần tăng thuế đầu tiên đã khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Ông Kuroda lập tức có quyết định gây không ít sửng sốt khi nâng giá trị số trái phiếu Chính phủ mua vào mỗi năm lên 80.000 tỷ yên (670 triệu USD). Rõ ràng ông Kuroda – người xuất thân từ Bộ Tài chính - nơi sự thận trọng luôn được đặt lên hàng đầu, muốn Chính phủ tiếp tục tăng thuế. Nhưng đáp lại, ông Abe lập tức hoãn tăng thuế đến tháng 4/2017 với lý do nền kinh tế chưa thể đáp ứng nổi.

Một điều kỳ lạ nữa là một Chính phủ từng rất ủng hộ việc ngân hàng Trung ương in lượng tiền lớn để mua trái phiếu giờ lại đang lo ngại rủi ro. Nguyên nhân là tình hình tài khóa Nhật Bản không có triển vọng cải thiện và những biện pháp tái cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng vẫn chưa được thực hiện. Chính phủ không muốn ngân hàng Trung ương tiếp tục mua trái phiếu khi lạm phát cơ bản đã trượt về 0%.

Sự sụt giảm này một phần do giá dầu đi xuống. Đây là tin tốt cho nền kinh tế Nhật Bản. Nhiều nhà kinh tế cho rằng ngân hàng đáng lẽ nên chọn cách tính lạm phát loại trừ giá dầu. Và hiện tại, mục tiêu lạm phát 2% vẫn còn quá xa vời. Nếu giảm phát quay lại trong vài tháng tới, ngân hàng có thể buộc phải tăng mua trái phiếu.

Một vài cố vấn của ông Abe còn phản đối chính sách nới lỏng vì những lý do chính trị. Chính sách này làm nóng thị trường bất động sản và chứng khoán, hạ giá đồng yen, và mang lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, nhiều công ty nhỏ và người tiêu dùng lại chịu thiệt do giá hàng nhập khẩu tăng.

Một mối lo khác là thị trường trái phiếu Chính phủ đang cho thấy những dấu hiệu ì ạch. Cho tới giờ, BOJ vẫn có sức mua lớn nhất, và gần như không chừa chỗ cho bất cứ đối tượng nào khác. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc bán trái phiếu Chính phủ trong tương lai. Việc thiếu thị trường thứ cấp đã làm tăng lo ngại về biến động. Để ngăn khả năng tăng nới lỏng, một số cố vấn thậm chí để nghị giảm mục tiêu lạm phát 2% xuống còn 1%.

Trong khi Chính phủ tỏ ra không muốn cắt giảm chi tiêu, kỳ vọng vào tăng trưởng cao hơn và tăng doanh thu thuế, ông Kuroda lo lắng ra mặt, yêu cầu thắt chặt kỷ luật tài chính ngay lập tức. Một quan chức Chính phủ - ông Hiroshige Seko đang cố gắng xoa dịu xung đột. Ông cho rằng cả ông Abe và Kuroda đều đang nỗ lực cân bằng giữa giảm nợ và tăng trưởng kinh tế. Nhưng ông Abe hơi thiên về thúc đẩy tăng trưởng, trong khi ông Kuroda lại nghiêng về kỷ luật tài chính.

Tình hình sẽ còn tiếp tục căng thẳng khi ngân sách tài khóa này lên kỷ lục, bao gồm chi phí an sinh xã hội khổng lồ khi dân số già đi. Ngay cả giả định lạc quan rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng danh nghĩa 3% trong 5 năm tới, họ vẫn cần thêm 9.000 tỷ yen nữa để cân bằng ngân sách trước năm 2020.

Phép thử quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa ông Abe và Kuroda là khi lạm phát đạt tới mức độ khiến BOJ phải thắt chặt tiền tệ, còn ông Abe vẫn yêu cầu bơm tiền để đảm bảo tăng trưởng. Tuy nhiên, mâu thuẫn xảy ra sớm sẽ chỉ làm cho tình hình càng tệ hơn mà thôi.

Các tin khác