SMC và sức ép lợi nhuận

Thị phần gia tăng, hệ thống mở rộng, thương hiệu vững mạnh nhưng trong 3 năm qua, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đều không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận (LN). Và LN đã trở thành chủ đề nóng được thảo luận, mổ xẻ nhiều nhất tại ĐHCĐ của SMC diễn ra ngày 18-4 vừa qua.

Thị phần gia tăng, hệ thống mở rộng, thương hiệu vững mạnh nhưng trong 3 năm qua, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đều không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận (LN). Và LN đã trở thành chủ đề nóng được thảo luận, mổ xẻ nhiều nhất tại ĐHCĐ của SMC diễn ra ngày 18-4 vừa qua.

Chịu đựng ngắn hạn

Trước khi ĐHCĐ diễn ra, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC (ảnh), cho biết đã sẵn sàng tiếp thu những lời chỉ trích của các cổ đông, có thể rất nặng nề. Không đợi đến phiên thảo luận của đại hội, ngay trong phần trình bày về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 và phương hướng 2015, người đứng đầu SMC đã đi thẳng vào các vấn đề quan trọng. Trước tiên là sự chênh lệch LN trước kiểm toán (33,3 tỷ đồng) và sau kiểm toán (chỉ còn 19,9 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết đây là sự khác biệt về quan điểm giữa công ty và đơn vị kiểm toán về các khoản trích lập dự phòng, bao gồm dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán dài hạn, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Sau kiểm toán, giá trị các khoản dự phòng kể trên lên đến 50 tỷ đồng, đã khiến LN ròng bị sụt giảm. “Không hề có sự thiếu minh bạch hay cố ý che đậy ở đây.

SMC chủ trương trích lập từng phần để có thêm thời gian xử lý các vấn đề như công nợ, các khoản đầu tư hay hàng tồn kho. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với đơn vị kiểm toán, chúng tôi thấy rằng nên hạch toán một cách quyết liệt, dứt khoát, vừa phù hợp với các quy định của cơ quan quản lý vừa tránh những hệ lụy về sau, dù LN giảm là điều rất đau lòng” - ông Nguyễn Ngọc Anh khẳng định.

ĐHCĐ năm nay diễn ra trong không khí ảm đạm hơn những năm trước do những khó khăn trước mắt của công ty. Tuy nhiên, tôi cũng mong cổ đông hãy đồng cảm với chúng tôi và nhìn vào những CBCNV của SMC để tin tưởng. Dù khó khăn, nhưng SMC không nản chí, vẫn tiếp tục nỗ lực hết mức, đó là văn hóa SMC, không lùi bước trước khó khăn sau gần 30 năm tham gia ngành thép.

Ông Nguyễn Ngọc Anh

Về hoạt động kinh doanh, ông cũng chỉ ra rằng với việc chuyển từ hoạt động thương mại thuần túy sang gia công, chế biến sản phẩm thép, cùng với việc vị thế liên tục được củng cố trên thương trường, SMC đang phải đối mặt với nhiều thử thách trước những biến động khó lường từ thị trường. 5 tháng đầu năm 2014, diễn biến trên thị trường thép không mấy thuận lợi, nguồn cung khá dồi dào, tuy nhiên đến tháng 6, 7 và 8, giá tăng đã gây ra tình trạng thiếu thép.

Với hệ thống 4 coil center liên tục vận hành để đảm bảo tiến độ giao hàng cho các đối tác, nhất là các đối tác nước ngoài với yêu cầu rất cao, SMC bắt buộc phải duy trì hoạt động mua hàng. Vì thế, SMC đã phải nhập 1 lô thép cán nóng vào tháng 7-2014 với giá 530USD/tấn, nhưng do tình trạng khan hiếm hàng vào thời điểm đó, lô hàng này được ấn định thời hạn đến tháng 12 mới giao. Khi hàng về, giá thép cán nóng lúc này giảm xuống dưới 430USD/tấn.

Cùng thời điểm, giá dầu giảm mạnh đã dẫn đến giá quặng giảm theo, có khi giảm đến 10% chỉ sau 1 đêm và tác động tiêu cực đến giá thép. Với vị thế là nhà phân phối, gia công, chế biến thép hàng đầu, SMC không thể hành xử theo kiểu ký hợp đồng mua nhưng khi thấy giá xuống lại hủy đơn hàng, mà phải đảm bảo các giao dịch được thông suốt và liên tục. Chấp nhận chịu đựng khó khăn, thua lỗ trong ngắn hạn, nhưng đổi lại vị thế của SMC trong mắt các nhà sản xuất không ngừng được củng cố. Thành quả ở đây là SMC đã có thể làm việc trực tiếp và nhận được nhiều ưu đãi từ các nhà sản xuất thép hàng đầu tại khu vực châu Á.

Cho hướng đi dài hạn

“Nếu chỉ xét riêng tiêu chí LN, ban lãnh đạo SMC nhận thấy mình xứng đáng bị cách chức khi không thể giúp đồng vốn của cổ đông sinh lời một cách có hiệu quả. Theo kết quả sơ bộ, trong quý I-2015 SMC lỗ hơn 40 tỷ đồng và theo dự tính của tôi nhiều khả năng quý II tiếp tục lỗ khoảng 30 tỷ đồng nếu giá thép vẫn giữ như mức hiện nay” - ông Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Theo kế hoạch được ban lãnh đạo SMC đệ trình, chỉ tiêu LN sau thuế năm 2015 là 50 tỷ đồng. Ngay lập tức, các cổ đông thắc mắc về tính khả thi của kế hoạch này. Theo ước tính của ông Nguyễn Ngọc Anh, 6 tháng đầu năm công ty nhiều khả năng lỗ 70 tỷ đồng, nên trong 6 tháng cuối năm phải đạt được 120 tỷ đồng LNST mới hoàn thành mục tiêu. Có cổ đông còn đề xuất nên giảm về một con số hợp lý để tránh một lần nữa không hoàn thành kế hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Anh trả lời:  “Hôm nay, tôi đứng đây với tư thế của người cảm thấy có lỗi với các cổ đông, dù những khó khăn khách quan, như sự biến động khó lường của giá thép là không thể tránh khỏi. Có thể nói kế hoạch 50 tỷ đồng LNST đến lúc này rất khó thực hiện, nhưng tôi mong muốn ĐHCĐ tiếp tục giữ kế hoạch này. Vì điều đó chứng tỏ nỗ lực thực sự của ban lãnh đạo SMC và cũng là mong muốn được tạ lỗi với các cổ đông. Bản thân tôi và gia đình cũng có một lượng CP khá lớn tại SMC nên việc công ty sụt giảm LN cũng sẽ tác động trực tiếp đến các khoản thu nhập từ cổ phần, mà cụ thể là cổ tức”.

Một cổ đông đã nắm giữ CP SMC được hơn 4 năm nêu ý kiến: “Tôi vẫn luôn tin tưởng vào chiến lược, hướng đi của ông Nguyễn Ngọc Anh cũng như sự minh bạch trong hoạt động của SMC. Điều mong muốn lúc này là SMC có thể làm rõ vì sao thị trường bất động sản đang ấm dần, nghĩa là xi măng, sắt thép bán chạy hơn, nhưng tại sao lại không tác động đến LN của SMC.

Liệu khó khăn của công ty đến thời điểm này đã là đáy chưa?”. Ông Nguyễn Ngọc Anh đưa ra một phép tính, hiện tại 1 căn hộ khoảng 150m2 tiêu thụ khoảng 6 tấn thép. Sự ấm lên của thị trường địa ốc tất nhiên có tác động đến ngành thép, tuy nhiên số lượng thép tiêu thụ chưa thể tăng đột biến.

Các cổ đông lâu năm của SMC vẫn tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng công ty.

Các cổ đông lâu năm của SMC vẫn tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng công ty.

Chưa kể LN ròng 1kg thép xây dựng hiện chỉ khoảng 50-60 đồng, có thể nói là rất thấp nên SMC chưa hưởng lợi được gì nhiều. Về khả năng SMC đã về đáy của khó khăn chưa, theo ông Nguyễn Ngọc Anh cần một cách tổng thể: Doanh thu của SMC hiện xấp xỉ 500 triệu USD, tiêu thụ hơn 850.000 tấn thép/năm, chiếm thị phần khoảng 7% cả nước. Điều đó cho thấy các hoạt động vẫn đang tiến triển tốt, chừng nào thị trường khó khăn, doanh thu và sản lượng giảm mới là điều đáng lo ngại.

Cũng như năm 2008, giá thép những tháng gần đây giảm khá dốc và mạnh nên khả năng nếu thời cơ đến, giá thép có thể tăng mạnh trở lại. Nhưng đây là điều không thể dự báo. Vì vậy, để tiếp tục đối phó với các rủi ro trong ngắn hạn, chờ cơ hội phục hồi, SMC đã đề ra giải pháp “4 giảm 1 tăng”: giảm tồn kho, giảm công nợ, giảm chi phí, giảm tài sản và tăng vòng quay vốn. Bên cạnh đó, dự án nhà máy gia công chế biến thép chất lượng cao, dự kiến quý III tới có thể cho ra những sản phẩm đầu tiên sẽ góp phần đáng kể trong việc đa dạng hóa sản phẩm, cũng như LN của SMC. 

Các tin khác