Nghịch lý tỷ lệ sáp nhập

Cuối cùng một số thương vụ sáp nhập NH cũng đã được chính thức công bố tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay. Đây là một dấu hiệu khả quan cho năm cuối cùng thực hiện đề án tái cấu trúc hệ thống NH Việt Nam đã được phê duyệt. Tuy nhiên, điều làm ngạc nhiên cho giới đầu tư và cổ đông là tỷ lệ sáp nhập giữa một số NH được xem là yếu kém với NH mạnh.

Cuối cùng một số thương vụ sáp nhập NH cũng đã được chính thức công bố tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay. Đây là một dấu hiệu khả quan cho năm cuối cùng thực hiện đề án tái cấu trúc hệ thống NH Việt Nam đã được phê duyệt. Tuy nhiên, điều làm ngạc nhiên cho giới đầu tư và cổ đông là tỷ lệ sáp nhập giữa một số NH được xem là yếu kém với NH mạnh.

NH lớn tận dụng mạng lưới và dịch vụ!

Nhà đầu tư và cổ đông đặt vấn đề tại sao giá cổ phiếu của BIDV và VietinBank lại tăng khá mạnh kể từ đầu năm đến nay, trong khi đánh giá của nhiều chuyên gia cho rằng việc sáp nhập này không mang lại nhiều giá trị dương cho 2 NH lớn.

Tại ĐHCĐ của BIDV (ảnh), phương án sáp nhập với NHTMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đã chính thức được thông qua. Theo đó dự kiến quý II-2015, BIDV phát hành 336,9 triệu cổ phiếu để hoán đổi với cổ phiếu MHB theo tỷ lệ 1:1. Công bố về tỷ lệ sáp nhập trên đã khiến không ít cổ đông bày tỏ sự bất ngờ bởi 2 NH này chênh lệch “đẳng cấp” và hiệu quả quá lớn, nhưng lại gần như có giá tương đương nhau.

Lý giải về “nghịch lý” này ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, chia sẻ MHB và BIDV đều do NHNN sở hữu tỷ lệ lớn nên cổ đông lớn không hề có ảnh hưởng. Còn với cổ đông nhỏ, trong ngắn hạn sự lo ngại là đúng vì giá BIDV trên thị trường đang cao hơn đáng kể so với MHB. Tuy nhiên, về dài hạn BIDV sẽ tận dụng được nhiều lợi thế khi sáp nhập MHB bởi mạng lưới khách hàng nông thôn rộng lớn của NH này. Bên cạnh đó, ông Hà còn nhấn mạnh số lượng 44 chi nhánh của MHB  nếu để BIDV tự phát triển cũng phải mất 7 năm nữa.

Trước đó vài ngày, tại ĐHCĐ của VietinBank cũng đã công bố một vụ sáp nhập rất đáng được chú ý. Đó là VietinBank sẽ sáp nhập với NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Điều đáng ngạc nhiên là tỷ lệ sáp nhập giữa VietinBank và PGBank là 1:0,9 (tức 0,9 cổ phiếu CTG đổi lấy 1 cổ phiếu PGBank) bằng hình thức VietinBank sẽ phát hành 270 triệu cổ phiếu đổi lấy 300 triệu cổ phiếu của cổ đông hiện hữu PGBank.

Theo lãnh đạo VietinBank, việc sáp nhập này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống NH. Bên cạnh đó tạo cơ hội cho VietinBank đạt được mục tiêu trở thành NH hàng đầu thông qua liên kết với Petrolimex (cổ đông lớn của PGBank). VietinBank có thể khai thác mạng lưới của Petrolimex cùng các dịch vụ tài chính đi kèm (hơn 6.200 cây xăng, trong đó 2.200 cây xăng của Petrolimex), đẩy mạnh dịch vụ tài chính cho nhóm khách hàng của Petrolimex.

Lệch pha đẳng cấp, lợi nhuận, thị giá

Việc nhà đầu tư và cổ đông băn khoăn tỷ lệ sáp nhập của 2 thương vụ có “ông lớn” tham gia mở đầu của năm 2015 cũng là điều dễ hiểu, bởi so sánh về đẳng cấp, hiệu quả hoạt động, cũng như giá thị trường rõ ràng tỷ lệ đó hoàn toàn không tương xứng.

Cụ thể, năm 2015 lợi nhuận của BIDV lên đến 4.947 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số đo lường hiệu quả sử dụng vốn là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của BIDV lên đến 15,5%, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2014 là 1,8%. Nếu xét theo những con số này BIDV là một trong những NH hiệu quả nhất Việt Nam. Hiện BIDV có vốn điều lệ lên tới 28.112 tỷ đồng và tổng tài sản là 650.340 tỷ đồng. Đây là một trong 4 NH lớn nhất Việt Nam.

Trái ngược với quy mô “hoành tráng” của BIDV, MHB cũng là NH xuất thân Nhà nước nhưng có quy mô nhỏ hơn nhiều. Hiện hơn 70% dư nợ cho vay của MHB dành cho nông nghiệp. Theo báo cáo tại ĐHCĐ của MHB, tính đến cuối năm 2014 tổng tài sản khoảng 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 162 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 2,72%. Như vậy, nếu sáp nhập thêm MHB quy mô của BIDV cũng tăng hơn không đáng kể. Trong khi đó xét về hiệu quả MHB thấp hơn rất nhiều so với BIDV.

Bên cạnh đó còn chưa tính đến những rủi ro tiềm tàng của MHB khi cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp. So sánh về thị giá thì MHB cũng đang được giao dịch thấp hơn nhiều so với BIDV. Hiện giá cổ phiếu MHB đang được giao dịch quanh mức 8.000-10.000 đồng/cổ phần, thậm chí có những giao dịch với chỉ có 6.000 đồng/cổ phần. Trong khi đó, giá cổ phiếu BID của BIDV đang được giao dịch trên sàn niêm yết gần 20.000 đồng/cổ phần.

Còn đối với trường hợp sáp nhập giữa PGBank với VietinBank cũng thấy có một sự chênh lệch lớn. VietinBank hiện là một trong những NH lớn nhất và hiệu quả cao ở Việt Nam. Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của VietinBank đạt 6.243 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. ROE của VietinBank cũng khoảng 10%. Trong khi đó PGBank lợi nhuận trước thuế cuối năm 2014 chỉ có 82 tỷ đồng, tương ứng ROE chỉ có khoảng 3%. Tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC lên đến gần 7%.

Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, trong nhiều trường hợp tổ chức sáp nhập chấp nhận mua với một giá cao hơn bình thường để tận dụng các lợi thế của tổ chức bị sáp nhập. Tuy nhiên, đối với trường hợp của BIDV sáp nhập MHB, hay VietinBank sáp nhập PGBank với tỷ lệ nêu trên sẽ gây “khó hiểu”. Bởi xét về tất cả các điểm về tài chính hay lợi thế kinh doanh khó giải thích cho tỷ lệ sáp nhập đó. Ngoài ra, BIDV và VietinBank còn “gánh” rủi ro của 2 tổ chức kia. 

Các tin khác