Các nước cải cách hành chính (K4): Trung Quốc

Từ thời mở cửa năm 1978 đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện cải cách hành chính để theo kịp sự phát triển thần tốc của kinh tế - xã hội. Trong đó, đáng chú ý là 3 cuộc cải cách được thực hiện từ năm 1995 đến nay.

Từ thời mở cửa năm 1978 đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện cải cách hành chính để theo kịp sự phát triển thần tốc của kinh tế - xã hội. Trong đó, đáng chú ý là 3 cuộc cải cách được thực hiện từ năm 1995 đến nay.

Thành tựu

3 cuộc cải cách này không mang lại nhiều thay đổi trong bộ máy cơ cấu tổ chức hành chính nói chung. Tuy nhiên, ở cấp xã đã có sự thay đổi rõ rệt. Trước cải cách, xã bao gồm các đội sản xuất, nay được tổ chức thành làng, trong đó lập ra ủy ban làng - tổ chức tự quản do dân trực tiếp bầu, nhiệm kỳ 3 năm với số lượng khoảng 3 triệu người. Theo đánh giá, việc tổ chức làng thành đơn vị tự quản là chủ trương đúng, rất có hiệu quả trong việc góp phần củng cố chính quyền cơ sở, giữ vững ổn định.

Tại các đô thị, mô hình tương tự là tổ dân phố (gần 80.000 đơn vị). Một thành tựu khác là việc giảm thiểu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cùng với việc bỏ cơ chế chính quyền trực tiếp quản lý DN. Cho đến năm 2013, Trung Quốc chỉ còn 189 DNNN do Trung ương trực tiếp quản lý, về cơ bản không còn DN thuộc bộ. Để quản lý hiệu quả DNNN, Trung Quốc thành lập Ủy ban Quản lý tài sản quốc hữu ở cấp trung ương và sau đó triển khai ra cả cấp địa phương. Định hướng chính của cải cách cơ cấu bộ máy hành chính trong các cuộc cải cách này là hướng tới việc chính phủ chỉ quản lý ở tầm vĩ mô và chỉ giám sát, không quản lý thị trường.

Theo đó, 7 lĩnh vực chính quyền trung ương tập trung quản lý là quốc phòng, ngoại giao, chính sách tài chính, ngân hàng, điện lực, thông tin, đường sắt. Các lĩnh vực còn lại thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương.

Theo Bắc Kinh, hiện có đến 97% công chức được tuyển dụng vào bộ máy hành chính qua thi tuyển. Các nguyên tắc được áp dụng trong thi tuyển là công khai, bình đẳng, cạnh tranh và tự do. Biện pháp hiệu quả nhất là đưa yếu tố cạnh tranh vào việc lựa chọn cán bộ quản lý. Khi cần bổ sung một chức danh quản lý nào đó sẽ thực hiện việc đề cử công khai và tổ chức thi tuyển.

Đối với viên chức chuyên môn (giáo viên, bác sĩ, kỹ sư…) bỏ chế độ tuyển dụng theo nguyên tắc chỉ định, thay bằng đánh giá, nhận xét tiêu chuẩn, tư cách, còn các đơn vị sử dụng tự quyết định việc tuyển dụng thông qua chế độ hợp đồng. Phân loại cán bộ công chức để từng bước loại bớt người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy được coi là biện pháp tinh giản biên chế có hiệu quả.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh chương trình xây dựng chính phủ điện tử và tin học hóa trong lĩnh vực hành chính công. Cho đến nay các bộ đã xây dựng được mạng nội bộ. Giao dịch bằng điện tử đã được thực hiện giữa các bộ với các tỉnh, khu tự trị trực thuộc trung ương. Các bộ, các tỉnh và khu tự trị cũng xây dựng được trang web riêng. Ở một số thành phố lớn, người dân có thể truy cập được thông tin của chính phủ trên mạng internet (khoảng dưới 100 triệu dân). Ở một số khu vực kinh tế phát triển và đô thị, những dịch vụ hành chính công như đăng ký thuế, hải quan… đã thực hiện thông qua mạng điện tử.

Tồn tại

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, những cuộc cải cách hành chính của Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Thứ nhất, Bắc Kinh nhắm tới 3 giá trị khi thực hiện cải cách hành chính: hiệu quả, hiệu dụng và kinh tế. Trong khi đó, lại bỏ qua những giá trị ngang bằng hoặc thậm chí quan trọng hơn như công bằng, công lý, dân chủ, trách nhiệm xã hội và sự cảm thông... Đó là những giá trị chuẩn về hành chính công đã được đưa ra tại Hội nghị Minnowbrook. Thứ hai, những cải cách được tiến hành một cách khá thụ động, theo kiểu “sai đâu sửa đó”, không có vai trò dẫn dắt.

Thứ ba, tầm nhìn về cải cách hành chính ở Trung Quốc vẫn còn hạn hẹp. Trong những thập niên qua, cải cách hành chính ở nước này được hiểu là cơ cấu bộ máy, tức chủ yếu nhắm đến việc tinh gọn bộ máy và giảm thiểu biên chế, thông qua những biện pháp như giải tán một số cơ quan, tổ chức, hay sáp nhập các bộ, ngành cùng với việc tinh giản biên chế...

Trong khi đó, cải cách hành chính cần phải được tiến hành trên nhiều phương diện với 3 cấp độ: Cải tổ bộ máy, nhân sự như Trung Quốc đang làm; cải tổ các giải pháp hành chính, tức cách thức quản lý hành chính cũng như cách cư xử, phương pháp phục vụ của viên chức ngành hành chính; hướng đến giá trị của cải cách. Theo đó cải cách hành chính cần hướng đến giá trị của các công chức.

Thứ tư, cải cách hành chính không thể tách thành một phần riêng biệt của xã hội mà phải xem xét trên một phạm vi rộng, từ cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế đến đảng phái chính trị. Tất cả phải đồng bộ, việc cách ly và xử lý các vấn đề hành chính riêng biệt là không nên. Các vấn đề hành chính là hiện thân của các yếu tố đa dạng như chính trị, kinh tế, văn hóa và pháp luật. Do đó, cải cách hành chính không nên chỉ giới hạn trong phạm vi tổ chức chính phủ. Nó cần được gắn kết với cải cách chính trị, kinh tế, tư pháp, lập pháp và tổ chức xã hội.

Các quan chức ngủ gật trong một cuộc họp ở Trung Quốc.

Các quan chức ngủ gật trong một cuộc họp ở Trung Quốc.

Thứ năm, bỏ qua tương tác xã hội và thực hiện dân chủ. Nếu công dân không có quyền lợi, quyền hạn và cơ hội tham gia hoạch định chính sách, bộ máy hành chính sẽ không thể vận hành trơn tru. Theo nghiên cứu của Lindblom, một xã hội khoa học và có khả năng tự điều chỉnh phải lấy việc thăm dò ý kiến quần chúng đặt ở vị trí trung tâm. Nói cách khác, dân chủ không chỉ là yếu tố nên có mà phải có và rất cần thiết.

Thứ sáu, thiếu lý luận và tính dự báo. Những cuộc cải cách hành chính trước đây cho thấy Trung Quốc không được chuẩn bị đầy đủ về mặt lý thuyết và dự báo, thiếu sự thừa nhận về mặt lý thuyết có hệ thống về các vấn đề lý luận quan trọng như: Bản chất của hành chính công là gì? Chức năng và nhiệm vụ của chính phủ? Mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp; giữa chính phủ và xã hội; giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương?... Nếu cải cách hành chính thiếu dự báo và không đặt trên cơ sở lý luận đầy đủ, nó sẽ bị lạc vào một rừng công cụ và kỹ thuật.

Vì những hạn chế này, dù đã trải qua nhiều cuộc cải cách hành chính, cho đến nay dịch vụ hành chính công của Trung Quốc vẫn bị đánh giá thấp, với nạn quan liêu và tham nhũng vẫn hoành hành dữ dội. Cuộc chiến chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nhắm đến việc thanh lọc bộ máy, bài trừ tham nhũng. Tuy nhiên, kết quả ra sao vẫn cần chờ thời gian trả lời.

Các tin khác