Doanh nghiệp cao su vẫn thận trọng

Mặc dù giá cao su thiên nhiên được dự báo sẽ hồi phục, nhưng thực tế trong mùa ĐHCĐ năm nay các doanh nghiệp cao su đang niêm yết vẫn hết sức thận trọng khi đề ra chỉ tiêu cho năm 2015.

Mặc dù giá cao su thiên nhiên được dự báo sẽ hồi phục, nhưng thực tế trong mùa ĐHCĐ năm nay các doanh nghiệp cao su đang niêm yết vẫn hết sức thận trọng khi đề ra chỉ tiêu cho năm 2015.

Tín hiệu tích cực

Trong khi các loại hàng hóa khác vẫn đang trong xu hướng giảm thì giá cao su đã phát đi một số tín hiệu tích cực. Theo phân tích của các chuyên gia Tổ chức Nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG), cao su tự nhiên thế giới và Việt Nam theo dự báo vẫn sẽ đối mặt với tình trạng cung vượt cầu trong năm nay.

Tuy nhiên, vẫn có yếu tố tích cực chính là khả năng mức thặng dư cao su sẽ giảm gần 50% xuống còn hơn 200.000 tấn trong năm 2015 từ mức 370.000 tấn trong năm 2014. Cụ thể, 3 quốc gia đang đóng góp gần 2/3 sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã có động thái hạn chế xuất khẩu mủ cao su và làm giảm đáng kể nguồn cung trên thị trường thế giới. IRSG cũng nhận định nhu cầu cao su tự nhiên dự báo sẽ tăng khoảng 1,8% trong năm 2015.

Trong khi nhu cầu tăng, nguồn cung đã bắt đầu chững lại. Điều này mở ra triển vọng phục hồi dần của giá cao su trong năm nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cao su tự nhiên trong nước mới đây đã đón nhận thông tin Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tìm được thị trường xuất khẩu sang Nhật khoảng 200.000 tấn mủ/năm.

Các công ty cao su niêm yết đang được giao dịch với P/E 2014 ở mức 7,3x, hấp dẫn hơn so với VN Index hiện khoảng 13,4x.

Quan trọng hơn, nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối cung cầu giữa các loại cao su nguyên liệu, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã có chủ trương tái cơ cấu nâng cao sản lượng cao su nguyên liệu có giá trị gia tăng cao (SV10 và SV20) dùng sản xuất săm lốp và giảm tỷ trọng cao su thô giá trị thấp (3L).

Ngoài ra, các doanh nghiệp cao su tự nhiên nội địa có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh của ngành bán lẻ ô tô trong nước và kéo theo đó là nhu cầu cao về lốp xe. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số tiêu thụ ô tô tại Việt Nam tăng 40% so với năm 2014.

Thực tế, nhà máy sản xuất lốp Radial của doanh nghiệp săm lốp niêm yết đều dự kiến hoạt động với công suất cao hơn trong năm nay. Mối quan ngại về khả năng giá dầu thô ở mức thấp sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá thành của sản phẩm cao su tự nhiên so với cao su tổng hợp (chiết xuất từ dầu thô). Tuy nhiên, việc giá dầu và giá cao su tự nhiên đều đã rơi xuống mốc thấp nhất từ năm 2008 cũng làm giảm xác suất 2 loại hàng hóa này sẽ tiếp tục giảm sâu hơn.

Tính đến cuối năm 2014, tồn kho mủ cao su của thế giới ước tính còn khoảng 3 triệu tấn. Với những nhận định trên chưa thể kỳ vọng giá cao su sẽ mau chóng lấy lại mức giá cao, nhưng đây là cơ sở để cho rằng sự phục hồi sẽ manh nha bắt đầu đối với các doanh nghiệp trồng và khai thác cao su thiên nhiên đang niêm yết.

Giảm mục tiêu lợi nhuận

Mặc dù diễn biến giá được dự báo khả quan hơn năm 2014, nhưng thực tế các doanh nghiệp cao su niêm yết vẫn hết sức thận trọng khi đặt ra chỉ tiêu trong mùa ĐHCĐ năm nay. Như trường hợp CTCP Cao su Đồng Phú (DPR). Để có thể hoàn thành chỉ tiêu năm 2014, doanh nghiệp này đã phải điều chỉnh kế hoạch trong những tháng cuối năm. Nhờ vậy, DPR đã cán đích hầu hết các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2014.

Tuy nhiên, theo tờ trình DPR dự kiến sẽ đưa ra cho cổ đông trong ngày tổ chức ĐHCĐ (ngày 24-4), lợi nhuận trước thuế chỉ có 155 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với mức thực hiện năm 2014. Bên cạnh đó, mức cổ tức dự chi từ 30% của năm 2014 cũng sẽ giảm xuống từ 20-25% (nếu thiếu sẽ lấy nguồn lợi nhuận trước thuế chưa phân phối năm trước chuyển sang).

Giá cao su thiên nhiên dự báo sẽ hồi phục.

Giá cao su thiên nhiên dự báo sẽ hồi phục.

Tương tự là trường hợp CTCP Cao su Phước Hòa (PHR). Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh mục tiêu kinh doanh năm 2014 trong những tháng cuối cùng để có thể cán đích kế hoạch. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2014 của PHR đạt 271 tỷ đồng (vượt 65% kế hoạch cả năm đã điều chỉnh giảm). Với mức lợi nhuận đó, HĐQT đã quyết định đưa ra mức chi trả cổ tức 2014 là 20%/mệnh giá.

Tỷ lệ này chỉ bằng 2/3 với năm 2013 (chi trả cổ tức 30%/mệnh giá). Tại ĐHCĐ được tổ chức trong tháng 3 vừa qua, HĐQT của doanh nghiệp này cũng hết sức thận trọng với mục tiêu kinh doanh cho năm 2015. Cụ thể, trong năm 2015, PHR sẽ lên kế hoạch thanh lý 1.035ha cây cao su và dự kiến mang về 100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 115 tỷ đồng (giảm 66,4%).

Đến thời điểm hiện tại, CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) vẫn chưa công bố ngày tổ chức ĐHCĐ năm 2015. Tuy nhiên, theo Nghị quyết HĐQT doanh nghiệp này công bố mới đây, nhiều khả năng các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2015 sẽ bị cắt giảm mạnh. Cụ thể, kế hoạch tài chính 2015 được HĐQT đề ra với chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 166,5 tỷ đồng (giảm 30% so với kết quả đạt được năm 2014).

Doanh thu sẽ có 31 tỷ đồng đến từ hoạt động thanh lý vườn cây (năm 2014 khoản mục này đạt 74,4 tỷ đồng). Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế năm 2015 được đặt ra chỉ ở mức 25,7 tỷ đồng (giảm 54,3% so với kết quả năm 2014). 

Các tin khác