Bấp bênh giá trị xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu cả nước không ngừng tăng trong những năm qua, 2013 đạt 132 tỷ USD, 2014 đạt 150 tỷ USD, dự kiến 2015 đạt 165 tỷ USD. Nhưng những con số này sẽ không nói lên nhiều điều khi giá trị gia tăng các mặt hàng xuất khẩu hiện rất thấp, tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào không ngừng tăng lên.

Kim ngạch xuất khẩu cả nước không ngừng tăng trong những năm qua, 2013 đạt 132 tỷ USD, 2014 đạt 150 tỷ USD, dự kiến 2015 đạt 165 tỷ USD. Nhưng những con số này sẽ không nói lên nhiều điều khi giá trị gia tăng các mặt hàng xuất khẩu hiện rất thấp, tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào không ngừng tăng lên.

Giá trị gia tăng thấp

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam có thể quay trở lại nhập siêu trong năm 2015 nếu không kiểm soát tốt. 2 năm gần đây, Việt Nam đã cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, thậm chí xuất siêu trong năm 2014. Việc đạt được cân bằng cán cân thương mại, nhưng nguy cơ nhập siêu quay trở lại cho thấy hoạt động xuất khẩu còn bấp bênh và chưa bền vững.

Bộ Công Thương dự báo, năm 2015 Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 165 tỷ USD, trong đó DN trong nước xuất khẩu 55 tỷ USD, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 110 tỷ USD. Cũng trong năm này, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 171 tỷ USD, trong đó DN trong nước nhập 73,37 tỷ USD, DN FDI nhập 96,8 tỷ USD. Tính chung năm 2015, Việt Nam sẽ nhập siêu khoảng 6 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng xuất khẩu bấp bênh có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, hoạt động xuất khẩu đang có sự đóng góp lớn của nhóm hàng nông thủy sản và khoáng sản nhiên liệu. Đặc điểm nhóm hàng nông thủy sản là phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, thường xuyên chịu ảnh hưởng bão lụt, hạn hán. Đây cũng là nhóm hàng có giá trị ban đầu mang lại thấp. Dù nông sản Việt Nam xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng chưa làm chủ được thị trường, không quyết định giá nên thường xuyên phải chạy theo giá thế giới như giá gạo Thái Lan, Ấn Độ, giá tiêu, điều, cà phê của một số quốc gia trên thế giới…

Thứ hai, giá trị xuất khẩu phụ thuộc vào một hoặc một số nhóm hàng, trước đây là dầu thô, nay là điện thoại di động và thiết bị điện tử. Trong trường hợp có biến động trên thị trường, thí dụ với sản phẩm điện thoại, hàm lượng công nghệ cao, nhưng có tính thời trang, xu hướng, tiêu dùng và nhân tố công nghệ, xu hướng tiêu dùng thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu Việt Nam.

Sự bấp bênh của hoạt động xuất khẩu còn thể hiện qua cơ cấu giá trị nhóm ngành hàng, nhóm hàng công nghiệp đang chiếm 2/3 giá trị xuất khẩu, nhưng giá trị gia tăng đem lại thấp vì công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển. Chẳng hạn, một đôi giầy Nike giá xuất khẩu 70-100USD nhưng giá trị thực thu lại không nhiều khi đa số nguyên, phụ liệu đầu vào, máy móc được nhập ngoại, đóng góp nhân công, đầu tư nhà xưởng trong nước chỉ khoảng 10-15USD.

Tương tự hoạt động xuất khẩu hạt cà phê của Việt Nam, cứ 10USD cà phê xuất khẩu, giá trị mang về khoảng 1USD. Điều này cho thấy giá trị xuất khẩu hạt cà phê nằm ở nhà chế biến nước ngoài, không thuộc về DN xuất khẩu trong nước. Một nguyên nhân khác là cơ cấu thị trường xuất khẩu đang phụ thuộc một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Nếu EU ngừng nhập do an toàn thực phẩm, Hoa Kỳ chống bán phá giá, chống trợ cấp, ngay lập tức đe dọa kim ngạch xuất khẩu.

Tận dụng cơ hội từ các FTA

Năm nay, một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể ký kết như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh hải quan... Theo đó, Việt Nam sẽ có FTA với 55 nền kinh tế và cơ hội cho xuất khẩu rất lớn. Với các FTA nêu trên, hàng hóa xuất khẩu sang EU dự kiến tăng 30-40%, Nga tăng 63%, Belarus tăng 41% và Kazachstan tăng 8%...

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng đang được kỳ vọng không chỉ tăng xuất khẩu tạo thêm việc làm và thu nhập, mà còn góp phần làm tăng FDI, tạo việc làm và giá trị gia tăng; đồng thời mang lại cơ hội để DN cải tiến quản trị, cạnh tranh bình đẳng và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định cơ hội là chưa từng có, nhưng chúng ta làm được hay không lại là vấn đề cần đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang thực hiện cải tổ nền kinh tế. Tác động lớn nhưng muốn tham gia sân chơi lớn phải tìm hiểu kỹ về thuận lợi hóa thương mại.

Dệt may có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn.

Dệt may có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn.

Trên thực tế, quá trình hội nhập vào kinh tế toàn cầu đã tác động làm thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu những năm qua. Trước đây khoáng sản, đặc biệt là dầu thô đóng góp lớn nhất, nhưng nay giá trị xuất khẩu của khoáng sản, dầu thô chỉ chiếm 5-6% tổng giá trị xuất khẩu.

Nhóm hàng nông thủy sản trước có tỷ trọng lớn, nay lượng tuyệt đối có tăng nhưng tỷ trọng lại giảm. Ngược lại nhóm hàng công nghiệp chế tạo, lắp ráp điện thoại di động và thiết bị điện tử đang tăng mạnh nhờ sự đóng góp của DN FDI.

Theo bà Nguyễn Trần Như Hoa, Giám đốc Marketing UPS, để tận dụng đầy đủ các yếu tố về thuận lợi hóa thương mại từ các FTA, DN xuất khẩu trong nước phải kết nối tốt với mạng lưới DN cung cấp dịch vụ logistics toàn cầu. Bởi chính mạng lưới, hệ thống cung ứng logistics toàn cầu sẽ trung chuyển, phân phối sản phẩm xuất khẩu đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng. Trong hệ thống thương mại toàn cầu nếu không kết nối được với chuỗi cung ứng logistics, DN xuất khẩu trong nước sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ nước ngoài khác.

Các tin khác