Bài học sử dụng đồng vốn

Một nguyên tắc ai cũng biết, vốn ODA luôn là khoản vay chúng ta sẽ phải trả lại trong tương lai và kèm theo là những điều khoản có lợi cho nhà thầu đến từ nước cung cấp ODA. Việc Cảng Đà Nẵng từ chối vốn vay ODA của Nhật Bản cho dự án mở rộng Cảng Tiên Sa cho thấy sự cân nhắc cần thiết trong sử dụng vốn thế nào cho hiệu quả và có lãi nhất.

 Một nguyên tắc ai cũng biết, vốn ODA luôn là khoản vay chúng ta sẽ phải trả lại trong tương lai và kèm theo là những điều khoản có lợi cho nhà thầu đến từ nước cung cấp ODA. Việc Cảng Đà Nẵng từ chối vốn vay ODA của Nhật Bản cho dự án mở rộng Cảng Tiên Sa cho thấy sự cân nhắc cần thiết trong sử dụng vốn thế nào cho hiệu quả và có lãi nhất.

ODA không phải tiền chùa

Khi sử dụng đồng vốn ODA vay của nước nào, nhìn chung ta phải sử dụng nhà thầu của nước đó. Theo các số liệu thống kê, hiện có tới 60-70% công trình ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam (tiền Việt Nam trả cho thực hiện dự án) đều vào tay các công ty của Nhật Bản. Người đi vay bị ràng buộc sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị của chủ nợ. Đó là chưa kể, người đi vay phải miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa phải mua từ nước cho vay, phải nhận một phần vốn vay ở dạng hiện vật, phải chịu sự biến động của tỷ giá...

Thực tế, việc Cảng Đà Nẵng từ chối ODA để mở rộng giai đoạn 2 không phải lần đầu tiên. Năm 2006, Đà Nẵng đã từ chối nguồn vốn ODA từ một nước châu Âu trong đầu tư xử lý rác thải. Phía cho vay muốn đầu tư dây chuyền xử lý rác giá 6 triệu USD cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, đó là công nghệ của những năm 1970, các nước tiên tiến không dùng nữa. Nếu nhập sang vẫn rất tốt vào thời điểm đó, nhưng vài năm sau sẽ lạc hậu. Vì thế, việc Cảng Đà Nẵng cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định từ chối ODA cho dự án cảng Tiên Sa cho thấy đây là việc làm cần thiết chống tư tưởng ỷ lại vào vốn ưu đãi, trong đó có ODA.

Bất kỳ khoản viện trợ nào cũng có 2 mặt. Khi một nước đem tiền thuế của dân đi cho hoặc cho nước khác vay với lãi suất rất ưu đãi nó hàm chứa nhiều mục tiêu cả kinh tế và phi kinh tế. Bản chất của viện trợ là khoản tiền thuế của người dân nước đi viện trợ, nên tiền viện trợ phải đem lại lợi ích trước mắt hay lâu dài cho nước đi viện trợ.

Như họ tài trợ các dự án đường sá, hạ tầng, hành lang pháp lý... mục đích để các công ty của họ vào đầu tư đạt hiệu quả cao nhất. Chưa hết, ODA đến, nước nhận viện trợ phải có vốn đối ứng để cùng thực thi dự án. Vì vậy, trong dự án ODA ở Việt Nam bao giờ cũng có tiền thuế của người dân Việt Nam. Nên nó hoàn toàn không phải “bình sữa ngọt” từ bên ngoài đưa vào và đôi khi dùng vốn ODA còn đắt hơn cả vốn trong nước.

Nói như vậy, nhưng không có nghĩa là ODA mang lại hoàn toàn tiêu cực. Bởi hiện nay nền kinh tế nước ta còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp vì vậy nguồn vốn ODA rất cần thiết. Nguồn vốn này trực tiếp giúp cải thiện điều kiện về vệ sinh y tế, cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường, vốn ODA góp phần tích cực trong việc phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo; giúp DN nhỏ có thêm vốn, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả đầu tư cho sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô; nhập khẩu máy móc thiết bị cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước từ các nước phát triển.

Do đó, vấn đề ở đây là sử dụng ODA hiệu quả chứ không phải ở chuyện hạn chế vay. Và để phát huy hiệu quả này cần tiến tới dành một phần ODA cho DN ngoài quốc doanh, giúp họ tận dụng những ưu đãi của ODA thông qua việc trả lãi cho Chính phủ.

Khi DN nói thật, làm thật

Trở lại với câu chuyện của Cảng Đà Nẵng. Trong một báo cáo trình UBND TP Đà Nẵng, đơn vị này tính toán nếu được tự thực hiện, dự án sẽ tốn chi phí gần 1.300 tỷ đồng. Trong khi đó, phương án đầu tư bằng vốn vay ODA Nhật Bản hơn 2.160 tỷ đồng. Làm một phép tính đơn giản có thể thấy chỉ riêng việc không thực hiện bằng khoảng vay ODA, DN này đã tiết kiệm được hơn 800 tỷ đồng - một số tiền không nhỏ.

Và để thực hiện dự án này, trả lời với báo chí, người đứng đầu Cảng Đà Nẵng đưa ra phương án rất cụ thể: làm cuốn chiếu thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 hơn 1.000 tỷ đồng với vốn tự có của đơn vị 30% (khoảng 300 tỷ đồng); 30% nữa là vốn vay, còn lại hơn 30% từ thị trường vốn bên ngoài, để đến cuối năm 2017 sẽ hoàn tất. Khi đó sẽ nâng công suất của cảng lên rất nhiều. Năm nay Cảng Đà Nẵng phấn đấu đạt 6,5 triệu tấn, trong đó hàng container đạt 250.000-260.000TEU, chiếm 60% tổng sản lượng.

Cảng Tiên Sa
Cảng Tiên Sa

Đến năm 2020, hàng container sẽ đạt 550.000-600.000TEU và đến năm 2025 đạt 800.000TEU. Từ kế hoạch rất bài bản trên, có thể thấy không phải ngẫu nhiên đơn vị này từ chối ODA. Đây là quyết định rất dũng cảm. Dưới góc độ DN cần nhìn nhận theo hướng tích cực rằng bản lĩnh và sự tự tin của DN Việt Nam đang ngày càng lớn hơn, họ đã tự huy động được nguồn vốn, không lệ thuộc vào vốn viện trợ của nước ngoài. Điều này rất có ý nghĩa trong tình hình nợ công Việt Nam đã chạm ngưỡng.

Tuy vậy, xung quanh việc chủ đầu tư thực hiện dự án cũng có không ít nỗi lo, đặc biệt là chất lượng công trình. Quan sát trong thời gian qua cho thấy, những dự án có sự tham gia của nhà thầu, tư vấn và máy móc thiết bị của nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản luôn được đảm bảo, dù đôi khi một dự án hoàn thành chi phí có thể cao hơn 10-20% so với các nhà thầu khác thực hiện.

Vì thế, trong thời buổi khó khăn hiện nay việc xoay được khoản tiền lớn (tổng mức đầu tư cho dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 lên tới hơn 1.000 tỷ đồng) là điều không dễ dàng. Nhưng khi người đứng đầu Cảng Đà Nẵng dám đem chức vụ và cả danh dự của mình ra để đảm bảo việc triển khai dự án đúng tiến độ, chúng ta có quyền tin rằng dự án sẽ thành công. Đó là minh chứng cho hành động dám nghĩ, dám làm, là cách làm ăn thật của DN thời kỳ hội nhập.

Các tin khác