Khám phá Tây Yên Bái

Miền Tây Yên Bái bao gồm huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu… Nơi đây có cánh đồng rộng thứ hai Tây Bắc, nổi tiếng với gạo trắng nước trong, có thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, với 13 dân tộc anh em chung sống từ lâu đời, có một nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Miền Tây Yên Bái bao gồm huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu… Nơi đây có cánh đồng rộng thứ hai Tây Bắc, nổi tiếng với gạo trắng nước trong, có thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, với 13 dân tộc anh em chung sống từ lâu đời, có một nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Từ lâu miền Tây Yên Bái đã là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Tháng 3 là tháng lễ hội, đến với miền Tây Yên Bái, du khách được tìm tòi khám phá thiên nhiên kỳ thú, các di tích lịch sử văn hóa, các sinh hoạt văn hóa độc đáo, đa dạng và phong phú của các dân tộc ít người. Mỗi du khách đến đây không chỉ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, mà còn như tìm thấy bóng dáng của cội nguồn từ thuở nguyên sơ.

Hòa mình vào Lễ hội Lồng tồng dân tộc Thái xã Sơn A, chúng ta cùng tham dự những trò chơi thể hiện nét đẹp truyền thống phong phú, gắn với tập tục văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trong phần lễ cúng tế trời đất và thần Nông, cầu xin ban cho mưa thuận, gió hòa, con người khỏe mạnh, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Phần lễ được thực hiện trang trọng, thể hiện khát vọng của dân làng với ước mong cuộc sống sung túc, vui tươi, nhà nhà no ấm đủ đầy lợn gà, thóc lúa, ngô trái đầy ruộng, làng trên xóm dưới đoàn kết. Phần lễ được chia thành 2 phần.

Phần thứ nhất, dâng lễ và thầy cúng làm thủ tục cúng. Phần thứ hai, thực hiện nghi thức và ném quả còn đầu tiên khai hội. Trong phần làm thủ tục dâng lễ, thầy cúng đọc các bài khấn và thực hiện các nghi thức tạ Thiên Địa, cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối và ma bản ma mường, những vị thần bảo hộ cho mùa màng và sức khỏe, sự bình yên của dân bản. Giàn cúng được làm bằng tre, nứa, cao khoảng 1m so với mặt đất, rộng 60cm.

 Trò chơi đẩy gậy trong lễ hội.

Trò chơi đẩy gậy trong lễ hội. 

Làm lễ xong ở giàn cúng chính, thầy mo đến cúng ở chân cột còn. Cúng xong thầy mo tung cao quả còn cho các chàng trai tranh cướp mở đầu cho phần hội. Ai cướp được quả còn đầu tiên người đó được ném còn lên vòng, chỉ đến khi đã có người ném rách vòng còn mới được chuyển sang các trò chơi khác. Người nào ném rách phông giấy được thưởng và ý nghĩa sẽ gặp được may mắn cả năm. Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, leo cột mỡ và hoạt động văn nghệ với sự tham gia của đông đảo quần chúng Nhân dân.

Lễ hội Lồng tồng dân tộc Thái xã Sơn A thể hiện những khát vọng về cuộc sống bình yên, ấm no, sinh sôi, nảy nở, an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi. Người dân tham gia lễ hội để tạ ơn ma mường, ma bản, tổ tiên, trời đất bảo vệ mùa màng tổng kết năm cũ, chuẩn bị sang mùa vụ mới có nhiều thóc lúa, lợn gà. Đây là dịp để các thôn bản, người dân trong và ngoài xã có dịp giao lưu, vui chơi giải trí sau một năm lao động vất vả. Lễ hội Lồng tồng khép lại, người dân lại trở về với công việc đồng áng bước vào vụ sản xuất mới với mong muốn “mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu” hẹn gặp lại du khách Lễ hội Lồng tồng năm sau.

Đến Yên Bái, du khách không thể không đến Suối Giàng, một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, nằm ở độ cao trên 1.400m so với mặt biển. Tại đây, du khách được tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức các món ăn dân tộc như thắng cố, thịt lợn hun khói và đắm mình trong ngày hội “Sài Sán”, tức hội chơi núi. Tất cả mọi người trong các bản xa gần, đặc biệt nam nữ, thanh thiếu niên cùng vui và trổ tài trong các điệu khèn, sáo, đàn môi, kèn lá, các điệu hát trữ tình và sôi nổi trong các trò chơi dân gian như: nẩy pao, đẩy gậy, đánh quay… Những điệu hát trữ tình, những âm hưởng của các nhạc cụ dân tộc, những nếp váy thổ cẩm đong đưa xao xuyến, với bóng ô hồng nghiêng chao tình tứ… Những sinh hoạt văn hóa ấy làm du khách được tham dự vô cùng thích thú. Khi chia tay du khách có thể mua những đồ lưu niệm độc đáo thổ cẩm, khèn, sáo… Đặc biệt, huyện Văn Chấn nổi tiếng với chè Shan được hái từ những cây chè cổ thụ hàng hai ba trăm tuổi.

Trong những ngày tháng 3 tràn đầy không khí lễ hội, du khách đến đây còn được tham dự những sinh hoạt văn hóa độc đáo như Lễ hội “Xên bản xên mường” - cúng bản cúng mường - nhằm tri ân các bậc có công khai phá và đấu tranh bảo vệ đất Mường Lò. Dự sinh hoạt “Hạn khuống”, một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên hoặc được ngâm mình thư giãn trong các nguồn suối khoáng nóng trên 40oC; được thưởng thức các món ăn dân tộc xôi nếp ngũ sắc, thịt trâu sấy, gà nướng, cá suối, rau rừng, rêu suối… Đắm mình trong tiếng nhạc điệu “Khắp mơi lảu”, hát mời rượu, trong men rượu cần ngọt dịu, chan chứa tình người, du khách cùng cảm nhận nét tinh túy của suối ngàn Tây Bắc được các cô gái Thái thổi hồn, khiến bao nỗi ưu tư đời thường tan biến, chỉ còn lại một cảm giác trong sáng yêu đời và một ấn tượng khó phai mỗi khi nhớ về một vùng đất, một vùng người lịch sử và huyền thoại.

Du lịch miền Tây Yên Bái du khách còn rất thích thú khám phá phiên chợ vùng cao của những sắc màu đặc trưng văn hóa các dân tộc, sinh hoạt cùng người dân tại nhà sàn, ăn những món ăn đặc sắc miền quê, hòa mình giữa thiên nhiên để chiêm nghiệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh sâu sắc…

Các tin khác