Nước cờ nguy hiểm

Hy Lạp đã kịch liệt phản bác thông tin cho rằng nước này sẽ tuyên bố vỡ nợ và rời bỏ đồng tiền chung châu Âu nếu thất bại trong cuộc đàm phán với các chủ nợ cuối tháng này.

Hy Lạp đã kịch liệt phản bác thông tin cho rằng nước này sẽ tuyên bố vỡ nợ và rời bỏ đồng tiền chung châu Âu nếu thất bại trong cuộc đàm phán với các chủ nợ cuối tháng này.

Trước đó, ngày 13-4, tờ báo uy tín Financial Times (FT) dẫn nguồn thạo tin chính phủ Hy Lạp cho hay chính phủ nước này đang chuẩn bị những bước cần thiết để tuyên bố vỡ nợ trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế vào cuối tháng 4.

Chính phủ Hy Lạp quyết định từ chối thanh toán khoản nợ 2,5 tỷ EUR cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nếu không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ, nguồn tin cho biết. Theo lịch trả nợ, Athens cần thanh toán cho IMF 203 triệu EUR vào ngày 1-5, 770 triệu EUR vào ngày 12-5 và 1,6 tỷ EUR trong tháng 6. Tuy nhiên, đến tối ngày 14-4, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Hy Lạp đã chính thức bác bỏ tin này.

Theo các nhà phân tích, một tờ báo uy tín như FT hầu như không có chuyện đưa “tin vịt”. Vậy, nhiều khả năng đây là một nước cờ của chính phủ Hy Lạp nhằm thăm dò phản ứng cũng như “dằn mặt” các chủ nợ, rằng nên tính tới kịch bản Athens “bí quá hóa liều” hòng nhẹ giọng hơn khi ngồi vào bàn đàm phán.

Thoạt nghe, có vẻ đây là một nước cờ hay. Tuy nhiên, các nhà phân tích của báo New York Times (NYT) gọi đây là một nước cờ nguy hiểm, bởi đây là thời điểm Athens rất cần sự thông cảm và ủng hộ của các đối tác trong Eurozone cũng như các chủ nợ. Với mức nợ công tương đương 175% GDP và một nền kinh tế chìm sâu trong suy thoái suốt 6 năm qua, Athens cần gom góp được tất cả mọi sự ủng hộ. 80% nợ công của Hy Lạp thuộc về các nhà cho vay tổ chức, sau khi các chủ nợ tư nhân mạnh tay xóa nợ năm 2012.

Vì việc xóa nợ trực tiếp về mặt chính trị là không thể, nên giải pháp tốt nhất tới đây cho Hy Lạp là làm sao sớm trả hết các khoản nợ đắt đỏ từ IMF, mua lại trái phiếu do ECB nắm giữ và gia hạn các khoản vay từ các chính phủ Eurozone để có thể trả lãi suất thấp hơn.

“Bước đi này sẽ giúp Hy Lạp tiết kiệm được hàng tỷ EUR, cải thiện thỏa thuận 3 bên (IMF, ECB và Ủy ban châu Âu - EC), loại bỏ rủi ro tài chính từ phía IMF và ECB” - theo Jacob Funk Kirkegaard, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế quốc tế Peterson. Động thái này sẽ giúp Hy Lạp giảm được 2% lãi suất, ít hơn nhiều so với lãi suất Athens phải trả trước khi cuộc khủng hoảng nợ bùng phát.

Kinh tế Hy Lạp vẫn trong vòng nguy hiểm.

Kinh tế Hy Lạp vẫn trong vòng nguy hiểm.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Athens và các đối tác có vẻ không được tốt trong thời gian qua. Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras gần đây mạnh miệng chỉ trích các biện pháp khắc khổ do EU “kê đơn”; ông Tsipras cũng làm phật lòng thế lực mạnh nhất EU là Đức khi đòi nước này phải bồi thường chiến tranh do Đức quốc xã gây ra; thái độ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin… đã khiến sự ủng hộ và cảm thông đối với Hy Lạp cạn dần.

Các chủ nợ như Đức, Hà Lan và Phần Lan muốn giữ IMF ở lại trong các thỏa thuận ứng cứu như một lực lượng “thực thi pháp luật” tài chính, vì họ không còn tin tưởng Hy Lạp. EC cũng vậy. Trong thực tế, đó là lý do vì sao các nước gặp rắc rối tài chính khác ở Eurozone như Ireland và Bồ Đào Nha lại có thể đạt được những thỏa thuận với EU để trả nợ đắt đỏ của IMF nhanh hơn.

Dublin và Lisbon cũng có thể vay mượn vốn rẻ hơn từ các nhà cho vay tư nhân nhờ hoàn tất các chương trình ứng cứu của mình và đã quay lại được thị trường vốn thế giới. Vì Hy Lạp hiện không thể tiếp cận thị trường vốn, họ chỉ có thể trả 24 tỷ EUR nợ IMF và 27 tỷ EUR trái phiếu do ECB nắm giữ thông qua việc “nài nỉ” EU cho vay từ quỹ ứng cứu của Eurozone. Nhưng điều đó đòi hỏi các chính phủ Eurozone phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn khoản 170 tỷ EUR họ đã cho Athens vay.

Các tin khác