Lo ngại lãi suất TPCP tăng

Sau thành công trong huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết 78 về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2015 yêu cầu chỉ phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm trở lên. Việc phát hành TPCP với khối lượng lớn, kỳ hạn hạn dài cộng với tình hình huy động không thuận lợi trong quý I-2015, đã làm dấy lên lo ngại lãi suất TPCP sẽ tăng để tạo sức hút, gây ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của các NHTM.

Sau thành công trong huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết 78 về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2015 yêu cầu chỉ phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm trở lên. Việc phát hành TPCP với khối lượng lớn, kỳ hạn hạn dài cộng với tình hình huy động không thuận lợi trong quý I-2015, đã làm dấy lên lo ngại lãi suất TPCP sẽ tăng để tạo sức hút, gây ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của các NHTM.

Ế kỳ hạn dài

 

Theo thống kê, tính đến năm 2014, giá trị lưu hành của TPCP chiếm đa số trong tổng giá trị TP lưu hành tại Việt Nam, với tỷ lệ 75,38% (tương đương 496.136 tỷ đồng); TPCP bảo lãnh với tỷ lệ 22,12% (tương đương 145.555 tỷ đồng); TP chính quyền địa phương 2,5% (tương đương 16.480 tỷ đồng).

Trong cơ cấu của TPCP, TP kỳ hạn 2 năm chiếm 35,2%, kỳ hạn 3 năm 34,5%, kỳ hạn 5 năm 21,8%, kỳ hạn 10 năm 6,1% và chỉ có 2,3% TP kỳ hạn 15 năm. Kỳ hạn trung bình của tổng danh mục TPCP ước khoảng 2,35 năm và mục tiêu của Chính phủ nâng lên 3,5 năm. So với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất thị trường TP cùng kỳ năm 2014 giảm khoảng 1,3-3,7% đối với các kỳ hạn.

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết số vốn huy động thông qua phát hành TP năm 2014 đã lập kỷ lục với 288.722 tỷ đồng, tương đương 7,27% GDP. Trong đó, số vốn huy động TPCP đạt 234.067 tỷ đồng, tăng 30% so với khối lượng huy động năm 2013 và gấp 3,5 lần năm 2010.

Đồng thời, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng phát hành được khối lượng lớn TP kỳ hạn 5-10 năm, cụ thể TP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 47% tổng khối lượng phát hành năm 2014. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc phát hành TP đã góp phần thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán NSNN năm 2014 và đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.

Mục tiêu huy động vốn từ TPCP năm 2015 là 250.000 tỷ đồng tăng 13% so với năm 2014, nhưng có đạt được hay không phụ thuộc vào người mua là các NHTM. Bên cạnh đó, chỉ số tiêu dùng (CPI) ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất được thiết kế để huy động TPCP vẫn còn diễn biến khó lường. Điều này cho thấy khó huy động TPCP kỳ hạn dài trong môi trường CPI chưa ổn định.

Ông Nguyễn Sơn,
Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN

Từ năm 2015, Quốc hội yêu cầu chỉ phát hành TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn nhằm bù đắp bội chi NSNN, giảm mức vay đảo nợ.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo thông báo một số chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của ngành 3 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết trong quý I-2015 huy động được 55.992,5 tỷ đồng TPCP, đạt 22,4% kế hoạch cả năm và bằng 62,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, kỳ hạn 5 năm 36.913,5 tỷ đồng, đạt 66%; kỳ hạn 10 năm 6.030 tỷ đồng, bằng 10,7% và kỳ hạn 15 năm 13.049 tỷ đồng, bằng 23,3%. Trong phiên đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành, HNX tổ chức ngày 25-3, tổng khối lượng gọi thầu 3.500 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn 10 năm 1.500 tỷ và 15 năm 2.000 tỷ đồng, kết quả chỉ huy động được 969 tỷ đồng TP 15 năm với lãi suất trúng thầu 7,35%/năm, trong khi TP kỳ hạn 10 năm không có lãi suất trúng thầu.

Phiên đấu thầu được tổ chức vào ngày 13-4 có tổng khối lượng gọi thầu 4.000 tỷ đồng, với kỳ hạn 5 năm là 3.000 tỷ đồng và 10 năm 1.000 tỷ đồng, chỉ huy động được 30 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 5 năm với lãi suất trúng thầu 5,4%/năm, còn lô TP kỳ hạn 10 năm không có lãi suất trúng thầu. Kế hoạch phát hành TPCP quý I-2015 của Kho bạc Nhà nước 70.000 tỷ đồng nhưng đến hết ngày 10-4 chỉ huy động được hơn 62.000 tỷ đồng. Một số phiên gần đây, TPCP kỳ hạn 10 năm không được đưa ra đấu thầu.

Lãi suất cho vay bị đe dọa

Việc huy động vốn từ TPCP gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2015 không nằm ngoài dự kiến. Bởi lẽ, thị trường TPCP Việt Nam phần lớn là các NHTM tham gia với tổng khối lượng nắm giữ lên đến 80%, trong khi ngay từ những tháng đầu năm, tín dụng khởi sắc trở lại khiến nhu cầu mua TPCP của NHTM giảm xuống.

Bên cạnh đó, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2015 ở mức 13-15%, nên vốn của NHTM sẽ dồn mạnh hơn vào kênh tín dụng. Thông tư 36 của NHNN cũng giới hạn hoạt động đầu tư TP của các NHTM với mức khống chế tỷ lệ tham gia chỉ bằng 15-35% vốn ngắn hạn.

Vì thế, việc NHTM giảm đầu tư TPCP trong những tháng đầu năm 2015 đã gây ra lo ngại về việc thiếu khoảng 32.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi, đảo nợ... Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị NHNN nâng giới hạn tỷ lệ các NHTM được mua, đầu tư TPCP từ nguồn vốn ngắn hạn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nên cân nhắc vì việc này có thể ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của các NHTM. TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh, cho rằng NHNN đang nỗ lực kéo giảm lãi suất trung và dài hạn xuống dưới 10%, nhưng nếu Chính phủ phát hành TPCP nhiều, mục tiêu này khó thực hiện vì lãi suất TPCP sẽ cạnh tranh với lãi suất cho vay và dễ hình thành một mặt bằng lãi suất mới vào cuối năm nay.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), cũng nhìn nhận dư địa để giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn có nhưng lãi suất khó giảm vì với khối lượng TPCP rất lớn, lãi suất TPCP phải luôn ở mức cao mới đủ sức hấp dẫn NHTM đầu tư.

Những nhận định trên được thể hiện rõ trong một số phiên đấu thầu vừa qua lãi suất huy động TPCP tăng lên. Thí dụ, phiên đấu thầu ngày 8-4, khối lượng gọi thầu 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm dù chỉ huy động được 900 tỷ đồng nhưng lãi suất trúng thầu 5,48%/năm, tăng 0,03%/năm so với phiên đấu thầu trước đó. Trong một phiên khác, khối lượng gọi thầu 1.500 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm huy động được 925 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 7,44%/năm, cao hơn phiên trước 0,05%/năm.

Theo các chuyên gia, nếu tình trạng này tiếp diễn khó thể kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm sâu để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển. Vì thế, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp chặt chẽ mới có thể giải quyết bài toán TPCP và đảm bảo ổn định, kéo giảm lãi suất thấp theo mục tiêu NHNN đã đề ra.

Các tin khác