Các nước cải cách hành chính (K3): Nhật Bản

Trong thế chiến hai, đất nước Nhật Bản đã bị tàn phá nặng nề. Vì vậy, khi chiến tranh kết thúc, xứ sở mặt trời mọc đứng trước áp lực phải nhanh chóng khôi phục đất nước. Trải qua 3 lần đại cải cách hành chính (giai đoạn 1960-1970, 1970-1980 và từ 1980 đến nay), Nhật Bản đã đạt được những thành tựu vượt bậc.

Trong thế chiến hai, đất nước Nhật Bản đã bị tàn phá nặng nề. Vì vậy, khi chiến tranh kết thúc, xứ sở mặt trời mọc đứng trước áp lực phải nhanh chóng khôi phục đất nước. Trải qua 3 lần đại cải cách hành chính (giai đoạn 1960-1970, 1970-1980 và từ 1980 đến nay), Nhật Bản đã đạt được những thành tựu vượt bậc.

Các nước cải cách hành chính (K2): Singapore

Các nước cải cách hành chính (K1): Hàn Quốc

Cải cách thể chế

Sau chiến tranh, nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại nặng nề với 34% máy móc thiết bị công nghiệp, 25% công trình hạ tầng, 81% tàu biển bị phá hủy; lạm phát phi mã, giá cả đắt đỏ; thất nghiệp tràn lan (trên 13 triệu người)… Do vậy, nhiệm vụ cải cách trong giai đoạn này là hướng vào các giải pháp khẩn cấp để đối phó với tình trạng khủng hoảng kinh tế và thiết lập cơ cấu chính quyền mới, trong đó xây dựng thể chế được xác định là khâu ưu tiên hàng đầu.

Người Nhật gọi cải cách nhà nước thời kỳ này là cải cách về mặt thể chế. Thành tựu quan trọng nhất là việc ban hành hiến pháp mới (3-5-1947), trong đó có việc thu hẹp vai trò của Nhật hoàng, thay đổi mối quan hệ giữa nội các với quốc hội, quy định tính chất độc lập của cơ quan tư pháp, tổ chức lại hệ thống hành chính địa phương trên nguyên tắc áp dụng chế độ dân trực tiếp bầu người đứng đầu.

Cùng với việc xóa bỏ hoàn toàn bộ máy hành chính thời chiến, một loạt cơ quan mới được thành lập như Bộ Tự trị (vai trò làm trung gian chính quyền nhà nước và điều tiết mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính với nhau), Tổng cục Quy hoạch kinh tế, Tổng cục Khoa học- kỹ thuật, Ủy ban Năng lượng nguyên tử, Cục Lương hưu và các tập đoàn kinh tế nhà nước...

Nhờ những thay đổi này, trong 2 thập niên 60-70 của thế kỷ trước, nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển thần tốc. Tuy nhiên, nền hành chính nhanh chóng bị tụt hậu so với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Thủ tướng Ikeda Hoyata đề ra chủ trương cải cách triệt để hơn. Theo đó, thành lập Ủy ban Cải cách hành chính lâm thời lần thứ nhất (gồm 7 thành viên là những nhà hoạt động chính trị và chuyên gia giàu kinh nghiệm, có uy tín). Ủy ban này đưa ra kế hoạch tổng thể về cải cách hành chính gồm 16 khuyến nghị cụ thể, trọng tâm là cải cách hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, giảm thiểu số lượng biên chế.

Theo mục tiêu đề ra, chính phủ yêu cầu tất cả cơ quan hành chính nhà nước phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của mình để trên cơ sở đó tiến hành điều chỉnh, sắp xếp lại phù hợp, đặc biệt là các cơ quan có chức năng tổng hợp như Bộ Tài chính, Công Thương. Nhờ đó, đến năm 1968 các bộ đã giảm 18 vụ, cục và trên 16.300 biên chế các loại.

Luật về số lượng công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước được thông qua (5-1969) nhằm tạo cơ sở pháp lý để giám sát quá trình quản lý và sử dụng công chức, viên chức. Một trong những  trọng  tâm  cải  cách  trong  giai đoạn này là sửa đổi lề lối làm việc của các cơ quan hành chính, hạn chế sự can thiệp sâu của các cơ quan này vào hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường cơ chế giám sát chéo để hạn chế tệ quan liêu, tham nhũng.

Phân cấp

Đầu những năm 80, sự chuyển dịch của chiến lược kinh tế lấy nhu cầu trong nước làm động lực tăng trưởng khiến nhiều giải pháp điều hành trong giai đoạn trước của chính phủ tỏ ra không thực sự hiệu quả. Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản chủ trương đưa cải cách hành chính đi vào chiều sâu với những trọng tâm ưu tiên: cắt giảm chi phí hành chính để hạn chế thâm hụt ngân sách (thực hiện nguyên tắc “mức tối đa bằng 0” - tức mức tăng của ngân sách chi cho hoạt động hành chính so với năm trước phải bằng 0); giảm biên chế viên chức hành chính đi đôi với chương trình cải cách lương hưu; giảm thiểu số lượng các tổ chức kinh tế nhà nước và hợp lý hóa công tác quản lý, tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Các nước cải cách hành chính (K3): Nhật Bản ảnh 1

Thủ đô Tokyo.

Để thực hiện, Ủy ban Cải cách hành chính lần thứ hai (SPARC) được thành lập năm 1980. Tháng 10-1996, ủy ban này được thay thế bằng Hội đồng Cải cách hành chính và cải cách cơ cấu. Cải cách quan trọng trong cơ chế điều hành của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn này là thực hiện sự phân cấp triệt để. Một ủy ban để phân quyền cho địa phương được thành lập (tháng 5-1995).

Luật Tự quản địa phương được ban hành. 8 đạo luật khác có liên quan được sửa đổi nhằm bảo đảm chủ trương phân cấp mạnh, trong đó có việc tăng mức chi tiêu cho chính quyền địa phương…

Tinh giản bộ, ngành

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, cải cách, đặc biệt là cải cách bộ máy đã phát sinh những mâu thuẫn mới. Đáng chú ý là cơ chế phân cấp mạnh cùng với việc đề cao và tăng cường tính tự quản của chính quyền địa phương đã làm tình trạng cát cứ, tùy tiện, khuynh hướng muốn thoát ly sự kiểm soát của trung ương ngày càng gia tăng. Để kịp thời khắc phục tình trạng này, chương trình cải cách hành chính của Nhật Bản trong giai đoạn 3 đã có những sự điều chỉnh quan trọng.

Tháng 6-1998, đạo Luật về cải cách cơ cấu chính phủ được thông qua. Tiếp đó, gần 20 đạo luật về tổ chức hoạt động của các cơ quan chính phủ được ban hành. Với mục tiêu xây dựng bộ máy chính phủ gọn nhẹ, hiệu quả, minh bạch, cơ cấu chính phủ được thu gọn từ 24 bộ xuống còn 12 bộ, cơ cấu bên trong của các bộ cũng được thu gọn.

Cùng với việc tăng cường vai trò kiểm soát của trung ương đối với hoạt động của chính quyền địa phương, chính phủ trao thêm thẩm quyền cho các cơ quan trực tiếp tham mưu cho thủ tướng để thực hiện chức năng điều hành và giám sát, trong đó có việc đưa một loạt các cơ quan về trực thuộc Văn phòng Nội các, như Cục Phòng vệ, Cơ quan Giám sát tài chính, Cục Nhân sự quốc gia, Cục An toàn công cộng quốc gia…

Có 2 nét chính trong các công cuộc cải cách hành chính ở Nhật Bản. Thứ nhất, phân cấp mạnh là nguyên tắc xuyên suốt định hướng cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước mà hiệu quả được coi là yếu tố ưu tiên trên hết đối với các phương án lựa chọn. Trên từng lĩnh vực cụ thể, phương án phân cấp bao giờ cũng đi đôi với giải pháp bảo đảm vai trò tự quản của địa phương, sự giám sát chặt chẽ của trung ương và yêu cầu minh bạch hóa trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố trung tâm trong mọi nỗ lực cải cách hành chính. Theo đó, cùng với việc đề ra các giải pháp thường xuyên về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho công chức đang làm việc, chính phủ Nhật Bản từ lâu đặc biệt chú trọng xử lý các quan hệ đầu vào nhằm tuyển dụng cho được người có tài vào hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

(Còn tiếp)

Các tin khác