Nghịch lý vốn tín dụng: DN tận dụng vốn vay nước ngoài

ĐTTC số ra ngày 9-4-2015 có bài Chủ điểm-Sự kiện: “Dòng vốn tín dụng – Ưu đãi bất động sản, sản xuất lép vế”, đã nhận được nhiều phản hồi của các chuyên gia và doanh nghiệp (DN). Nhiều DN cho biết để tháo gỡ bế tắc này đã tìm kiếm cơ hội vay vốn nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả không có bảo lãnh của Chính phủ, bởi lãi suất vay ngoại tệ trong nước cao hơn nước ngoài, thủ tục vay khó khăn.

ĐTTC số ra ngày 9-4-2015 có bài Chủ điểm-Sự kiện: “Dòng vốn tín dụng – Ưu đãi bất động sản, sản xuất lép vế”, đã nhận được nhiều phản hồi của các chuyên gia và doanh nghiệp (DN). Nhiều DN cho biết để tháo gỡ bế tắc này đã tìm kiếm cơ hội vay vốn nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả không có bảo lãnh của Chính phủ, bởi lãi suất vay ngoại tệ trong nước cao hơn nước ngoài, thủ tục vay khó khăn.

Nguồn vốn ngoại lãi suất thấp

Vay nợ nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả của DN phổ biến vào năm 1996. Lúc đó, nhiều DN nhập khẩu đã vay nợ nước ngoài dưới hình thức sử dụng thư tín dụng (L/C) trả chậm với thời hạn 9-12 tháng không tính lãi. Các DN trong nước tận dụng nguồn vốn để kinh doanh và ngân hàng (NH) “bắt tay” với DN để tận dụng nguồn ngoại tệ này.

Tuy nhiên, sau đó tỷ giá USD có những biến động mạnh, trong khi tiền không thu hồi kịp nên nhiều DN đã lỗ nặng, các khoản nợ này tăng lên hàng trăm triệu USD ảnh hưởng đến hoạt động DN và một số NHTM phải “đóng cửa” hình thức này. Sau sự cố này, NHNN quản lý chặt hơn việc vay nợ nước ngoài qua L/C.

Từ đó đến năm 2012, do VNĐ liên tục mất giá so với USD, rủi ro của việc vay nợ nước ngoài cao hơn nên nhu cầu vay vốn của DN, nhất là vay ngắn hạn, cũng giảm xuống. Năm 2013, NHNN tuyên bố sẽ ổn định tỷ giá, tăng trong biên độ nhất định, nhưng lãi suất VNĐ và ngoại tệ của các NHTM vẫn mức cao so với khả năng của DN, nên nhiều DN mạnh dạn hơn trong việc vay nợ nước ngoài để có được nguồn vốn lãi suất thấp.

Mức độ vay vốn nước ngoài của DN FDI lẫn DN trong nước nếu có lớn cũng không đáng lo ngại vì vẫn được kiểm soát và trong hạn mức cho phép. Việc DN vay vốn nhiều cho thấy nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh càng ngày càng hồi phục, nhu cầu nhập vật tư thiết bị máy móc hoặc phát triển các dự án có vốn nước ngoài bắt đầu có chuyển biến tốt hơn.

TS. Cao Sỹ Kiêm,
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV

Lợi ích của việc vay nợ nước ngoài là DN có thể vay ngoại tệ với lãi suất 1-2,5%/năm, trong khi năm 2013 lãi suất cho vay USD trong nước trên lý thuyết 4-7%/năm nhưng thực tế cao hơn. Với chênh lệch lớn như vậy, các DN đủ điều kiện vay vốn nước ngoài đều tận dụng cơ hội để có được lãi suất thấp. Dù chưa tiếp cận được các NH nước ngoài, nhưng DN đã linh hoạt vay vốn với nhiều hình thức như vay của đối tác theo dạng mua máy móc trả chậm, đầu tư góp vốn từ đối tác hoặc vay của cá nhân quen biết ở nước ngoài.

Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động tại Việt Nam vay vốn từ NH hoặc chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam theo chỉ định của công ty mẹ, hay vay từ công ty mẹ.

Dù thông tin về những khoản nợ DN vay nước ngoài ít được công bố, nhưng với vài thống kê cho thấy số tiền DN vay nợ nước ngoài không nhỏ. Vào cuối năm 2014, Bộ Tài chính công bố bản tin nợ công lần thứ 3 cho thấy, năm 2013 tổng số tiền DN trả nợ nước ngoài cao gấp gần 17 lần so với khoản tiền Chính phủ trả.

Cụ thể, số tiền DN trả nợ 654.258 tỷ đồng, còn Chính phủ trả 38.752 tỷ đồng. Mới đây, NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, tại TPHCM lũy kế đến cuối năm 2014 có 750 DN trong nước và FDI được xác nhận vay nợ nước ngoài trung, dài hạn với kim ngạch tương đương 6,25 tỷ USD. Dư nợ nước ngoài của DN trên địa bàn đến cuối năm 2014 là 3,65 tỷ USD, gồm các khoản vay bằng tiền (gần 3,5 tỷ USD) và vay bằng hàng hóa. So với cuối năm 2013, dư nợ vay ngoại tệ từ nước ngoài đã tăng 9,7%.

Không ảnh hưởng nợ quốc gia

Năm 2013, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 219/2013/NĐ-CP quy định về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh. Theo đó, DN thực hiện vay, trả nợ nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài; thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của NHNN. NHNN xác nhận đăng ký khoản vay trong hạn mức vay thương mại nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.

Việt Nam đang mở cửa, hội nhập sâu với thế giới nên phải kéo giảm giá thành mới tăng cạnh tranh. Với mức lãi suất hiện nay DN rất khó phát triển, làm sao cạnh tranh được. Hiện nợ công của Việt Nam cao, cần nuôi dưỡng nguồn trả nợ, nên có thể xem xét thay đổi tư duy về nợ công theo hướng đưa nguồn lực từ nợ công vào sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển, tạo ra hiệu quả kinh tế tốt để hỗ trợ trả lãi và trả nợ, giảm bớt gánh nặng nợ nước ngoài.

Ông Bùi Kiến Thành,
chuyên gia kinh tế

Năm 2014, hạn mức vay thương mại nước ngoài của DN, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh 2,8 tỷ USD; hạn mức vay thương mại nước ngoài của DN, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả 3,8 tỷ USD. Cũng năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Theo Điều 17, DN được thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật.

Hiện nay, nhiều NHTM mời chào DN FDI vay USD với lãi suất 3-3,5%/năm, nhưng do các DN này vay ngoại tệ tại các NH nước ngoài theo chỉ định của công ty mẹ với lãi suất chỉ 1%/năm, hoặc từ tập đoàn mẹ với lãi suất 0,5%/năm, nên rất khó tiếp cận. Với DN trong nước, do mức lãi suất vay NH nước ngoài 1-2%/năm hoặc cao nhất cũng chỉ 2,5%/năm, đã tận dụng cơ hội để tiếp cận nguồn vốn nhằm tăng cường sức cạnh tranh.

Đặc biệt, khi vay vốn, DN không cần chứng minh nguồn thu ngoại tệ như vay trong nước. Khi DN nhập vật tư máy móc thiết bị sản xuất từ đối tác không thanh toán bằng VNĐ, phải dùng ngoại tệ, vay nợ nước ngoài sẽ giải quyết nhu cầu này dễ dàng hơn.

Theo các chuyên gia, việc DN vay vốn nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả là điều bình thường, vì trong nền kinh tế thị trường DN có quyền lựa chọn đối tượng đầu tư, NH đầu tư, đối tác từ các khu vực khác nhau. Khi DN Việt Nam vay nợ nước ngoài có thể phải đối mặt với rủi ro tỷ giá.

Chẳng hạn, khi tỷ giá thấp sẽ có lợi cho việc trả nợ và vay với lãi suất thấp, nhưng nếu ngoại tệ tăng giá, chênh lệch cao DN phải trả thêm chi phí. Theo quy định, những khoản vay ngắn hạn dưới 1 năm DN không phải đăng ký với NHNN, đã gây ra lo ngại không quản lý được quy mô số nợ nước ngoài ngắn hạn này. Tuy nhiên, quy định này phù hợp với thông lệ, nguyên tắc thị trường; dòng vốn ngắn hạn là vay vốn lưu động, chuyển dịch và quay vòng nhanh, nếu có rủi ro cũng chỉ trong khoảng thời gian ngắn là khôi phục ngay. Còn vốn vay trung và dài hạn thường vay theo dự án, DN cũng có kế hoạch rõ ràng hơn và đăng ký với NHNN nên có thể kiểm soát được.

Bên cạnh đó, DN tư nhân vay vốn thường là công ty FDI vay từ công ty mẹ hay được công ty mẹ bảo lãnh vay vốn tại NH nước ngoài. Còn DN trong nước được vay vốn ngoại theo hình thức đầu tư cho các hợp đồng hay dự án, bên cho vay chỉ chuyển vốn khi DN có tài sản đảm bảo. DN tư nhân vay nợ nước ngoài tự vay tự trả nên sử dụng vốn chặt chẽ, do đó khả năng ảnh hưởng đến nợ quốc gia hay chỉ số tín nhiệm quốc gia không lớn.

Vốn trong nước yếu thế

Trong hội thảo về vai trò của tín dụng đối với sản xuất vùng ĐBSCL mới đây, nhiều DN xuất khẩu cho biết  lãi suất cho vay vẫn cao, khiến họ khó cạnh tranh với DN FDI, nhất là với DN cùng ngành nghề. DN kiến nghị NHNN xem xét áp trần lãi suất cho vay USD ở mức 3%/năm, giúp DN giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cho vay này được nhắc đến nhiều nhưng chưa làm được. Do vậy một bộ phận DN, nhất là DN tư nhân lớn đủ điều kiện chuyển sang xu hướng vay nợ nước ngoài từ đối tác hoặc NH nước ngoài, do chỉ phải trả lãi suất tối đa 2,5%/năm và điều kiện vay khá thông thoáng. Thực tế, một số chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam thừa nhận họ thích cho DN vay ngoại tệ theo hình thức tự vay tự trả không có bảo lãnh của Chính phủ, vì có thể đánh giá được uy tín, tài sản của các DN này dễ dàng hơn so với DN vay có bảo lãnh của Chính phủ.

Giao dịch tại HSBC.
Giao dịch tại HSBC.

Thực tế, Thông tư 12/2014/TT-NHNN (hiệu lực từ ngày 15-5-2014) về điều kiện vay nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh với một số thay đổi theo hướng quản lý tiền nợ nước ngoài đầy đủ và cởi mở hơn.

Cụ thể, bên đi vay được phép vay nước ngoài để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài của bên đi vay và của DN mà bên đi vay tham gia góp vốn; thay vì chỉ được vay nước ngoài phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của chính họ.

Theo nhiều chuyên gia, việc DN vay nợ nước ngoài là bình thường, các DN vay trung và dài hạn đều phải đăng ký nên cũng không lo ngại nhiều. Song NHNN cũng cần quản lý chặt chẽ, kiểm soát các vấn đề như vay làm gì, vay ở đâu, phải cân đối ngoại tệ để trả nợ như thế nào...

Trường hợp vay ngắn hạn, DN có quyền tính toán và phải chịu rủi ro, nhưng NHNN cũng có thể hỗ trợ qua những hướng dẫn cụ thể, giúp DN vay vốn giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, NHNN cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng DN nước ngoài thấy lãi suất VNĐ hấp dẫn, chuyển vốn vào Việt Nam gửi tiết kiệm hưởng lãi suất rồi rút ra, không đưa vào sản xuất. Về tầm nhìn dài hạn, nếu lo ngại gia tăng vay nợ nước ngoài nên tiếp tục giải bài toán lãi suất trong nước, để DN không phản ứng theo hướng quay qua vốn ngoại giá rẻ như hiện nay. 

Các tin khác