Mong manh du lịch Việt

Số báo trước ĐTTC có bài “Du lịch dịp lễ - Ngoại thịnh hơn nội” phản ánh xu hướng người dân thích du lịch nước ngoài hơn so với đi nghỉ trong nước. Trong số báo này, ĐTTC tiếp tục đề cập thực trạng lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục giảm trong 10 tháng qua (từ tháng 6-2014 đến tháng 3-2015), đang gióng lên hồi chuông báo động cho ngành du lịch Việt Nam. Làm gì để ngăn chặn đà sút giảm… đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ.

Số báo trước ĐTTC có bài “Du lịch dịp lễ - Ngoại thịnh hơn nội” phản ánh xu hướng người dân thích du lịch nước ngoài hơn so với đi nghỉ trong nước. Trong số báo này, ĐTTC tiếp tục đề cập thực trạng lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục giảm trong 10 tháng qua (từ tháng 6-2014 đến tháng 3-2015), đang gióng lên hồi chuông báo động cho ngành du lịch Việt Nam. Làm gì để ngăn chặn đà sút giảm… đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ.

Quá nhiều điều phải bàn

Theo số liệu thống kê, trong tháng 3-2015 số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 617.895 lượt, giảm 10,4% so với tháng trước và giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 3 tháng năm 2015 ước đạt 2.007.884 lượt, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, du khách từ châu Á - thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam-giảm 14,1%, chỉ có trên 1,27 triệu lượt khách.

Trong khu vực này, thị trường lớn là Trung Quốc giảm đến 40,4% nên dù 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có tăng nhưng vẫn không thể bù đắp được phần sụt giảm của cả khu vực. Du khách đến từ châu Âu cũng giảm 11,1%, chỉ có khoảng 341.800 lượt. Trong đó, khoảng 95.800 lượt khách Nga, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, liên tục trong 10 tháng qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam bị sụt giảm.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt, cho rằng về khách quan do nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nên lượng khách đi du lịch có chiều hướng giảm. Trước bối cảnh đó, các nước lân cận Việt Nam lại đưa ra nhiều chính sách thiết thực, có lợi cho du khách, chính vì thế thay vì chọn Việt Nam khách quốc tế sẽ chọn các điểm đến khác. Về chủ quan, thời gian qua việc đầu tư cho du lịch của Việt Nam còn rất hạn chế. “Lâu nay, chúng ta chưa coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ coi đó là ngành kinh tế phụ thuộc” - ông Long nhìn nhận.

Đồng tình với ý kiến của ông Long, đại diện một số DN lữ hành đưa ra thêm một vài điểm hạn chế như cơ chế quản lý còn bất cập, thủ tục visa còn phức tạp, giá thành chưa tốt, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam chưa mạnh, nhân lực trong ngành du lịch yếu do thiếu đào tạo… tất cả khiến cho hình ảnh Việt Nam chưa thân thiện trong mắt du khách quốc tế. Nói về câu chuyện quảng bá hình ảnh của Việt Nam, hiện nay kinh phí dành cho quảng bá của du lịch Việt Nam còn quá ít so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong khi Việt Nam đầu tư khoảng 1,5 triệu USD/năm, các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia đầu tư khoảng 100 triệu USD/năm. Tuy nhiên, tiền ít không phải là mấu chốt chủ yếu khiến khách du lịch ngoại đến Việt Nam giảm, vấn đề quan trọng là làm như thế nào. Đây chính là bài toán đòi hỏi Tổng cục Du lịch cũng như các DN lữ hành phải cùng tìm cách tháo gỡ.

Không thể mạnh ai nấy làm

Điều đầu tiên được nhắc tới nhằm ngăn chặn đà sụt giảm nghiêm trọng hiện nay là kích cầu, giảm giá các tour du lịch cho khách quốc tế. Để làm được điều này đương nhiên phải có sự trợ lực từ phía các cơ quan chức năng, bởi đơn phương các DN lữ hành không thể đưa ra giá tốt nhằm cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực. Có một thực tế lâu nay chính là sự thiếu liên kết giữa các ngành, các đơn vị dịch vụ nhằm mang đến một mức giá ổn định.

Du lịch Việt Nam vẫn tồn tại thực trạng mạnh ai nấy làm, giá các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn… tăng giảm vô tội vạ, thiếu những điểm mua sắm, vui chơi giải trí. “Vấn đề chính hiện nay là làm sao để kết nối được các bộ, ngành, địa phương, các dịch vụ du lịch… một cách bài bản và chuyên nghiệp” - ông Long chia sẻ. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực của đội ngũ nhân sự trong ngành du lịch cũng là bài toán hết sức hóc búa. Nói về chất lượng hướng dẫn viên du lịch, chị Nguyễn Thu Trang (quận 12, TPHCM) chia sẻ câu chuyện đáng thất vọng chị từng trải qua.

Trong một lần đưa mấy người bạn nước ngoài đi tham quan Hà Nội - Hạ Long theo tour ghép của một công ty lữ hành tại Hà Nội, ngay sau khi lên xe anh hướng dẫn viên chỉ nói vài câu giới thiệu đơn giản về cá nhân và công ty sau đó ngủ một giấc dài từ Hà Nội đến Hạ Long, không hề có giới thiệu những điểm đoàn xe đi qua, thậm chí về cả Hạ Long, điểm đến sắp tới của đoàn khách.

Du khách nước ngoài tham quan TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Du khách nước ngoài tham quan TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thực tế hiện nay có không ít hướng dẫn viên du lịch cũng như nhân sự trong một số dịch vụ của ngành chỉ làm theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của du khách về du lịch Việt Nam. Trong tương lai gần khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành, lao động, trong đó có lao động trong ngành du lịch, được tự do di chuyển, những thách thức cho du lịch Việt Nam sẽ càng lớn hơn.

Trước rất nhiều khó khăn du lịch Việt Nam đang phải đối mặt, cuối năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 92/2014/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định đây là văn bản có ý nghĩa lịch sử đối với ngành du lịch, là cơ sở tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho ngành bứt phá trong thời gian tới.

Tất nhiên, từ nghị quyết đến thực tế vẫn còn là một con đường dài, ngành du lịch có thể vượt qua trong thời gian tới hay không là điều nhận được nhiều sự quan tâm. Bởi nếu không bứt phá, du lịch nước ta không chỉ thua các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… mà thậm chí còn thua cả 2 nước láng giềng Lào và Campuchia. 

Các tin khác