Các nước cải cách hành chính (K2): Singapore

Dịch vụ hành chính ở Singapore được đánh giá vào loại tiên tiến nhất thế giới, với những đặc điểm như nhanh chóng, hiệu quả, có khả năng hỗ trợ hoạt động kinh doanh tốt, ít tham nhũng... Điều này là thành quả của nhiều nỗ lực cải cách hành chính, bắt đầu từ năm 1959.

Dịch vụ hành chính ở Singapore được đánh giá vào loại tiên tiến nhất thế giới, với những đặc điểm như nhanh chóng, hiệu quả, có khả năng hỗ trợ hoạt động kinh doanh tốt, ít tham nhũng... Điều này là thành quả của nhiều nỗ lực cải cách hành chính, bắt đầu từ năm 1959.

Các nước cải cách hành chính (K1): Hàn Quốc

Liên tục cải cách

Hiện nay dịch vụ hành chính công của Singapore có khoảng 63.000 nhân viên. Trong đó, gần 300 cán bộ công chức thuộc dịch vụ hành chính ưu tú và giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các bộ, ban, công ty liên kết của chính phủ. Từ năm 1959, chính phủ bắt đầu quá trình cải cách hành chính, hợp lý hóa cơ cấu và các thủ tục nhằm đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia.

Thông qua cuộc cải cách này, một sự cải tổ lớn trong ngành hành chính công Singapore được thực hiện, bao gồm việc thành lập các cơ quan hành chính mới, thay đổi tâm lý phục vụ thuộc địa (trước đây Singapore là thuộc địa của Anh) và sự vô cảm của họ với nhu cầu của dân chúng.

Điểm nổi bật của cuộc cải cách này là đóng cửa các cơ quan hành chính yếu kém, thay thế chúng bằng các cơ quan có hiệu quả hơn; thành lập Trung tâm Nghiên cứu chính trị (PSC) với nhiệm vụ thiết lập các nguyên tắc và hoạt động chuẩn mực để tạo thành cốt lõi cải cách khu vực công, gồm: (1) Ý chí chính trị mạnh mẽ và gương điển hình về các nhà lãnh đạo, công chức liêm chính và trung thực; (2) Sáng kiến liên tục những cách thức hoạt động của chính phủ để đáp ứng với những thách thức từ bên ngoài;

(3) Trọng dụng nhân tài và tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả công dân gia nhập lĩnh vực hành chính công, dựa trên việc tuyển dụng công bằng từ trình độ học vấn và kinh nghiệm liên quan; (4) Đánh giá hiệu quả thực thi; (5) Xếp hạng công chức theo thị trường; (6) Học tập liên tục thông qua thực tiễn và đánh giá liên tục để cải tiến; (7) Quyết tâm cao trong việc đặt ra và thực hiện những mục tiêu khó khăn.

Đầu những năm 1980, Singapore tiếp tục tiến hành một cuộc cải cách hành chính quy mô lớn, nhằm cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và quản lý tài chính được phân cấp nhiều hơn. Cuộc cải cách này tập trung các lĩnh vực ngân sách (liên thông chặt chẽ giữa các bộ, sử dụng các quy tắc hiến pháp tài chính, áp mức chi trần cho các bộ, cắt giảm ngân sách... dưới sự giám sát của Bộ Tài chính); cân bằng việc hợp tác công-tư/tư nhân hóa và việc thành lập các ban có quy chế độc lập với đặc trưng là một cuộc tư nhân hóa công bằng; trọng dụng nhân tài (đánh giá năng lực của công chức để quyết định giữ lại hay đào thải); chống tham nhũng - một trong những cải cách quan trọng nhất.

Trong thực tế, kể từ khi Singapore đạt chính quyền tự chủ vào năm 1959, việc kiểm soát tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ. Khi chính phủ của PAP tiếp quản chính quyền từ Anh, tham nhũng ở Singapore vẫn phổ biến và Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng (do chính phủ Anh ban hành năm 1937) được nhận định là yếu kém. Vì vậy, quy định này đã được sửa đổi và thay thế bằng Luật Phòng chống tham nhũng (Poca) vào năm 1960.

Kể từ đó, Poca đã trải qua nhiều lần sửa đổi để tăng sức mạnh cho cơ quan điều tra tham nhũng (CPIB). CPIB được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, có thể bắt giữ nghi phạm, tìm kiếm những người bị bắt, kiểm tra tài khoản ngân hàng và các tài sản khác của công chức bị điều tra. Hiệu quả của Poca được đảm bảo bởi sự ra đời của các luật sửa đổi (năm 1963, 1966 và 1981) và luật mới (năm 1989) để đối phó với những vấn đề phát sinh.

Áp dụng ISO 9000

Năm 1991, Singapore lại có một chương trình đại cải cách trong lĩnh vực hành chính. Nội dung chương trình gồm nâng cao chất lượng công vụ gắn với hợp lý hóa tổ chức bộ máy; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử. Về cải cách công vụ, Chính phủ Singapore thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Thứ nhất, áp dụng bộ quy chuẩn ISO 9000 trong bộ máy hành chính, coi đó vừa là công cụ cải tiến lề lối làm việc, vừa là công cụ đánh giá hiệu quả, phân loại công chức.

Thứ hai, khuyến khích phát huy sự sáng tạo, đưa tinh thần doanh nghiệp vào hoạt động của bộ máy hành chính, cốt lõi là lấy hiệu quả làm thước đo, cải cách triệt để các thủ tục hành chính theo hướng chuyển từ bắt buộc, can thiệp sang khuyến khích, hỗ trợ. Thứ ba, đề ra chương trình xóa bỏ cách làm việc quan liêu, nhiều tầng nấc của bộ máy hành chính mang tên "Zero-In-Process".

Thứ tư, thường xuyên rà soát để loại bỏ những quy định lỗi thời không còn phù hợp. Để làm việc này, một ban rà soát văn bản đã được thành lập với thành phần là 5 Tổng thư ký của các bộ; cứ 5 năm tiến hành tổng rà soát một lần. Chính phủ Singapore đặc biệt chú trọng đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, coi đó là giải pháp cơ bản nhất để xây dựng nền công vụ có hiệu quả.

Theo quy định, mỗi cán bộ công chức bắt buộc phải được bồi dưỡng 100 giờ/năm; phải tự đề ra chương trình học tập cho mình, tối thiểu phải bảo đảm 60% thời lượng phục vụ công việc trong cương vị hiện tại, 40% cho công việc tương lai. Để khuyến khích việc tự đào tạo, chính phủ sẽ hỗ trợ 50% chi phí cho người tự học phục vụ cho công việc đang đảm trách.

Từ năm 1983, Singapore phát động chương trình chính phủ điện tử khi thành lập Hội đồng quốc gia về tin học hóa (sau này sáp nhập với Cơ quan quản lý truyền thông thành Cơ quan phát triển thông tin của chính phủ). Tiếp theo, do nhận thấy áp dụng công nghệ thông tin không chỉ là công cụ thúc đẩy hoạt động của chính phủ mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho dân, năm 2000 chính phủ ban hành chương trình hành động với nhiệm vụ chủ yếu phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho công nghệ thông tin, đào tạo tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức về khả năng áp dụng công nghệ mới và cung cấp dịch vụ công thông qua internet.

Trên cơ sở đó, chính phủ Singapore đã thông qua một loạt dự án lớn để thực hiện chương trình này, như đề án hỗ trợ doanh nghiệp, đề án cung cấp dịch vụ công thông qua mạng điện tử, đề án đào tạo… Cho đến nay, các mục tiêu đề ra cơ bản đã đạt được. Hầu hết thông tin về hoạt động của chính phủ đã được cung cấp trên mạng. Hàng tháng số lượng giao dịch của dân với chính quyền được thực hiện qua mạng đạt khoảng 14,4 triệu lượt; khoảng 1.600 loại dịch vụ công trong xã hội được tiến hành qua mạng.

Singapore hiện đứng ở nhóm những nước dẫn đầu về tốc độ phát triển chính phủ điện tử và đang bước sang giai đoạn phát triển công dân điện tử. Các bài học kinh nghiệm được rút ra là có chiến lược quốc gia tốt làm cơ sở xác định lộ trình cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực trong từng giai đoạn; có cơ quan chuyên môn mạnh giúp chính phủ quản lý quá trình phát triển; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.

(Còn tiếp)

Các tin khác