Cần sự hỗ trợ thiết thực

Hơn 97% số doanh nghiệp nước ta hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Không thể phủ nhận tầm quan trọng cũng như đóng góp của DNNVV, song loại hình DN này chưa thực sự trở thành đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước, và các quy định cũng chưa đúng trọng tâm, khiến nguồn lực của DNNVV bị phân tán, không phát huy được hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Hơn 97% số doanh nghiệp nước ta hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Không thể phủ nhận tầm quan trọng cũng như đóng góp của DNNVV, song loại hình DN này chưa thực sự trở thành đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước, và các quy định cũng chưa đúng trọng tâm, khiến nguồn lực của DNNVV bị phân tán, không phát huy được hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Chính sách chưa thực tế

 

Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV. Theo đó, chương trình mục tiêu dành cho DNNVV được xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, địa bàn và được bố trí trong kế hoạch hàng năm và 5 năm. Tuy nhiên, để kế hoạch, chương trình trợ giúp này đạt kết quả trong thực tiễn, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ Nhà nước đối với DNNVV. Từ thực tiễn, yêu cầu khách quan xuất phát từ những lý do sau đây:

Thứ nhất, DNNVV là loại hình DN chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…

Nhà nước xác định mục tiêu phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 là thành lập mới 350.000 DN và phấn đấu đến ngày 31-12-2015, cả nước sẽ có khoảng 700.000 DN hoạt động. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, đầu tư chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo thêm 3,5-4 triệu việc làm mới…

Thứ hai, từ thực trạng pháp luật hiện hành về hoạt động hỗ trợ nhà nước cho DNNVV còn nhiều hạn chế, rào cản, chưa tạo ra nhiều cơ hội cho DN hoạt động hiệu quả.  Lấy đơn cử như rào cản cho DNNVV tiếp cận vốn vay: 55% trở ngại do quy định về thủ tục vay (hồ sơ vay vốn phức tạp), 50% trở ngại do quy định về yêu cầu thế chấp (thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp), 80% tỷ lệ lãi suất chưa phù hợp dẫn đến thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, chỉ có 30% DNNVV tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với lãi suất cao. Nguyên nhân do quy định hiện nay chưa phù hợp với DNNVV, rất ít DN đáp ứng được điều kiện không được nợ thuế quá hạn, không nợ lãi suất quá hạn...

Chết trên sân nhà!

Cần xác định việc xây dựng và triển khai luật dành cho DNNVV không phải là mục tiêu, mà là khởi đầu để thúc đẩy phát triển thành phần kinh tế này. Thậm chí, nếu là vấn đề vốn, có thể thành lập riêng một ngân hàng để cho vay, cấp bảo lãnh riêng cho DNNVV như Ngân hàng Shoko Chukin của Nhật Bản, hoặc Quỹ xúc tiến DNNVV của Hàn Quốc để thúc đẩy DNNVV khởi sự kinh doanh. Nguồn tiền của quỹ này lấy từ trái phiếu chính phủ và lợi tức từ xổ số kiến thiết…

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, những khó khăn chủ quan của DN cũng làm hạn chế khả năng phát huy hiệu quả. Đó là tính chủ động của DNNVV chưa cao, một bộ phận DN còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xuất hiện tình trạng chây ì, cố tình chiếm dụng vốn của Nhà nước dẫn đến nợ quá hạn, hạn chế khả năng quay vòng vốn.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy nhanh tốc độ với cột mốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, tiếp theo là việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, với các nền kinh tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ… Do đó, sự tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của Việt Nam rất lớn. Vậy nhưng, một khảo sát mới đây cho thấy có đến 80% DN, trong đó chủ yếu là DNNVV không hề biết và cũng không quan tâm đến các FTA Việt Nam đã và sẽ ký kết.

Khó khăn nữa của DNNVV hiện nay là chi phí đầu vào sản xuất quá lớn, do đặc thù khối này là các DN tư nhân, nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu phần lớn dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng, lao động bị cạnh tranh với các DN lớn trong nước và cả DN nước ngoài; hạn chế về tiếp cận công nghệ mới cũng như những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ của Chính phủ. Sức cạnh tranh yếu do nguồn lực có hạn, cộng thêm áp lực cạnh tranh trên thị trường trong nước ngày càng lớn, đã khiến số lượng lớn DNNVV trong giai đoạn vừa qua rơi vào tình trạng "chết trên sân nhà".

Trong năm 2014, Chính phủ đã có những bước quan trọng nhằm cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thể hiện rõ qua Nghị Quyết 19-CP/NQ và các chỉ thị, quyết định khác nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính. Chính phủ cũng thể hiện sự thay đổi tư duy quan trọng, không lấy việc so sánh với chính mình 30 năm trước đây là thước đo so sánh cho sự tiến bộ, mà lấy việc đuổi kịp và vượt trình độ của 6 nước thành viên ASEAN phát triển hơn làm mục tiêu phấn đấu.

Bảng xếp hạng về chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam còn nhiều yếu kém. Xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2015 của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy nhiều xếp hạng rất thấp và còn những khoảng cách khá xa về nhiều chỉ tiêu mà chúng ta cần phải vượt qua để đuổi kịp các nước trong khu vực. Chính vì vậy các bộ, ngành cần tinh giản các thủ tục hành chính về việc khởi nghiệp, trong thu thuế, cấp phép xây dựng, thủ tục hải quan...

Các tin khác