CNHT: Doanh nghiệp nội "bó tay"!?

Hơn 2 thập niên qua, TPHCM phát triển hàng loạt khu chế xuất (KCX) và KCN. Tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu của các KCX-KCN chủ yếu từ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước ít tham gia do yếu về trình độ lẫn công nghệ. Chính vì vậy, thời gian tới TPHCM sẽ tập trung mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất này.

Hơn 2 thập niên qua, TPHCM phát triển hàng loạt khu chế xuất (KCX) và KCN. Tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu của các KCX-KCN chủ yếu từ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước ít tham gia do yếu về trình độ lẫn công nghệ. Chính vì vậy, thời gian tới TPHCM sẽ tập trung mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất này.

Sản xuất bằng linh kiện nhập khẩu

 

Nhiều năm qua, các KCX-KCN tại TPHCM dù phát triển về số lượng nhưng thực chất thu hút chủ yếu dự án nhỏ và vừa, chưa thu hút được các tập đoàn lớn để phát triển các ngành công nghệ tiên tiến. Hầu hết doanh nghiệp trong các KCX-KCN chủ yếu làm gia công, máy móc cũ, sử dụng nhiều lao động (phần lớn là động phổ thông). Doanh nghiệp trong nước chưa thể tham gia sản xuất cùng doanh nghiệp nước ngoài vì nhiều nguyên nhân.

 Ông Takezo Yanagida, Phó Chủ tịch Tổ chức thương mại Nhật Bản (JETRO), cho biết trong những năm gần đây tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, một trong những vấn đề các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản gặp phải là khó khăn trong việc mua sắm linh kiện được sản xuất tại Việt Nam.

Tỷ lệ linh kiện tại Việt Nam cung cấp thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khối ASEAN, vì thế các nhà sản xuất Nhật Bản ở Việt Nam phải nhập khẩu linh kiện từ Thái Lan, Đài Loan... Điều này không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu sản phẩm cuối cùng cho các nhà sản xuất, mà còn giảm lợi nhuận của Việt Nam.

Thời gian qua chưa doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia sản hoặc cung cấp linh kiện cho Juki. Mặt dù chúng tôi đã tìm đến một vài doanh nghiệp Việt Nam nhờ gia công một số linh kiện, nhưng họ không thể đáp ứng được vì máy móc cũng như trình độ kỹ thuật không đạt. Vì vậy buộc chúng tôi phải tìm nhà cung cấp khác từ các doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia.

Ông Suzuki Masanori,
Tổng giám đốc Công ty Juki Việt Nam

Ông Suzuki Masanori, Tổng giám đốc Công ty Juki Việt Nam, chuyên sản xuất máy móc ngành dệt may, da giày, cho biết:  “Đây thực sự là một lãng phí lớn. Hy vọng thời gian tới doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực tham gia sản xuất linh kiện của công ty cũng như các công ty Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Công ty Juki sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, máy móc và nguyên vật liệu nếu doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được.

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi về các thiết bị của các nhà sản xuất nước ngoài cũng như có cơ hội sản xuất linh phụ kiện và mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài”.

Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA), tại 13 KCX-KCN của TPHCM có 1.302 dự án đầu tư của 25 nước và vùng lãnh thổ đang hoạt động, cơ cấu ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn như linh kiện điện tử (26%), phụ tùng cơ khí (13%) và một số ngành nghề khác.

Hiện các KCX-KCN TP có 261 doanh nghiệp FDI, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ các ngành: điện tử, cơ khí, ô tô... Sản phẩm của các doanh nghiệp FDI phần lớn được xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đáng nói, nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, cho thấy sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tại các KCX-KCN còn kém.

Có 371 doanh nghiệp trong nước sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT), với sản phẩm chủ yếu phục vụ các ngành cơ khí, dệt may, bao bì. Nhưng sản phẩm CNHT của doanh nghiệp trong nước có giá trị gia tăng thấp do sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, nên chất lượng kém, giá thành sản phẩm cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.

Ưu tiên phát triển công nghệ cao

Từ những bất cập trên, thời gian tới TPHCM quyết tâm chuyển đổi cơ cấu kinh tế công nghiệp tại các KCX-KCN. Theo đó, lãnh đạo TP yêu cầu HEPZA giải quyết nhanh, gọn các thủ tục, tư vấn cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào các KCX-KCN; phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề kỹ thuật trình độ cao; rà soát lại các cụm công nghiệp, KCN để tiến tới chuyển đổi, di dời, sắp xếp lại các ngành nghề cho phù hợp từng khu, tiến tới KCN xanh; ưu tiên phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng cao; tập trung kết nối doanh nghiệp FDI hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất linh, phụ kiện nhằm giảm bớt tình trạng nhập 100% từ nước ngoài.

Để thực hiện mục tiêu trên, HEPZA sẽ tập trung thu hút những dự án có vốn đầu tư lớn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Trong đó, tập trung vào 4 ngành trọng điểm, gồm điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa, cao su; cơ khí chế tạo; chế biến lương thực - thực phẩm. Để thực hiện mục tiêu trên cần có quỹ đất trống để mời gọi nhà đầu tư. Vì thế, tại một số KCX-KCN, các công ty phát triển hạ tầng sẽ mua lại nhà xưởng của doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc giải thể để thu hút những dự án có công nghệ tiên tiến hơn.

Minh chứng cho điều này, KCX Linh Trung và KCN Tân Tạo đã chuyển đổi 14 dự án cũ thành 15 dự án mới theo hướng tập trung vào 4 ngành trên. Theo ông Vũ Văn Hòa, tháng 12-2014, Khu kỹ nghệ Việt - Nhật tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) đã đi vào hoạt động. Đây là KCN được dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực CNHT, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước hợp tác, phát triển trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Hepza sẽ tập trung triển khai xây dựng KCN chuyên ngành CNHT tại KCN Hiệp Phước, Lê Minh Xuân 3; xây dựng nhà xưởng cao tầng tại 4 KCN (Đông Nam, Hiệp Phước, Linh Trung, Tân Thuận) với quy mô khoảng 3-8 tầng, diện tích xây dựng 10.000-40.000m2 để tiếp đón các nhà đầu tư.

Các tin khác