Phát triển KCN: 30.000ha đất bỏ hoang, 1.211ha đất tăng thêm

Các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước đang sử dụng nguồn tài nguyên đất đai khổng lồ lên đến gần 84.000 ha. Tuy nhiên, quá nửa diện tích đất trong các KCN đang để hoang vì sự tăng trưởng quá nhanh về số lượng, quy mô các KCN trên cả nước. Thực trạng nhiều KCN không thể lấp đầy hiện nay xuất phát từ phong trào đua nhau làm KCN của các địa phương thời gian qua.

Các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước đang sử dụng nguồn tài nguyên đất đai khổng lồ lên đến gần 84.000 ha. Tuy nhiên, quá nửa diện tích đất trong các KCN đang để hoang vì sự tăng trưởng quá nhanh về số lượng, quy mô các KCN trên cả nước. Thực trạng nhiều KCN không thể lấp đầy hiện nay xuất phát từ phong trào đua nhau làm KCN của các địa phương thời gian qua.

Lãng phí tài nguyên đất

Báo cáo tình hình phát triển các KCN và khu kinh tế (KKT) của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), đến hết năm 2014 cả nước có 295 KCN được thành lập nhưng chỉ 212 KCN đi vào hoạt động, 83 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng cơ bản. Tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê lên đến 56.000ha, trong khi tổng diện tích cho thuê tại các KCN chỉ 26.000ha. Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đã đi vào hoạt động theo số liệu của Bộ KH-ĐT đạt trên 65%.

Tình trạng bỏ hoang hàng chục ngàn ha đất tại các KCN thời gian qua là hậu quả tất yếu khi nhiều địa phương chạy theo thành tích, làm KCN theo phong trào, không tính toán đến hiệu quả hoạt động của các KCN. Điều này dẫn đến cung vượt cầu, có quá nhiều KCN nhưng chỉ kêu gọi được một lượng nhà đầu tư nhất định.

TS. Trần Đình Thiên,
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, nếu so với tổng diện tích đất tại các KCN có thể cho thuê (56.000ha), tỷ lệ lấp đầy tại các KCN chỉ đạt 46%. Như vậy cả nước hiện có khoảng 30.000ha đất công nghiệp có thể cho thuê đang để hoang. Đó là chưa tính đến 24.000ha diện tích đất công nghiệp của 83 KCN đang trong giai đoạn đền bù GPMB và xây dựng cơ bản chưa đưa vào cho thuê vì thiếu hạ tầng.

Riêng trong năm 2014, cả nước có 5 KCN mới được thành lập với quy mô 655ha; mở rộng 7 KCN với quy mô 1.007ha; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) của 2 KCN với quy mô sử dụng đất 359ha và chuyển đổi 1 KCN diện tích 92ha thành cụm công nghiệp. Tổng diện tích đất KCN trong năm 2014 tăng thêm 1.211ha.

Trong khi đó, kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN đến năm 2020 của Bộ KH-ĐT cho thấy có 49 tỉnh, thành phố đã hoàn thành đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 14 tỉnh đang hoàn thiện nội dung đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN.

Chính vì vậy Bộ KH-ĐT đang đề nghị các địa phương này giải trình bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hoặc thực hiện rà soát lại quy hoạch phát triển KCN cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương trước thời điểm 31-3. Theo Bộ KH-ĐT, đến năm 2020 cả nước sẽ có 463 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 141.500ha theo quy hoạch. Trong đó có 84.000ha của các KCN đã được cấp phép thành lập và 57.500ha của các KCN chưa được thành lập.

Bất cập quy hoạch, chọn lọc ngành nghề

Thực ra hàng ngàn ha đất trong các KCN đang bị bỏ hoang do không có người thuê đã được dự báo từ lâu. Một trong những nguyên nhân khác là trong quy hoạch, xây dựng KCN, nhiều địa phương đã làm theo mô hình “bách hóa tổng hợp”, thu hút đầu tư không chọn lọc theo ngành nghề, công nghệ.

Đây là cách làm không phù hợp, bởi muốn phát triển KCN phải có sự liên kết theo chuỗi sản phẩm, theo công nghệ mới hình thành các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa, từ đó mới thu hút đầu tư. Nhìn nhận về quy hoạch phát triển các KCN trên cả nước, theo nhiều chuyên gia có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ đất tại các KCN.

Những năm 1994-1995 chỉ có khoảng 60 KCN nằm trong quy hoạch phát triển, nhưng đến nay đã phình ra 295 KCN. Trong khi các địa phương đã xây dựng KCN theo trào lưu, không tính toán kỹ hiệu quả nên không thể lấp đầy được. Điều này kéo theo hệ lụy một lượng lớn đất nông nghiệp, đất trồng cây công nghiệp được chuyển đổi mục đích thành đất xây dựng không phát huy hiệu quả.

TS. Lưu Bích Hồ,
nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT)

Thứ nhất, số lượng các KCN tăng quá nhanh, trong khi nhà đầu tư chỉ lựa chọn những KCN có hạ tầng tốt, giao thông thuận lợi, tiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi xây dựng KCN nhiều địa phương đã không tính đến ngành nghề sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, trong khi nhà đầu tư muốn vào KCN để sản xuất kinh doanh họ cũng phải tính toán đến đầu ra sản phẩm.

Thứ hai, xây dựng quá nhiều KCN không tính toán kỹ sẽ gây áp lực cho đầu tư công, cho ngân sách trung ương và địa phương trong việc huy động vốn xây dựng hạ tầng như điện, nước, giao thông kết nối... Hiện có nhiều KCN xây dựng dở dang vì thiếu vốn đầu tư. Dường như các địa phương ít quan tâm đến yếu tố quan trọng là phát triển KCN phải gắn với các đô thị để giảm áp lực về đầu tư hạ tầng kết nối. Một thí dụ thành công là chuỗi các KCN gắn với đô thị dọc 2 trục Quốc lộ 5 nối Hà Nội - Hải Phòng.

Thứ ba, nhà đầu tư đều cần có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi trong đầu tư. Trong khi đó chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN hiện nay chưa có đột biến ngoài các ưu đãi về đất đai và thuế. Ngay cả các chính sách ưu đãi đầu tư vào các KKT ven biển, KKT cửa khẩu được cho là ưu đãi cao cũng chưa bằng ưu đãi đầu tư vào KCN của nhiều nước trong khu vực.

Mặt khác, những ưu đãi về đất đai, thuế trong chiến lược thu hút đầu tư vào các KCN chỉ là bước đầu, ưu đãi quan trọng nhất là tự do hóa các địa phương lại không đáp ứng được. Thứ tư, kinh tế thế giới những năm qua rơi vào khủng hoảng, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, số lượng dự án vào các KCN.

Thực tế trên cho thấy việc lãng phí tài nguyên đất đai tại KCN thời gian qua là bài học lớn trong công tác quy hoạch. Quy hoạch này đã có từ lâu nhưng những năm qua đã liên tục bổ sung thêm hàng trăm dự án, hàng chục ngàn ha đất vào quỹ đất phát triển KCN, dẫn đến tỷ lệ đất trống tại các KCN tăng nhanh. Khi phát triển KCN cần tính đến quy mô sản xuất và khả năng tiêu thụ sản phẩm, không thể cấp phép KCN theo hình thức dưới xin và trên cho.

Tình trạng lãng phí đất đai tại các KCN là biểu hiện của việc xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch trong phát triển KCN chưa thực tế. Bởi lẽ, không nhà đầu tư nước ngoài nào bỏ tiền vào KCN khi họ chưa thấy lợi nhuận. Chưa kể nhiều nhà đầu tư được giao đất trong KCN nhưng không triển khai xây dựng, mà chủ yếu là xí phần rồi để trống đất hoặc nếu làm lại đòi hỏi thêm ưu đãi.

Loay hoay sửa sai

Việc nhiều KCN, KKT hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất đai đang là thực trạng nhức nhối, gây bức xúc cho xã hội. Trước tình hình này, Chính phủ đã yêu cầu rà soát, tiến tới rút giấy phép một số KCN. Theo đó, các KCN hoạt động kém hiệu quả, có tỷ lệ lấp đầy thấp, Bộ KH-ĐT đang phối hợp với các địa phương để cùng đưa ra giải pháp xử lý.

Cụ thể, trong số 14 KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp, chưa thực hiện đền bù GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng, có 5 KCN đã được giải quyết theo hướng giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi chủ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiếp tục thực hiện. Đó là các dự án KCN Quang Minh II (Hà Nội), KCN Cộng Hòa - Chí Linh và KCN Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương), KCN Kim Động (Hưng Yên), KCN Phong Phú (TPHCM).

Giờ tan ca tại KCN Tân Bình. Ảnh: CAO THĂNG

Giờ tan ca tại KCN Tân Bình. Ảnh: CAO THĂNG

Về các địa phương, qua rà soát, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thu hồi KCN Bá Thiện và giao cho Ban Quản lý các KCN làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng KCN Bá Thiện giai đoạn I; giảm quy mô KCN Bình Xuyên II (Vĩnh Phúc) từ 485,1ha xuống còn 45,6ha; phần diện tích còn lại UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang kêu gọi Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư.

Một loạt KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp cũng được lên kế hoạch để xử lý như: KCN Long Sơn ở Bà Rịa - Vũng Tàu (1.250ha) được điều chỉnh giảm xuống còn 850ha; KCN Bắc Thường Tín (429ha), KCN Phụng Hiệp (175ha) ở Hà Nội chưa triển khai do vướng quy hoạch; KCN Đức Hòa III - Liên Thành (93ha) và KCN Đông Nam Á (396ha) tỉnh Long An gặp khó khăn trong GPMB, kết nối giao thông từ KCN ra bên ngoài…

Trước việc triển khai ì ạch các KCN, nhiều địa phương đã xem xét việc thu hồi GCNĐT. Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi GCNĐT của KCN Du Long (407ha); UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi GCNĐT KCN Nam Cam Ranh; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xem xét khả năng giảm quy mô hoặc thu hồi GCNĐT KCN Long Sơn có quy mô 850ha.

Hoặc để giải quyết tình trạng để đất hoang, Bộ KH-ĐT yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Ban Quản lý các KCN khẩn trương làm thủ tục thu hồi GCNĐT đã cấp cho Công ty TNHH Phúc Hưng (Đài Loan); chuyển đổi chủ đầu tư KCN Cẩm Điền - Lương Điền cho Công ty Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore…

Bộ KH-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Phước, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang, Cà Mau... chỉ đạo ban quản lý các KCN sớm tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư hạ tầng các KCN vừa bị thu hồi GCNĐT.

Các tin khác