Khi đồng EUR yếu (K1): Gây chiến tranh tiền tệ?

Việc áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, như tung ra gói nới lỏng định lượng trị giá 1.100 tỷ EUR của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây, đã giúp mang lại những lợi thế trước mắt cho nền kinh tế khu vực đồng EUR (Eurozone). Tuy nhiên, về lâu dài, có thể nó sẽ mang đến những hậu quả khó lường.

Việc áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, như tung ra gói nới lỏng định lượng trị giá 1.100 tỷ EUR của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây, đã giúp mang lại những lợi thế trước mắt cho nền kinh tế khu vực đồng EUR (Eurozone). Tuy nhiên, về lâu dài, có thể nó sẽ mang đến những hậu quả khó lường.

Quyết định “xả lũ” tiền tệ mới đây của ECB đã làm suy yếu đồng EUR và thúc đẩy nền kinh tế khu vực. Nhưng biện pháp này làm tăng nguy cơ bất ổn trên thị trường tài chính và có thể gây ra một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Bấp bênh thị trường tài chính

Mối quan ngại này có thể cảm nhận ở khắp nơi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay tại Davos (Thụy Sĩ). Các ngân hàng trung ương lớn ở Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á liệu có thành công trong việc ổn định nền kinh tế toàn cầu? Hay chính bản thân họ lại trở thành những nhân tố gây rủi ro? Theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng trung ương chắc chắn là nguồn gốc lớn nhất mang lại sự bấp bênh của các thị trường tài chính.

Thực tế chính sách tiền tệ tại các ngân hàng trung ương ở Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và các nước khác đang đặt ra một nguy cơ lớn đối với sự ổn định của thị trường tài chính. Điều quan trọng đối với cộng đồng quốc tế là phải cùng hợp tác để tránh các cuộc chiến tranh tiền tệ không ai giành chiến thắng.

GS. Kenneth Rogoff,
Đại học Harvard

Hồi cuối tháng 1, ECB công bố quyết định sẽ mua 60 tỷ EUR (68 tỷ USD) trái phiếu chính phủ mỗi tháng cho đến tháng 9-2015. Điều này, theo giới chuyên gia, chắc chắn sẽ tạo ra xung đột tiền tệ. Không chỉ vậy, ECB sẽ tiếp tục làm tràn ngập thanh khoản trên các thị trường và sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp gây áp lực giảm giá lên đồng tiền chung.

Hiển nhiên, một đồng EUR yếu là chính xác những gì Chủ tịch ECB Mario Draghi muốn. EUR yếu sẽ giúp xuất khẩu sang khu vực tiền tệ khác rẻ hơn, do đó làm tăng khả năng cạnh tranh của các nước Eurozone. Đồng thời, nó làm tăng giá hàng nhập khẩu, nhờ đó làm giảm nguy cơ giảm phát.

Ngang giá USD?

Xét về mặt này, chính sách của ông Draghi đã rất thành công. Tính đến ngày 31-3, đồng EUR đã có quý giảm giá sâu nhất 15 năm qua, giảm 11% kể từ đầu năm so với USD và nhiều người tin rằng, vào cuối năm nay EUR sẽ chính thức đạt được sự ngang giá với USD lần đầu tiên kể từ năm 2002.

Tiến trình này có thể nhanh hơn trong bối cảnh đồng USD chuẩn bị tăng giá theo sau dự kiến nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED). Nhưng chính sách của ông Draghi cũng có những nguy hiểm tiềm tàng. Bằng cách can thiệp vào cơ chế tỷ giá hối đoái, Liên minh châu Âu (EU) đang tạo ra lợi thế không công bằng so với các đối tác toàn cầu. Nhiều quốc gia chắc chắn sẽ không hài lòng và có khả năng sẽ đối phó bằng cách chạy đua làm giảm giá trị nội tệ của họ.

Cuối cùng, tất cả các bên đều chỉ có thể là kẻ thua cuộc. “Những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ đang theo dõi sát sao các diễn biến để tính đến những kế sách thích hợp” - Gary Cohn, Chủ tịch Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, cho biết tại Davos. Dự đoán trong khi đồng EUR sẽ giảm hơn 10% so với USD, đồng yen Nhật Bản chỉ giảm khoảng 8%.

Anton Borner, Chủ tịch của Liên đoàn Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ Đức (BGA), cho rằng một trong những lý do giúp Đức trở nên cạnh tranh về kinh tế là các công ty ở đó bị buộc phải đấu tranh với một đồng tiền mạnh là mark Đức trước đây, một trong những đồng tiền dự trữ được yêu thích thứ 2 trên thế giới, chỉ sau USD. Đồng mark mạnh mẽ cũng biến Đức trở thành một quốc gia của du khách. Tuy nhiên, bây giờ người Đức đang phải thích ứng với một thực tế mới.

Thay vì chiến đấu cho một đồng tiền mạnh như Bundesbank từng làm, ECB lại đang làm suy yếu đồng EUR. Trong một liên minh tiền tệ, những nhược điểm của một đồng tiền yếu không cảm nhận được ngay lập tức. Hầu hết người châu Âu có xu hướng đi nghỉ ở châu Âu, do đó hạn chế tiếp xúc với các đồng tiền mạnh hơn ở nước ngoài. Và hàng hóa nhập khẩu vẫn chưa trở nên đắt đỏ hơn, vì giá dầu đang giảm.

Ưu nhiều hơn khuyết?

Đối với nền kinh tế Đức, các lợi thế từ đồng tiền yếu lớn hơn những bất lợi. Cùng với việc giá dầu thấp, tỷ giá EUR hiện nay giống như một gói kích thích kinh tế bất ngờ. Bộ Kinh tế Đức dự báo tăng trưởng 1,5% cho năm 2015, tăng so với 1,3% trong dự báo mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng xu hướng đi xuống của EUR cùng với giá dầu thấp nhiều khả năng giúp nền kinh tế Đức tăng 2% trong năm nay, nếu không có biến động lớn về địa chính trị.

Tuy nhiên, xu hướng giảm giá của EUR và dầu mỏ có thể tạo ra những vấn đề mới đối với chính phủ Đức trong tương lai gần, đặc biệt trong quan hệ với các nước đối tác và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Lâu nay IMF đã phàn nàn về việc tăng thặng dư tài khoản vãng lai của Đức. Tình trạng mất cân bằng này đe dọa sự phục hồi của các nước khủng hoảng trong Eurozone và các nền kinh tế toàn cầu vì Đức nhập khẩu quá ít.

Mất cân bằng thương mại

Xét về tỷ trọng GDP, không quốc gia châu Âu nào xuất khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ như Đức. Nước này có thặng dư cán cân tài khoản vãng lai trong năm 2013 tương đương 7% GDP và trong năm 2014 cũng không thấp hơn bao nhiêu. Sự kết hợp của EUR yếu và giá dầu giảm có thể làm tăng thặng dư 0,5% trong năm nay.

EUR giảm mạnh so với USD sẽ tạo ra lợi thế không công bằng cho các nước Eurozone.

EUR giảm mạnh so với USD sẽ tạo ra lợi thế không công bằng cho các nước Eurozone.

Các chuyên gia tin rằng EUR yếu có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang khủng hoảng về ngắn hạn. Một phân tích của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy tỷ giá EUR giảm sẽ giúp gia tăng xuất khẩu, đặc biệt ở Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp. EUR yếu cũng sẽ giúp du khách từ các vùng ngoài châu Âu đổ về Eurozone. Tuy nhiên, không chắc việc nới lỏng tiền tệ gần sẽ khôi phục lạm phát tỷ lệ mục tiêu 2% của ECB hay không.

“Nghiên cứu cho thấy tỷ giá EUR thấp ít có ảnh hưởng đến lạm phát” - Ansgar Belke, GS. tại Đại học Duisburg - Essen, nói. Trong ngắn hạn, có lẽ ECB đang muốn khai thác những lợi thế của đồng tiền yếu. Theo quy luật ngón tay cái, sự mất giá 5% tiền tệ giúp tăng trưởng thêm 0,3 điểm % trong khu vực đồng EUR. Tuy nhiên, những tác dụng phụ của đồng tiền yếu về lâu dài có phải là lợi bất cập hại? “Việc làm mất giá EUR hiện nay là một động thái thích hợp, nhưng mọi người cần phải cẩn thận. Nếu EUR bị mất thêm 15% giá trị, mọi thứ sẽ hoàn toàn khác” - Carl Martin Welcker, Giám đốc điều hành Kölner Schutte, cảnh báo.

(còn tiếp)

Các tin khác