Chia sẻ vốn GPMB siêu dự án?

Với hàng ngàn tỷ đồng/dự án, ngân sách nhà nước (NSNN) để hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) đang quá tải trước các siêu dự án. Gánh nặng tài chính này sẽ được chia sẻ ra sao vẫn là những câu hỏi khó tìm lời giải.

Với hàng ngàn tỷ đồng/dự án, ngân sách nhà nước (NSNN) để hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) đang quá tải trước các siêu dự án. Gánh nặng tài chính này sẽ được chia sẻ ra sao vẫn là những câu hỏi khó tìm lời giải.

 

Hiện đang có 4 siêu dự án lọc dầu có quy mô hàng tỷ đến hàng chục tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài, gồm dự án lọc dầu Nhơn Hội và Vũng Rô, dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất và dự án nhiệt điện Sembcorp. Các địa phương có các dự án trên đang đòi Chính phủ hỗ trợ vốn GPMB lên tới 1 tỷ USD, vượt quá khả năng của NSNN.

Đòi hỏi trên cơ sở nào?

Việc các địa phương đề xuất một nguồn kinh phí khủng dựa trên căn cứ của Quyết định 126 của Thủ tướng ban hành năm 2009. Theo đó, các dự án lớn, có quy mô vốn trên 20.000 tỷ đồng, ở các khu kinh tế (KKT) ven biển thuộc vùng có điều kiện khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng mỗi dự án trên, các tỉnh đề nghị hỗ trợ đền bù GPMB lên đến hàng ngàn tỷ đồng là rất lớn, vượt quá khả năng cân đối hàng năm từ nguồn NSNN trong chương trình hỗ trợ có mục tiêu cho các KKT.

Hiện nay, các dự án khủng trên đang nhận được các chính sách ưu đãi rất cao. Trong đó, lọc dầu Nhơn Hội là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tổng vốn lớn nhất từ trước tới nay, tới 22 tỷ USD và dự kiến nâng lên 30 tỷ USD sau 10 năm hoạt động, do Tập đoàn PTT của Thái Lan đầu tư. Tính tới thời điểm này, dự án đã xin hỗ trợ được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong cả đời dự án 30 năm kể từ khi có lợi nhuận, giảm 50% nhiều loại thuế khác.

Quy mô vốn lớn thứ 2 trong 4 dự án trên là lọc dầu Vũng Rô có vốn 3,2 tỷ USD của nhà đầu tư Technostar Management Ltd (Anh). Kế đến là dự án nhiệt điện Dung Quất của Tập đoàn Sembcorp đến từ Singapore có vốn đầu tư 2 tỷ USD, công suất 1.200 MW. Dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất có vốn 1,8 tỷ USD là dự án duy nhất của nhà đầu tư trong nước - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - nhằm nâng công suất khai thác từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn/năm.

Ngoài các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất... các dự án lọc dầu còn được ưu đãi thuế nhập khẩu xăng dầu, như mức thuế 0% với sản phẩm lọc và hóa dầu, thuế nhập khẩu 7% đối với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu. Trường hợp thuế nhập khẩu xăng dầu ở Việt Nam tăng quá các con số trên, Nhà nước sẽ phải bù chênh lệch thuế lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Những ưu đãi của Chính phủ với các dự án lọc dầu lớn trên đã được thể hiện rõ mục tiêu mời gọi nhà đầu tư tiềm năng vào những lĩnh vực đang khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đặt ra là nguồn lực tài chính để thực hiện các ưu đãi này dường như đã đến ngưỡng. Chúng ta đang cần những cơ chế để khắc phục được hạn chế này.

PPP là phải giải pháp tốt?

Chia sẻ vốn GPMB siêu dự án? ảnh 2Việc bố chí vốn hỗ trợ GPMB cho các dự án đã được phân cấp. Những dự án lớn NSNN phân bổ, những dự án nhỏ cấp địa phương phân bổ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng của nguồn vốn đầu tư vào phát triển hạ tầng hiện nay, nếu nguồn kinh phí này được đầu tư theo hình thức PPP sẽ là một kênh hiệu quả. Theo đó, nhà đầu tư có thể bỏ kinh phí để xây dựng kết cấu hạ tầng các KKT, KCN rồi thu phí của doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh để thu hồi lại vốn và lãi.
Chia sẻ vốn GPMB siêu dự án? ảnh 3

Ông Lê Văn Tăng,
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ KH-ĐT

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN), 15 KKT biển, 28 KKT cửa khẩu, thu hút khoảng 5.000 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỷ USD và gần 6.000 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 970.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của các KCN đã thành lập đạt khoảng 10 tỷ USD…

Thực trạng hạ tầng các KKT, KCN, cũng như vấn đề đầu tư kinh phí, nguồn lực và các biện pháp đẩy mạnh giải ngân trong xây dựng hạ tầng KKT, KCN vẫn luôn là vấn đề nóng từ nhiều năm nay. Sức ép tăng trưởng kinh tế, luôn vượt quá khả năng thu xếp nguồn lực hữu hạn của Nhà nước mà ngay cả các quốc gia phát triển cũng phải đối mặt với tình huống này. Chính vì vậy, một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng này là thu hút các nguồn lực đầu tư vào các dự án, dịch vụ công thông qua đối tác nhà nước - tư nhân (PPP).

Với việc Luật Đấu thầu có hiệu lực từ 1-7-2014, 2 nghị định hướng dẫn về hình thức hợp tác công tư PPP và lựa chọn nhà thầu sắp có hiệu lực, cơ hội cho việc xã hội hóa các nguồn vốn đang mở ra. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng của các KKT, KCN cũng là một lĩnh vực hợp tác công tư đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Mại, không như các dự án cơ sở hạ tầng cầu đường, từ giá trị đầu tư đến thu hồi vốn trong một số lĩnh vực rất dễ mất cân đối tài chính. Do đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích riêng mới để mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng.

Theo ông Mại, trong khi NSNN có hạn, với 1 tỷ USD của 4 siêu dự án trên là một khoản đáng kể, vượt quá khả năng hiện tại của NSNN. Cách tốt nhất trong trường hợp này là áp dụng mô hình hợp tác công tư, coi như một dạng vay trước của nhà đầu tư rồi trả dần bằng trừ thuế hoặc các nguồn thu khác. Khi đưa ra các chính sách ưu đãi, chúng ta đã có các mục tiêu rõ ràng và phải quyết tâm thực hiện đến cùng mới mang lại hiệu quả.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, vừa rồi Bộ KH-ĐT đã đưa ra phương án là các nhà đầu tư tự ứng tiền trước đền bù GPMB, sau đó số tiền này sẽ được cơ quan quản lý chức năng trừ vào tiền thuê đất phải nộp cho Nhà nước, cũng là một phương án hay. Đây là một hình thức hợp tác công tư rất hiệu quả trong các dự án đầu tư đã được áp dụng ở một số nước như Nhật Bản, Singapore…

Các tin khác