CPH DNNN:Trọng chất hơn trọng lượng

Cho đến nay quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã diễn ra gần 30 năm. Đây là khoảng thời gian không nhỏ dù xung quanh khái niệm tái cơ cấu DNNN vẫn còn nhiều lúng túng và có ý kiến trái chiều. Gần đây, vấn đề cổ phần hóa (CPH), sắp xếp lại DNNN trở nên nóng hơn bao giờ hết và một số DNNN lớn như Vietnam Airlines, Vinatex... đã CPH trong năm 2014. Tuy vậy, áp lực phải hoàn thành CPH 432 DNNN trong năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất lớn: vừa phải hoàn thành mục tiêu, vừa không để CPH theo phong trào.

Cho đến nay quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã diễn ra gần 30 năm. Đây là khoảng thời gian không nhỏ dù xung quanh khái niệm tái cơ cấu DNNN vẫn còn nhiều lúng túng và có ý kiến trái chiều. Gần đây, vấn đề cổ phần hóa (CPH), sắp xếp lại DNNN trở nên nóng hơn bao giờ hết và một số DNNN lớn như Vietnam Airlines, Vinatex... đã CPH trong năm 2014. Tuy vậy, áp lực phải hoàn thành CPH 432 DNNN trong năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất lớn: vừa phải hoàn thành mục tiêu, vừa không để CPH theo phong trào.

Khái niệm CPH và tư hữu hóa

Tư nhân hóa hay tư hữu hóa là một quá trình chuyển đổi về hình thức sở hữu từ nhà nước, tập thể sang tư nhân. Trong khi đó CPH là quá trình chuyển đổi hình thức từ DNNN (TNHH, liên doanh) sang DN cổ phần. Theo các nhà phân tích, CPH là một công cụ để dẫn đến tư nhân hóa. Chẳng hạn, DNNN đang sở hữu 100% vốn nhà nước, khi bán 50% vốn chủ sở hữu cho tư nhân và biến DN này thành CTCP, quá trình này gọi là CPH, đồng thời là tư nhân hóa 50% sở hữu của Nhà nước tại DN.

Tuy nhiên, cũng là quá trình này nhưng nếu bán 50% vốn lại cho DNNN khác mà Nhà nước giữ 100% vốn và biến DN này thành CTCP không gọi là tư nhân hóa. Một thí dụ khác để phân biệt 2 hình thức này là quá trình thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các DN hiện nay cũng là quá trình tư nhân hóa. Tức sở hữu Nhà nước tại các DN cổ phần chuyển sang tư nhân nhưng không phải là CPH.

Việc thực hiện CPH nhanh hay chậm đến từ chính các DN. Bên cạnh đó, sự chưa đồng nhất về mặt quan điểm giữa chính quyền, ban đổi mới DN và DN về tỷ lệ phần vốn nhà nước cần nắm giữ khiến không ít DN gặp lúng túng trong quá trình thực hiện, tiến độ CPH bị chậm một cách không cần thiết. Trong khi đó, hiện nay dù cả nước có hơn 400 DN phải CPH và thoái vốn ngoài ngành nhưng vẫn không quá tải, bởi miễn có “hàng tốt” là bán được.

TS. Trần Du Lịch,
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

Cuối năm 2012, định hướng của Đảng về tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) và DNNN được thể hiện rõ hơn trong Kết luận số 50-KL/TW ngày 29-10-2012 với nội dung “tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”. Một trong những định hướng được xem quan trọng nhất là thoái vốn, theo đó sớm chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các DN có dưới 50% vốn nhà nước.

Đến đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 đề án tái cấu trúc thành phần và đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó đề án tái cấu trúc DNNN nêu rõ sẽ thúc đẩy CPH, đa dạng hóa sở hữu các DNNN không cần nắm giữ 100%. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17-7-2012, phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐ, TCT nhà nước giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu của đề án là cơ cấu lại DNNN hợp lý hơn, tập trung vào ngành then chốt, nâng cao năng lực cạnh tranh, cung ứng các dịch vụ công ích thiết yếu.

Vậy tại sao phải CPH hay tư nhân hóa? Nói về quá trình này, hầu hết số liệu thống kê, nghiên cứu đã chỉ ra những yếu kém và trì trệ của DNNN thời gian qua. Trong khi đó hoạt động của khu vực tư nhân ngày càng thể hiện có nhiều ưu việt hơn. Quá trình cạnh tranh sẽ buộc các nhà sản xuất không hiệu quả, thiếu nhạy bén phải tự động rút lui khỏi thị trường, từ đó các nguồn lực sử dụng không hiệu quả sẽ được phân phối lại cho những nơi hiệu quả hơn.

Mục tiêu và chất lượng “hàng”

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, kế hoạch đặt ra trong 2 năm 2014-2015 sẽ CPH 432 DNNN. Cũng theo cơ quan này đến cuối năm 2014 đã có 348 DN thành lập ban chỉ đạo, 247 DN đang xác định giá trị DN. Sau 5 năm quá trình CPH diễn ra chậm chạp bởi những khó khăn của nền kinh tế, nhưng năm 2014 đã diễn ra mạnh mẽ hơn khi đã CPH được 143 DN, tăng gấp gần 2 lần năm 2013.

Một loạt TCT của Nhà nước đã hoàn thành CPH như TCT Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline), TCT Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), TĐ Dệt may (Vinatex), TCT Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex)… Dù vậy, có ý kiến cho rằng bước tiến này là nhờ xuất phát điểm thấp. Đồng thời nếu so với mục tiêu đề án CPH giai đoạn 2014-2015, vẫn còn 2/3 số DN phải CPH trong năm 2015. Kết quả này vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong đợi. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cũng thừa nhận năm 2015 đang chịu áp lực lớn về số lượng DN phải CPH, đó là chưa tính thêm 100 DN vừa được bổ sung vào danh sách, nâng số lượng lên 532.

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn dè dặt về quá trình CPH tại Việt Nam, vì hầu hết đều thiếu thông tin minh bạch trong các công ty nhà nước và thời gian IPO liên tục thay đổi.

Ông Kevin Snowball,
Chủ tịch Quỹ PXP Asset Management tại VN

Trong thời gian tới một số DNNN lớn khác sẽ được CPH là Công ty Dịch vụ viễn thông di động Việt Nam (MobiFone), TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Đây đều là những DNNN lớn và nằm trong một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Trong đó, MobiFone có quy mô rất lớn ước tính trị giá khoảng 3,4 tỷ USD và đang hoạt động hiệu quả.

Ngược lại, Vinalines đã gặp nhiều khó khăn tài chính với khoản nợ lên tới 4 tỷ USD. Để trả nợ, Vinalines đã phải bán cổ phần tại nhiều đơn vị của mình, bao gồm các cảng biển. Song song CPH, việc đẩy mạnh thoái vốn nhà nước khỏi CTCP cũng được đẩy mạnh. Đáng chú ý nhất là gần đây có thông tin Bộ Công Thương sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) từ mức 89% xuống còn 36%. Đặc biệt TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đẩy nhanh quá trình thoái vốn. Năm 2014, SCIC mới thoái vốn được 76/hơn 400 DN buộc phải thoái vốn trong năm 2014 -2015.

Rõ ràng, ý chí và quyết tâm thực hiện CPH là có, nhưng tiến độ diễn ra vẫn khá chậm. Câu hỏi đặt ra là mục tiêu CPH 432 DN vào năm nay liệu có khả thi? Chất lượng của DN thực hiện CPH có được đánh giá đúng để không phải chạy theo phong trào? Hơn nữa, DN vẫn hoạt động kém sau quá trình CPH đang là lo ngại lớn, đòi hỏi cơ chế chính sách buộc DNNN phải cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng, công khai; chuẩn mực tài chính kế toán phải gắt gao hơn. Cũng có ý kiến từ các DN cho rằng sở dĩ hoạt động thoái vốn chậm do việc đấu giá cổ phần còn chậm, nhiều DN đồng loạt thoái vốn nên thị trường trở nên quá tải, khó bán ra.

Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc CPH chậm chạp do DN chưa chủ động trong việc phối hợp với ban chỉ đạo và các bộ chuyên ngành để xử lý các vấn đề tồn tại trước khi CPH. Nhiều đơn vị cũng chưa chủ động xây dựng hình ảnh, tiến hành tổ chức giới thiệu đề án CPH để kêu gọi nhà đầu tư. Điều này dẫn đến nhiều DN có tiềm năng thực sự nhưng chưa được nhà đầu tư quan tâm và việc đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) đã thất bại.

Nhà đầu tư lớn khó vào

Giữa tháng 11-2014, công ty mẹ - TCT Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức IPO hơn 49 triệu cổ phần. Kết quả 100% lượng cổ phần chào bán được mua hết, trong đó có 2 nhà đầu tư tổ chức đặt mua hơn 48,3 triệu cổ phần là Vietcombank và Techcombank. Đây là một trong những thương vụ IPO được chờ đợi nhất vì Vietnam Airlines là một thương hiệu lớn.

Nhưng nhiều người tỏ ra thất vọng vì số lượng bán đấu giá ra bên ngoài chỉ chiếm 3,48% vốn và Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối 75% trong giai đoạn đầu. Tương tự, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vinatex sau IPO vẫn lớn khiến không ít nhà đầu tư băn khoăn. Sau IPO, cơ cấu vốn của TĐ này sẽ là 51% Nhà nước, 24% nhà đầu tư chiến lược, 0,6% người lao động và 24,4% các nhà đầu tư khác.

Cùng với Vietnam Airlines, Vinatex, nhiều đợt IPO của các DNNN lớn khác đều khá thành công, như Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Vocarimex, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, PVCFC), Seaprodex… Trong khi đó những cái tên như TCT Xây dựng Hà Nội (Hancorp), TCT Vận tải thủy Việt Nam (Vivaso), TCT Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor)… lại gây thất vọng với kết quả IPO đạt khá thấp so với kế hoạch. Chẳng hạn Hancorp chỉ đấu giá thành công 1,57 triệu cổ phần trong số gần 50 triệu cổ phần chào bán. Hoặc những DN thuộc ngành cảng biển, xây dựng đều không đạt kết quả IPO như kỳ vọng.

Thương vụ IPO của VietnamAirlines vừa qua được xem là khá thành công, nhưng nhiều nhà đầu tư lại thất vọng vì số lượng bán ra bên ngoài quá ít.

Thương vụ IPO của VietnamAirlines vừa qua được xem là khá thành công,
nhưng nhiều nhà đầu tư lại thất vọng vì số lượng bán ra bên ngoài quá ít.

Những đơn vị kinh doanh không hiệu quả và nhà đầu tư không mặn mà dẫn đến kết quả chào bán thấp là điều dễ hiểu. Nhưng một số kết quả IPO thành công cũng được cho do số lượng bán ra quá ít và thiếu hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn. Theo giới phân tích, những trường hợp chưa thu hút được nhà đầu tư bởi tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các DN sau IPO vẫn còn quá lớn.

Với tỷ lệ sở hữu này, nhà đầu tư chiến lược rất khó can thiệp để cải thiện tình hình quản trị nâng cao hiệu quả cho DN sau CPH. Trường hợp CPH ở Vietnam Airlines được cho là điển hình khi Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ chi phối khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà. Ngoài ra, nhiều tổ chức nước ngoài muốn mua cổ phần DNNN nhưng e ngại chất lượng quản trị điều hành của DNNN. Một trong những vướng mắc quan trọng khác làm cho cổ phiếu kém hấp dẫn trong các đợt IPO là định giá tài sản DN còn quá cao và giá chào bán không hấp dẫn nhà đầu tư. Điều này được thể hiện rõ qua việc khá nhiều đợt IPO trong năm 2014 đã thất bại.

Các tin khác