Chấn chỉnh chất lượng gameshow

Trong vài năm gần đây, các gameshow xuất hiện dày đặc trên truyền hình. Khác với những hào hứng ban đầu, càng ngày các gameshow càng khiến khán giả ái ngại về nội dung và hình thức thể hiện. Nhằm chấn chỉnh chất lượng các gameshow, Bộ Thông tin-Truyền thông đã ra thông báo không xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết cho VTV với đối tác liên kết mà trước đó đã để xảy ra sai phạm nhiều lần.

Trong vài năm gần đây, các gameshow xuất hiện dày đặc trên truyền hình. Khác với những hào hứng ban đầu, càng ngày các gameshow càng khiến khán giả ái ngại về nội dung và hình thức thể hiện. Nhằm chấn chỉnh chất lượng các gameshow, Bộ Thông tin-Truyền thông đã ra thông báo không xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết cho VTV với đối tác liên kết mà trước đó đã để xảy ra sai phạm nhiều lần.

Theo thông báo đó, các chương trình “Đẹp Việt”, “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”, “Sáng tạo Việt”, “Cái lý - cái tình” sẽ không được xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết. Còn các chương trình “Chuyện đêm muộn”, “Khí phách Việt Nam”, “Tìm kiếm tài năng châu Á” mới được VTV gửi tờ khai đăng ký các chương trình liên kết cũng không được xử lý hồ sơ xem xét trình cấp giấy chứng nhận để VTV có các biện pháp tăng cường công tác kiểm soát các chương trình trước khi phát sóng.

Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, từ năm 2013 đến nay VTV đã để xảy ra 51 sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng và bị xử phạt trên 100 triệu đồng. Thí dụ, chương trình “Nhân tố bí ẩn” có 2 lần sai phạm. Lần 1 là chương trình lúc 21 giờ ngày 30-4-2014 có nội dung thí sinh của chương trình lừa dối khán giả về thông tin cá nhân của mình (thí sinh Huyền Minh thực chất là ca sĩ Anh Thúy). Lần 2 là chương trình ngày 12-10-2014 đã phát sóng tiết mục của nhóm F-Band sử dụng chiếc khăn piêu (biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái) không đúng và không thích hợp, tạo bức xúc xã hội.

Hầu hết các gameshow trên VTV đều do các công ty liên kết tổ chức thực hiện. Vai trò VTV tương đối mờ nhạt trong sự thành bại của các gameshow được phát sóng trên các kênh truyền hình quốc gia, đặc biệt là VTV3. Những đối tác có nhiều chương trình liên kết với VTV như Cát Tiên Sa, BHD hay Sóng Vàng đều xảy ra sai sót gây bất bình dư luận.

Quyết định của Bộ Thông tin-Truyền thông chính là một lời cảnh báo nghiêm khắc để VTV tự điều chỉnh lại các gameshow đang liên kết thực hiện. Bởi lẽ, nếu các gameshow luôn muốn tạo scandal để thu hút khán giả và thu hút quảng cáo, chất lượng truyền hình Việt Nam sẽ tuột dốc. Mặt khác, hiện nay màn ảnh nhỏ đã bội thực các gameshow ca hát và nhảy múa, nhưng lại thiếu vắng các gameshow mang tính giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống.

Các tin khác