Cầm vàng lại để vàng rơi

Với 16 di sản được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới, hơn 4 vạn di tích và danh lam thắng cảnh phong phú, khai thác giá trị di sản trong hoạt động du lịch vẫn luôn được xem là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, khi các chương trình kích cầu du lịch cho năm 2015 đã được triển khai rầm rộ, du lịch di sản vẫn tiếp tục gây nhiều băn khoăn.

Với 16 di sản được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới, hơn 4 vạn di tích và danh lam thắng cảnh phong phú, khai thác giá trị di sản trong hoạt động du lịch vẫn luôn được xem là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, khi các chương trình kích cầu du lịch cho năm 2015 đã được triển khai rầm rộ, du lịch di sản vẫn tiếp tục gây nhiều băn khoăn.

Du lịch đại trà

“Du lịch đại trà” là cụm từ được đề cập đến rất nhiều kể từ sau kế hoạch xây dựng cáp treo lên đỉnh Fansipan và đặc biệt là trong hang Sơn Đoòng được đề xuất. Việc có một hệ thống các di sản đa dạng - “núi vàng” cho du lịch - nhưng lại không phân loại thành những loại hình du lịch đặc thù, không biết giữ gìn và phát huy sự độc đáo mà thay vào đó lại muốn lấy số lượng du khách bù vào chất lượng đã khiến du lịch di sản Việt Nam đứng trước nguy cơ nhạt nhòa, không điểm nhấn.

Theo các chuyên gia, có thể nhìn sang Kinabalu, ngọn núi cao nhất Đông Nam Á và là biểu tượng của Malaysia, để thấy du lịch di sản của nước ta đang bị đại trà hóa. Dù rất nổi tiếng nhưng mỗi ngày cũng chỉ 120 người được phép lên ngọn núi này và phải đăng ký trước từ 5-7 tháng. Nhờ cách làm này, không chỉ việc bảo vệ di sản được tốt hơn mà giá trị của di sản này cũng tăng lên vượt bậc.

Hậu quả của việc đại trà có thể thấy rõ ràng qua Vịnh Hạ Long. Sức hút từ cảnh quan của di sản thiên nhiên thế giới cùng nguồn lợi về du lịch đã khiến vùng vịnh tuyệt đẹp này nhanh chóng quá tải.

Với số khách tham quan hàng năm khoảng 2,5 triệu lượt người với hơn 500 tàu thuyền các loại vận chuyển hàng ngàn lượt khách mỗi ngày, trong đó ngày cao điểm là hơn 20.000 lượt người đi thăm vịnh, có thể thấy di sản này đang phải “gồng mình” trước sức ép từ ngành du lịch. Không chỉ vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An cùng một số di sản khác cũng đứng trước nguy cơ xuống cấp khi cách làm du lịch chỉ là “ăn” mãi vào di sản, thu hút càng nhiều khách càng tốt thay vì duy tu bảo dưỡng.

Phố cổ Hội An, di sản cũng đang phải chịu nhiều áp lực từ du lịch.

Phố cổ Hội An, di sản cũng đang phải chịu nhiều áp lực từ du lịch.

Có thể lấy thêm một thí dụ khác là Hà Nội, địa phương có thế mạnh rất rõ ràng về du lịch di sản. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hà Nội, toàn TP sở hữu 5.175 di tích, 1.095 lễ hội dân gian cùng hàng trăm loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Chưa kể riêng Hà Nội đã có 4 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại: Bia Tiến sĩ Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long, nghệ thuật ca trù và Hội Gióng đền Phù Đổng - đền Sóc.

Tuy nhiên, thay vì tận dụng được lợi thế, Hà Nội ngày càng bị biến thành điểm trung chuyển du khách thay vì là nơi khách lưu trú và khám phá dài ngày bởi những điểm tham quan của Hà Nội rất nhạt nhòa và cũ kỹ, hầu hết chỉ xoay quanh vài địa danh quen thuộc như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn…

Không thể ăn mãi vào di sản

Mặc dù hội chợ quốc tế về du lịch lớn nhất sắp diễn ra có chủ đề “Việt Nam- đất nước của các di sản”, nhưng Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình không ngần ngại thừa nhận thực trạng có nhiều di sản, tài nguyên thiên nhiên nhưng khai thác chưa được bao nhiêu, thậm chí còn tàn phá di sản của ngành du lịch. “Để có được một di sản thế giới phải mất hàng trăm triệu năm, nhưng để phá thì rất nhanh, chỉ cần vài cáp treo, cầu, khai thác quá mức… Việc bảo vệ hiện nay mới chủ yếu nằm… trên giấy.

Thêm nữa, cần phải hiểu rằng bản thân di sản, bản thân nền văn hóa không phải là du lịch mà đó chỉ là nguyên liệu thô. Du lịch sẽ phát triển như thế nào nếu đường vào di sản không có, du khách không được bảo vệ… Biến di sản thành sản phẩm du lịch là vô cùng quan trọng mà cho đến nay chúng ta vẫn còn nhiều loay hoay” - ông Bình nhận định. Cũng theo ông Bình, dù đã có rất nhiều khởi sắc trong vấn đề liên doanh, liên kết, kích cầu, tuy nhiên, điều này vẫn chưa xứng tầm. Thậm chí nhiều DN du lịch vẫn tiếp tục kinh doanh theo cung cách đi theo, “hớt váng”, không bền vững.

Theo các chuyên gia du lịch, khái niệm “du lịch trách nhiệm” được nêu ra từ vài năm qua thực sự cần được phổ biến rộng rãi, đặc biệt ở đất nước di sản như Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện ở việc du khách có trách nhiệm giữ gìn điểm tham quan mà còn thể hiện ở người thực hiện các chính sách phát triển du lịch và triển khai các loại hình dịch vụ đón khách. Đó là hạn chế tối đa tác động tiêu cực về môi trường và xã hội, tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn và nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương, cải thiện điều kiện làm việc và tham gia vào hoạt động du lịch.

Trong mối liên kết đó, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với di sản là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là điều khiến nhiều người băn khoăn, bởi lẽ  hiện nay việc bảo vệ, giữ gìn di sản chủ yếu vẫn là công việc của Nhà nước và doanh nghiệp tham gia vào việc đồng hành cùng di sản vẫn chưa có một cơ chế thực sự rõ ràng.

Các tin khác