Hưu nhưng không hắt (K1): Tony Blair Inc.

Nhiều người cho rằng về hưu là hiu hắt, sống những tháng ngày buồn tẻ cho đến hết đời. Nhưng đối với hầu hết cựu nguyên thủ quốc gia, những tháng ngày về hưu của họ chẳng hề tẻ nhạt chút nào, thậm chí đó là thời gian họ có thể kiếm ra nhiều tiền hơn cả khi còn tại vị. Trong loạt bài này, ĐTTC sẽ giới thiệu chuyện kiếm tiền khi về hưu của một số vị nguyên thủ nổi tiếng thế giới.

Nhiều người cho rằng về hưu là hiu hắt, sống những tháng ngày buồn tẻ cho đến hết đời. Nhưng đối với hầu hết cựu nguyên thủ quốc gia, những tháng ngày về hưu của họ chẳng hề tẻ nhạt chút nào, thậm chí đó là thời gian họ có thể kiếm ra nhiều tiền hơn cả khi còn tại vị. Trong loạt bài này, ĐTTC sẽ giới thiệu chuyện kiếm tiền khi về hưu của một số vị nguyên thủ nổi tiếng thế giới.

Mới đây, một trong những cựu nguyên thủ nổi tiếng nhất thế giới đã đến thăm Việt Nam. Đó là cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Kể từ sau khi về hưu, ông Blair đã kiếm được rất nhiều tiền, đến nỗi người ta đã gọi ông là “Cỗ máy kiếm tiền Tony Blair Inc.”.

Kiếm hàng trăm tỷ mỗi năm

Tháng 7-2007, ông Tony Blair rời khỏi căn nhà số 10 đường Downing, London - nơi ông cư trú hơn 10 năm với tư cách là Thủ tướng Anh. Ông ra đi trong bối cảnh cử tri quay lưng với Công Đảng của ông và một mùa bầu cử tệ hại nhất đối với đảng này trong 35 năm qua. Tuy nhiên, có một điều an ủi là ông Blair sẽ ra đi với một tinh thần phấn chấn, ít nhất về mặt kinh tế.

“Bây giờ là lúc chúng tôi nên ra đi và kiếm tiền” - tờ Daily Mail cho biết bà Cherie Blair đã nói với bạn bè như vậy. Và quả thật, kể từ khi về hưu, ông Blair thực sự trở thành một cỗ máy kiếm tiền vào hàng “khủng” trên thế giới.

Ngoài việc được hưởng lương hưu và các loại hình trợ cấp, dịch vụ của một nguyên thủ về hưu trị giá 2 triệu bảng/năm đến hết đời. Báo chí Anh cho biết ông Blair kiếm được hàng chục triệu bảng mỗi năm. Chẳng hạn, tờ báo uy tín Telegraph cho biết trong năm 2013 ông Blair đã kiếm thêm tới 13 triệu bảng (khoảng 275 tỷ VNĐ). Nhưng đó chỉ là số tiền theo thống kê từ các tài khoản thuộc Ngân hàng Citygroup.

Thống kê tài khoản của một mạng lưới các công ty thuộc về ông Blair cho thấy lợi ích kinh doanh của ông trên thế giới đang bùng nổ. Mỗi công ty của ông đạt lợi nhuận gần 2 triệu bảng, trong khi vốn cổ đông của 2 công ty tổng cộng 7 triệu bảng. Tài sản của ông Blair (tính đến tháng 1-2014) ước tính khoảng 70 triệu bảng, trong đó có 1 nhà phố ở London, 1 khu đất và một số tài sản khác.

Ông Blair điều hành đế chế kinh doanh của mình thông qua mạng lưới công ty và quan hệ đối tác phức tạp, đứng đầu là 2 công ty Windrush Ventures Limited và Firerush Ventures Limited được thành lập sau khi ông rời nhiệm sở. Thông qua các công ty, ông Blair điều hành hoạt động tư vấn toàn cầu của mình.

Theo đó, Windrush Ventures có vai trò cung cấp ngân sách và thu phí cho hoạt động tư vấn chính phủ của ông Blair về cách thực hiện các chính sách và cải cách theo mô hình lúc ông còn đương nhiệm. Firerush Ventures quản lý các nguồn tài trợ và nhóm của ông Blair hoạt động trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp và các quỹ toàn quyền. Cả 2 công ty hoạt động dưới sự bảo trợ của Tập đoàn Tony Blair Associates (TBA).

Những hình ảnh đầy đủ nhất đến từ các tài khoản của Windrush Ventures Limited, cho thấy nó có doanh thu 14,9 triệu bảng trong năm tài chính kết thúc ngày 31-3-2013; lợi nhuận sau thuế gần 2 triệu bảng Anh, tăng 650.000 bảng so với năm trước.

Tiền trong ngân hàng và két của công ty tổng cộng 8,8 triệu bảng, tăng so với 1,5 triệu bảng năm trước. Windrush có 35 công nhân viên với tiền lương gần 3 triệu bảng, cao hơn gần 1 triệu bảng so với năm 2012. Nhân viên của ông Blair thu nhập bình quân 86.000 bảng năm 2013, trong khi vị giám đốc lãnh lương cao nhất 273.000 bảng.

Các tài khoản cho thấy Windrush trả thuế doanh nghiệp 653.000 bảng. Mặc dù công ty này có doanh thu gần 15 triệu bảng, nó chỉ trả thuế rất ít vì có tới 12,1 triệu bảng được tính vào chi phí, bao gồm phí thuê văn phòng, tiền du lịch và khách sạn cho ông Blair và đoàn của ông. Thuế được trả chỉ tính trên lợi nhuận của công ty. ông Blair còn cho công ty Windrush Ventures No1 Limited vay 1,24 triệu bảng với lãi suất 5,5%/năm, kiếm được 75.000 bảng trong năm 2013. Firerush Ventures Limited cũng đã có 1 năm bội thu.

Các tài khoản cho thấy tiền mặt của công ty này tại ngân hàng và trong két tổng cộng 4,6 triệu bảng, tăng từ 1,2 triệu bảng năm trước, vốn cổ đông trị giá 1,6 triệu bảng. Cả 2 công ty có tiền mặt tổng cộng 13,4 triệu bảng và vốn cổ đông trị giá 7 triệu bảng. Ông Blair là chủ sở hữu cao nhất của 2 công ty này.

Thiếu minh bạch?

Ông Blair là cố vấn chính thức của Ngân hàng đầu tư JP Morgan và Zurich International, một công ty bảo hiểm toàn cầu có trụ sở ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông và đội ngũ của mình cũng tư vấn cho chính phủ các nước như Kazakhstan, một nước giàu dầu mỏ và khí đốt. Thỏa thuận này mang lại cho ông Blair hàng triệu bảng Anh, nhưng cũng khiến ông bị chỉ trích nhiều vì nhiều nước cho rằng lãnh đạo Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan là nhà độc tài.

Ông Blair cũng có những thương vụ với nước giàu khoáng sản Mông Cổ, các chính phủ ở Mỹ Latin và các quốc gia Vùng Vịnh như Kuwait và Abu Dhabi. Ông cũng thường xuyên đến Trung Quốc và Hoa Kỳ và có thể kiếm tới 250.000 bảng cho mỗi chuyến đi nhờ các bài phát biểu. Blair vốn là luật gia, có tài hùng biện, thế nên nếu chỉ tính riêng thu nhập từ các buổi diễn thuyết ông đã có thể bỏ túi mỗi năm không dưới 3 triệu bảng, với mức trung bình khoảng 120.000 bảng cho một bài diễn thuyết.

Ông Blair kiếm tiền tốt hơn các cựu nguyên thủ thế giới trước đây.

Ông Blair kiếm tiền tốt hơn các cựu nguyên thủ thế giới trước đây.

Theo truyền thông Anh, kể từ khi mãn nhiệm ông Blair kiếm được 30 triệu bảng từ các lần thuyết giảng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay chưa ai biết được chính xác con số tài sản của ông Blair. Sự giàu có của ông Blair thực chất nằm ở những giao dịch có phần thiếu minh bạch của Tập đoàn TBA. Những cuộc làm việc và viếng thăm của ông tới Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và Kuwait được đồn thổi với con số thù lao lên tới 5 triệu bảng mỗi năm.

Dù ông Blair có cố ý công khai mức thu nhập của 2 công ty Windrush và Firerush xấp xỉ 12 triệu bảng/năm, tuy nhiên lại giấu nhẹm chi tiết về nguồn gốc và cách thức tiền được chi trả cho tập đoàn. Để tránh thông tin bị rò rỉ, ông Blair đã cho lập những “mê cung” trên trang web của công ty để cập nhật thông tin hòng tránh tai mắt dư luận.

Ông Blair khẳng định ông dùng sự giàu có để cống hiến cho các quỹ từ thiện. Tiền tôi kiếm được đã giúp tôi trang trải chi phí của các quỹ. Mục tiêu thực sự của tôi là tạo ra thay đổi trên thế giới, không phải là kiếm tiền. Nếu tôi chỉ đơn giản muốn tích lũy thật nhiều tiền, có những cách đơn giản hơn và ít tốn thời gian hơn nhiều...” - ông nói trong một cuộc phỏng vấn. Hiện ông đang điều hành 2 tổ chức từ thiện toàn cầu - một về đức tin và một tổ chức phi lợi nhuận tư vấn cho các chính phủ châu Phi - cả 2 có tài khoản riêng.

(Còn tiếp)

Các tin khác