Cánh diều chơi vơi

Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam mang tên Cánh Diều vừa tổ chức vinh danh những tác phẩm xuất sắc năm 2014 vào đêm 12-3 tại TPHCM. Không chỉ quy mô khiêm tốn hơn các mùa giải trước, Cánh Diều năm nay mang lại cho công chúng một cảm giác chơi vơi. Năm 2014 được đánh giá là năm nở rộ hoạt động điện ảnh, nhưng Hội Điện ảnh lại không đủ tự tin để trao giải vàng cho bất kỳ bộ phim nào, mà trao luôn 3 giải bạc. Một thái độ dĩ hòa vi quý, hoàn toàn không có lợi cho tinh thần cổ vũ sáng tạo nghệ thuật.

Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam mang tên Cánh Diều vừa tổ chức vinh danh những tác phẩm xuất sắc năm 2014 vào đêm 12-3 tại TPHCM. Không chỉ quy mô khiêm tốn hơn các mùa giải trước, Cánh Diều năm nay mang lại cho công chúng một cảm giác chơi vơi. Năm 2014 được đánh giá là năm nở rộ hoạt động điện ảnh, nhưng Hội Điện ảnh lại không đủ tự tin để trao giải vàng cho bất kỳ bộ phim nào, mà trao luôn 3 giải bạc. Một thái độ dĩ hòa vi quý, hoàn toàn không có lợi cho tinh thần cổ vũ sáng tạo nghệ thuật.

Nhờ tham khảo những cuộc hội ngộ điện ảnh trên thế giới, giải Cánh Diều cũng thực hiện na ná như giải Oscar. Tuy nhiên, cái duy nhất chúng ta bắt chước được Hollywood là các nghệ sĩ xúng xính quần ngắn áo mỏng điệu đà trước ống kính. Ngoài nhung lụa và son phấn, giải Cánh Diều vẫn còn nhiều vụng về, và cái yếu kém nhất là không chứng minh được giá trị chuyên môn của một giải thưởng nghề nghiệp. Hầu như tất cả các giải thưởng của Cánh Diều đều nương theo dư luận và chấp nhận vui vẻ cả làng.

Cánh Diều có quyền đưa ra tiêu chí riêng của một hội chuyên ngành. Thế nhưng, có quyết liệt tuân thủ tiêu chí ấy hay không, lại là vấn đề khác. Cánh Diều trao cho những bộ phim thương mại nửa mùa như “Lạc giới” hay “Hương Ga” có khác gì mấy màn bình chọn trên các diễn đàn mạng. Hơn nữa, Cánh Diều cần phải thể hiện uy tín của một hội nghề nghiệp qua những điểm nóng gây tranh cãi. Nếu không bị phanh phui chuyện ế khách, chắc chắn “Sống cùng lịch sử” đã được trao giải vàng. Vậy thì, không trao giải cho “Sống cùng lịch sử”, không thể để trống giải vàng một cách hồn nhiên, mà cần đưa ra đánh giá của ban tổ chức Cánh Diều về trường hợp điển hình này.

Nền điện ảnh Việt Nam đang chập chững đi lên chuyên nghiệp. Chúng ta thiếu thốn mọi thứ, từ nhân lực đến vật lực. Mỗi năm chỉ có ngót nghét chục bộ phim xuất xưởng mà có đến 2 giải thưởng tầm cỡ quốc gia là Cánh Diều hàng năm và Bông Sen 2 năm lần. Bộ phim nào hụt giải ở Cánh Diều lại nhảy sang Bông Sen và ngược lại. Nên chăng, hợp nhất Cánh Diều và Bông Sen để có một giải thưởng đích thực cho nền điện ảnh nước nhà. Nhiều mâm, nhiều bát mà ít thức ăn thì người được mời vào cỗ cũng thấy ngượng ngùng.

Các tin khác