Chấn chỉnh văn bản trái luật

Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 249 văn bản; các địa phương ban hành 276 văn bản có liên quan đến kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Trong đó, có 9 văn bản cấp bộ, 20 văn bản của địa phương ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật. Đó là kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh vừa được Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 249 văn bản; các địa phương ban hành 276 văn bản có liên quan đến kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Trong đó, có 9 văn bản cấp bộ, 20 văn bản của địa phương ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật. Đó là kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh vừa được Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Không đúng thẩm quyền

 

Điều đáng nói ở đây không chỉ là chuyện các bộ, ngành và địa phương ban hành các văn bản không phù hợp với quy định của các luật hiện hành mà theo Luật Doanh nghiệp 2005 (đang có hiệu lực) và Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ 1-7-2015) thì các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Cũng theo Bộ Tư pháp, việc các bộ, UBND cấp tỉnh quy định về ngành nghề, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh buộc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ mới được thực hiện hoạt động kinh doanh là không đúng thẩm quyền.

Cụ thể, các văn bản dưới luật của các bộ Công Thương, Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính quy định về điều kiện sản xuất chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (PLG); điều kiện kinh doanh than; điều kiện kinh doanh, vận tải hành khách trên đường thủy nội địa; quy định điều kiện để làm cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu xe ô tô; đăng ký, quản lý ngành nghề kế toán là không đúng thẩm quyền.

Có 6 văn bản của các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Quảng Bình, Đắk Lắk, Nghệ An tự quy định điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề kinh doanh như: biểu diễn ca Huế; sửa chữa ô tô, mô tô, xe đạp; kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe điện bốn bánh; kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự.

Bộ Tư pháp cho rằng các ngành, nghề kinh doanh trên nếu chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, pháp luật cũng không giao cho các bộ, UBND cấp tỉnh quy định. Xuất phát từ thực tế công tác quản lý nhà nước, các bộ, ngành và địa phương phải đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định.

Trong quá trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng phát hiện có 1 văn bản của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn; 13 văn bản của các địa phương như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Quảng Ninh... quy định lặp lại các điều kiện đã được cơ quan có thẩm quyền quy định.

Quá trình kiểm tra cũng cho thấy, có 3 thông tư do Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông và 1 quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang có nội dung liên quan đến hoạt động quản lý, kinh doanh sai về nội dung, không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Trái pháp luật

Chấn chỉnh văn bản trái luật ảnh 2Việc một số bộ và UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là trái thẩm quyền, vi phạm các quy định của Quốc hội, Chính phủ. Đây là biểu hiện của sự vi phạm trật tự, kỷ cương hành chính cần được chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Chấn chỉnh văn bản trái luật ảnh 3

Báo cáo của Bộ Tư pháp

Nhìn nhận về vấn đề trên, GS.TS Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, cho rằng việc quy định về điều kiện kinh doanh với những ngành nghề kinh doanh đặc thù như hóa chất, khí hóa lỏng, vật tư nông nghiệp... là cần thiết.

Tuy nhiên, các bộ, ngành và địa phương phải căn cứ vào đặc thù từng lĩnh vực để đưa ra quy định, tránh tạo ra những rào cản, giấy phép con cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, cần đảm bảo tính thống nhất, dễ làm, dễ thực hiện, tránh sự chồng chéo giữa các văn bản gây khó doanh nghiệp và người dân.

Còn theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện Luật Đầu tư 2014 đã quy định 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Và ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ được quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị định chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc các bộ, ngành và địa phương quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện là không đúng thẩm quyền và các văn bản đó không có hiệu lực.

Người dân và doanh nghiệp không phải tuân thủ các quy định đó. Tình trạng các bộ, ngành và địa phương ban hành văn bản dưới luật quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ có 2 trường hợp: xuất phát từ thực tế công tác quản lý hoặc tạo rào cản kinh doanh, gây khó cho doanh nghiệp. Trường hợp thứ hai là không chấp nhận được.

Còn nếu xuất phát từ thực tế công tác quản lý nhà nước của các ngành, địa phương thì cũng không đúng thẩm quyền. Việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, lấp đầy những khoảng trống là cần thiết. Các bộ, ngành và địa phương cần đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để ban hành các văn bản sửa đổi kịp thời, không thể tự ý ban hành các quy định trái luật.

Để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các tổ chức, cá nhân được Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, UBND cấp tỉnh tự kiểm tra, xử lý các văn bản trái luật, không còn phù hợp với quy định hiện hành. Đồng thời, rà soát lại các văn bản quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để kịp thời kiến nghị, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ những quy định đã được ban hành không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Các tin khác