Tăng trưởng tín dụng và hiệu quả?

Tăng trưởng tín dụng năm 2014 được NHNN đánh giá là đạt được mục tiêu đề ra nhưng vẫn chưa thực sự tạo được hiệu quả cao cho sự hồi phục của nền kinh tế. Rõ ràng năm 2015 cần phải giải quyết những rào cản tồn đọng để tín dụng không chỉ tập trung vào nhu cầu sản xuất kinh doanh ngắn hạn, mà còn được hấp thụ đối với nhu cầu đầu tư trung và dài hạn để phát triển kinh tế tư nhân, giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững.

Tăng trưởng tín dụng năm 2014 được NHNN đánh giá là đạt được mục tiêu đề ra nhưng vẫn chưa thực sự tạo được hiệu quả cao cho sự hồi phục của nền kinh tế. Rõ ràng năm 2015 cần phải giải quyết những rào cản tồn đọng để tín dụng không chỉ tập trung vào nhu cầu sản xuất kinh doanh ngắn hạn, mà còn được hấp thụ đối với nhu cầu đầu tư trung và dài hạn để phát triển kinh tế tư nhân, giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững.

Tăng trưởng cao, hiệu quả thấp

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 22-12-2014, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,62% (cùng kỳ năm 2013 tăng 12,51%). Trong khi đó, số liệu của NHNN công bố tại phiên họp báo thường kỳ tháng 12-2014 cho biết, đến ngày 19-12-2014 tín dụng đã tăng 11,8% so với cuối năm 2013. Đây cũng là các số liệu gần nhất được công bố về tình hình tăng trưởng tín dụng trong năm 2014.

Năm 2015, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng 13-15% so với định hướng 12-14% đặt ra cho năm 2014, đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ có một lượng vốn lớn hơn để đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng được yêu cầu phải có hiệu quả hơn đối với nền kinh tế, tức ngoài tạo vốn cho DN sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, còn phải tạo cơ hội, kích thích cho DN mở rộng đầu tư sản xuất dài hạn.

Diễn biến tăng trưởng tín dụng năm 2014 tiếp tục ghi nhận tình trạng tăng vọt của những tháng cuối năm như vẫn thường xảy ra trong những năm gần đây. Cụ thể, trong gần 3 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm 1,05% so với cuối năm 2013, cuối tháng 4 tăng trưởng 0,62%, cuối tháng 5 đạt 1,31%, cuối tháng 6 đạt 3,52%, cuối tháng 7 đạt 3,68%.

Nhưng từ tháng 8 trở đi tín dụng lại có những bước tăng nhảy vọt, đến cuối tháng 8 tăng 5,82%, cuối tháng 9 đạt 7,26%, cuối tháng 10 là 7,85%, đến ngày 27-11 là 10,22% và đến ngày 19-12 NHNN cho biết tín dụng đạt 11,8% kèm dự báo sẽ đạt mục tiêu 13% trong năm 2014. Cho đến nay NHNN vẫn chưa công bố số liệu chính thức về mức tăng trưởng tín dụng của năm 2014.

Việc tăng trưởng tín dụng thường nhảy vọt trong những năm gần đây được nhiều chuyên gia nghi ngại tăng trưởng "ảo", NHNN cũng giải thích theo quy luật tín dụng tăng thấp những tháng đầu năm và tăng cao vào thời điểm cuối năm, điều này phù hợp khi nhu cầu mua sắm dự trữ hàng Tết xuất hiện.

Trong khi đó, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), khi tín dụng tăng trưởng thấp đồng nghĩa với việc đầu tư của các doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước cũng thấp theo. Điều này phản ánh niềm tin của người tiêu dùng, DN và cả NH cũng ở mức thấp.

Còn nếu cho rằng diễn biến tăng trưởng tín dụng những năm gần đây chỉ xuất hiện vào những đợt cao điểm ngắn hạn, khi thị trường cần sản xuất nguồn hàng lớn để tiêu thụ. Như vậy những thời điểm bình thường tín dụng vẫn nghẽn, nhu cầu đầu tư tư nhân để mở rộng sản xuất, kinh doanh không nhiều. Trong khi đó, muốn tái cấu trúc nền kinh tế, hồi phục tăng trưởng trong dài hạn rất cần đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân.

Sức cầu và lãi suất

Hiện NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để khơi thông tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận định nhiều chuyên gia, năm 2015 tăng trưởng tín dụng vẫn còn một số rào cản. Cụ thể, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định song mức độ ổn định chưa vững chắc vì còn các vấn đề đang lo ngại như ngân sách nợ công và sức khỏe hệ thống NHTM.

Hiện tổng cầu bao gồm giá cả, tổng đầu tư, thị trường xuất khẩu vẫn tăng, nhưng nếu so sánh với những năm trước vẫn ở mức thấp. Khi sức cầu của nền kinh tế thấp, khả năng hấp thụ tín dụng cũng sẽ thấp. Song song đó, những vướng mắc trong thủ tục vay vốn vẫn chưa được cải thiện sẽ khiến DN khó tiếp cận vốn. Đây là những vấn đề cần phải tập trung xử lý.

Ngoài ra, để tín dụng tăng trưởng và có hiệu quả, ngành NH còn phải sớm giải quyết bài toán giảm lãi suất cho vay trung hạn để kích thích nhu cầu vốn đầu tư mới của các DN tốt thay vì chỉ cho vay ngắn hạn để sản xuất như hiện nay.

Theo NHNN, tính đến tháng 12-2014, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/ năm, thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Nhưng Hiệp hội DN TPHCM cho biết, lãi suất trung và dài hạn vẫn ở mức cao so với sức chịu đựng của DN. Đồng thời, các khoản vay trung hạn trước đây đã cam kết lãi suất hiện không thay đổi, tạo nên gánh nặng rất lớn cho DN, dễ gây tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến tín dụng.

NHNN cho biết đang kêu gọi các NH tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn thêm 1-1,5%/năm, vì vậy DN kỳ vọng NH sẽ sớm hưởng ứng và cũng sẽ có giải pháp để giảm lãi suất các khoản vay cũ, giảm áp lực cho nợ tồn đọng của DN vay đầu tư.

Rào cản nợ xấu

Một rào cản được xem là vướng mắc lớn nhất và đáng lo ngại nhất đối với tăng trưởng tín dụng là nợ xấu. Nếu nợ xấu không được đẩy nhanh xử lý thì nghẽn tín dụng vẫn tiếp diễn, vì NH sẽ thận trọng hơn trong cho vay và DN cũng thận trọng hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất dài hạn, các khoản vay được giải ngân sẽ chỉ tập trung cho những kế hoạch sản xuất ngắn hạn vì khả năng trả được nợ cao hơn.

Ảnh: LONG THANH

Ảnh: LONG THANH

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định nợ xấu của hệ thống NHTM vẫn chưa được xử lý hết tận gốc rễ sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng để các DN phục hồi và phát triển, trong khi các NHTM hiện nay vẫn đang phải vật lộn với nhiều vấn đề nội bộ. Việt Nam không có ngân sách hỗ trợ xử lý nợ xấu nên việc xử lý nợ xấu mất nhiều thời gian, VAMC từ khi ra đời đến nay vẫn vừa hoạt động vừa chỉnh sửa để phù hợp với thực tế.

Đó là những khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu. Năm 2015, mục tiêu đề ra là kéo giảm nợ xấu xuống 3%, nhưng nếu muốn thực hiện được còn nhiều việc VAMC cần phải làm. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều kế hoạch của VAMC vẫn chưa được phê duyệt để tháo gỡ khó khăn trong việc mua bán nợ xấu.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa  cho rằng thời gian qua, nợ xấu được xử lý nhưng vẫn tăng lên. Chẳng hạn khi thực hiện Thông tư 09 vào ngày 1-6-2014 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, nợ xấu của ngành NH đã lập tức tăng vọt.

Như vậy khi các chuẩn mới về phân loại nợ xấu theo thông lệ quốc tế được áp dụng chặt chẽ hơn cũng sẽ xảy ra tình trạng tương tự. Hiện Việt Nam đang áp dụng các giải pháp xử lý để nợ xấu dần giảm xuống, nhưng giảm nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào khung pháp lý sắp tới sẽ thay đổi như thế nào.

Các tin khác