Lợi nhuận thấp nhưng an toàn cao

Các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc huy động vốn (đầu vào) và đầu tư một cách hiệu quả (đầu ra). ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Thế Triệu (ảnh), người điều hành Quỹ Đầu tư Năng động Eastspring Investments Việt Nam (ENF) về các áp lực này.

Các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc huy động vốn (đầu vào) và đầu tư một cách hiệu quả (đầu ra). ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Thế Triệu (ảnh), người điều hành Quỹ Đầu tư Năng động Eastspring Investments Việt Nam (ENF) về các áp lực này.

PHÓNG VIÊN: - Xin ông cho biết kết quả hoạt động của ENF trong năm 2014 vừa qua?

Ông NGÔ THẾ TRIỆU: - Tính từ thời điểm ENF ra đời vào cuối tháng 3-2014, lúc đó VN Index ở tại vùng đỉnh, cho đến khi kết thúc năm chỉ số này giảm khoảng 7-8%, nhưng kèm theo đó lại có cổ tức trung bình toàn thị trường khoảng 3%, nên tỷ lệ giảm chỉ còn khoảng 4-5%. Trong cùng khoảng thời gian này, tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) của ENF vẫn đạt khoảng 6%, vốn huy động xấp xỉ 70 tỷ đồng.

- Theo thống kê của ông có vẻ ENF đã “thắng thị trường” (outperform) nhưng tỷ lệ tăng trưởng NAV của quỹ có thể không gây được ấn tượng với một số NĐT, nhất là NĐT cá nhân?

- Tôi đồng ý rằng một khi NĐT đã đem tiền đi đầu tư hoặc góp vào quỹ, ưu tiên hàng đầu của các bên là hiệu quả và lợi nhuận. Nhưng để đánh giá hoạt động của quỹ đầu tư, ngoài lợi nhuận cần phải xem xét thêm một số tiêu chí khác.

Chẳng hạn khi thành lập Quỹ ENF, tiêu chí của chúng tôi trước tiên là bảo vệ tiền cho NĐT, nghĩa là trong trường hợp thị trường giảm tỷ lệ giảm của ENF sẽ thấp hơn thị trường chung, còn nếu có lãi cao hơn tỷ lệ chung của thị trường một khoảng nhất định.

Thực ra, không phải NĐT nào cũng mong lãi lớn, có những người chỉ cần tiền của họ an toàn và có một mức sinh lời tốt hơn gửi ngân hàng là ổn. Mỗi quỹ được lập ra cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của một hoặc một vài nhóm NĐT nhất định. Do TTCK chúng ta quy mô chưa lớn, số lượng NĐT tham gia chưa nhiều, nên sự khác biệt giữa các nhóm NĐT chưa bộc lộ rõ, điều này cũng là một thách thức trong việc thành lập quỹ.

Ngoài lợi nhuận, quỹ đầu tư cần phải thực hiện một cách nhất quán các tiêu chí đã đặt ra từ ban đầu để tạo niềm tin và sự minh bạch với các NĐT. Theo quan điểm cá nhân tôi, để một quỹ tích lũy được bản sắc, uy tín và giá trị của mình cần phải mất vài năm chứ không thể chỉ trong vài tháng. 

- Ông suy nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng do quá thận trọng nên các quỹ thường bỏ lỡ việc tham gia từ đầu mỗi đợt sóng tăng dẫn đến lợi nhuận thấp hoặc thậm chí phải mua đỉnh?

- Việc huy động vốn cho các quỹ trong nước vẫn gặp nhiều thách thức và thường chỉ khi hưng phấn nhất, dư dả nhất, NĐT mới bỏ tiền vào quỹ. Nhưng đó cũng là thời điểm TTCK có giá cao, thậm chí bước vào vùng đỉnh. Khi quỹ huy động được vốn cũng phải chịu áp lực giải ngân, nên cũng khó lòng giữ một số tiền mà ngồi yên.

Đó là rủi ro mang tính khách quan và không dễ kiểm soát. Còn việc lỡ sóng, tôi có thể khẳng định việc bắt sóng (market timing) là rất khó khăn cho bất kỳ quỹ đầu tư hay NĐT nào, nên không chỉ riêng ENF mà còn có những quỹ khác không chọn giải pháp bắt sóng, hay nói nôm na là mua đáy bán đỉnh.

Tuy nhiên, nếu đầu tư dài hạn, có chiến lược và đặc biệt là có kỷ luật thì dù khi mới tham gia có bị “trật sóng”, mua vào giá cao, về mặt dài hạn vẫn sẽ có lợi nhuận tích cực.

- Như vậy áp lực dành cho những người điều hành quỹ như ông sẽ rất lớn, vì dù có mục tiêu dài hạn nhưng sức ép vẫn luôn hiện hữu trong ngắn hạn?

- Mỗi quỹ đều có các tiêu chí đầu tư riêng và một hội đồng đầu tư. Tuy nhiên, những gì gọi là nguyên tắc, hệ thống sẵn có chỉ chiếm 50% khi ra quyết định đầu tư, 50% còn lại sẽ phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm và cảm nhận của người quản lý quỹ (fund manager).

Tôi lấy thí dụ, một CP có tiềm năng nhưng giá rẻ, thanh khoản thấp, thông tin chưa rõ ràng thường sẽ không thu hút được nhiều NĐT, hoặc ai có để ý cũng chưa chắc dám mua mạnh. Nhưng khi thông tin khả quan được công bố rõ ràng, giá lúc đó dù đã tăng cao không phải ai cũng sẵn sàng mua.

Hay như NĐT này thấy CP kia tốt, nhưng người khác lại không tán thành. Nói vậy để thấy rằng, một CP lúc nào cũng tồn tại cơ hội và rủi ro mà không dễ để định lượng một cách rõ ràng. Xây dựng một phương pháp đầu tư bài bản, nhất quán đã khó, nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo nó sẽ phát huy hiệu quả còn khó hơn. Không chỉ sức ép từ phía NĐT mà những người điều hành quỹ còn phải chịu sức ép so sánh giữa các quỹ trong ngành với nhau.

- Ông đánh giá thế nào về TTCK Việt Nam trong năm 2015?

- Tôi nghĩ năm 2015 vẫn sẽ có nhiều cơ hội cho thị trường, nhưng để đạt được lợi nhuận và hiệu quả sẽ khó hơn năm trước. Tôi cũng kỳ vọng năm 2015 thị trường sẽ đón nhận thêm hàng hóa từ các đợt cổ phần hóa, IPO của các doanh nghiệp nhà nước. Theo quy định hiện nay, quỹ mở chỉ được giải ngân vào các doanh nghiệp IPO và niêm yết trong vòng 1 năm.

Như vậy, nếu việc niêm yết của các doanh nghiệp sau IPO được thực hiện một cách quyết liệt sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực về mặt hàng hóa, dòng tiền cho TTCK nói chung và cho các quỹ mở nói riêng. TTCK càng nhiều hàng hóa, sẽ thu hút thêm nhiều dòng tiền, thanh khoản tăng, tạo ra một triển vọng bền vững.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác