DN cà phê Việt: Có nên an phận?

Câu hỏi đặt ra cho các các doanh nghiệp (DN) cà phê Việt Nam hiện nay rằng, có nên an phận với việc bán cà phê nhân và nhìn các DN nước ngoài kiếm lời từ đầu tư chế biến sâu, vốn đang mang lại nhiều lợi nhuận?

 Câu hỏi đặt ra cho các các doanh nghiệp (DN) cà phê Việt Nam hiện nay rằng, có nên an phận với việc bán cà phê nhân và nhìn các DN nước ngoài kiếm lời từ đầu tư chế biến sâu, vốn đang mang lại nhiều lợi nhuận?

Tập đoàn cà phê lớn để mắt đến Việt Nam

 

Vừa qua, công ty con của Tập đoàn Massimo Zanetti Beverga, của Italy, đã khai trương nhà máy rang xay, chế biến cà phê đầu tiên tại Bình Dương. Đây là sự kiện được xem là “chấn động” đối với những DN cà phê. Vì thế, chẳng có gì lạ khi những “ông lớn” trong ngành cà phê ở Việt Nam đều tham dự buổi lễ này. Khách tham dự uống rượu vang mà chủ nhà mang từ Ý đến để nói chuyện về cà phê.

Theo giấy phép chứng nhận đầu tư, công ty con của Massimo Zanetti đăng ký kinh doanh rang xay cà phê, sản xuất cà phê “3 trong 1”, cà phê đen, cà phê sữa, cà phê nén dạng viên, cà phê gói và các sản phẩm khác từ cà phê.

Một trong những lý do mà Massimo Zanetti chọn Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, theo lời ông chủ tịch tập đoàn này là do cà phê robusta hiện trở thành một phần không thể thiếu trong công thức pha chế cà phê của tập đoàn này.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), đánh giá việc Massimo Zanetti đầu tư vào Việt Nam góp phần nâng cao vị thế của hạt cà phê Việt Nam trong tương lai. Đây là tín hiệu quan trọng để nhiều DN rang, xay, chế biến cà phê lớn của thế giới sẽ đặt nhà máy ở Việt Nam trong tương lai.

Có nên an phận?

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, các DN cà phê Việt Nam có nên an phận với việc bán cà phê nhân và nhìn các DN nước ngoài kiếm lời từ đầu tư chế biến sâu, vốn đang mang lại nhiều lợi nhuận.

Việc mua đi, bán lại mặt hàng cà phê vốn được xem là một việc làm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi giá cà phê có thể tăng lên rất nhanh và giảm cũng bất ngờ nên một quyết định chậm sẽ bị thua lỗ vì mua cao, bán thấp.

Về phần mình, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Intimex, DN đang chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam, cho biết việc đầu tư vào rang xay, chế biến cà phê sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn nhiều lần so với việc mua đi, bán lại cà phê nhân.

Song, ông Nam nêu quan điểm của mình: “Chúng tôi không đầu tư theo hướng rang xay vì như vậy sẽ cạnh tranh với chính những tập đoàn quá lớn trên thế giới, vốn có hàng trăm năm kinh doanh cà phê. Chúng tôi có những phân khúc thị trường riêng và tránh không trở thành đối thủ trực tiếp của những công ty này trong giai đoạn hiện nay. Nói nôm na là nước giếng không chạm nước sông”.

Ông Nam cho biết thêm bản thân những DN như Intimex đang cố gắng làm thật tốt những gì thuộc về thế mạnh và điều kiện của mình để tích lũy vốn, kinh nghiệm rồi chờ cơ hội tốt mới mở rộng thị trường. Cơ hội đó có thể là lúc những DN rang xay đó gặp khó khăn, buộc phải tái cơ cấu bằng cách bán lại nhà máy, và DN cà phê Việt có thể mua với giá thấp nhất.

Điều đáng nói, trong khi đại gia lớn trong ngành ẩn mình chờ cơ hội thì trên thị trường tiếp tục xuất hiện nhiều sản phẩm cà phê mới. Đặc điểm dễ nhận ra, ngoài những thương hiệu gắn liền với ngành cà phê như MacCoffee, Highlands Coffee, Archacafé, Đắk Hà, Phin Deli còn có những gương mặt mới không liên quan gì đến cà phê trước đó như cà phê hòa tan của công ty Gold Roast, Ajinomoto, cà phê hòa tan Big C - một nhãn hàng riêng của siêu thị BigC...

Theo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, công suất các nhà máy chế biến cà phê rang xay trong nước hiện đạt khoảng 70.000 tấn/năm, còn cà phê chế biến ở dạng "3 trong 1", "2 trong 1", cà phê hòa tan… khoảng 160.000 tấn/năm. Trong đề án quy hoạch ngành cà phê, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, lượng cà phê chế biến sâu chiếm 30% sản lượng cà phê Việt Nam. 

Các tin khác