Du lịch phố cổ Hà Nội: Cần nhiều hơn thế

Du lịch phố cổ là loại hình du lịch văn hóa được du khách nước ngoài yêu thích. Đã có hơn 1.000 năm tuổi, song du lịch phố cổ Hà Nội chưa thực sự phát triển đúng tầm.

Du lịch phố cổ là loại hình du lịch văn hóa được du khách nước ngoài yêu thích. Đã có hơn 1.000 năm tuổi, song du lịch phố cổ Hà Nội chưa thực sự phát triển đúng tầm.

Sức hút của du lịch Thủ đô

 

Khu vực phố cổ Hà Nội hiện có 121 công trình, di tích đền, chùa, miếu và hơn 1.000 công trình nhà ở có giá trị. Trong số này có hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Có những di tích nổi tiếng từ lâu thu hút được nhiều khách tham quan như ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, Đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, Đền Bạch Mã, Đình Kim Ngân 40-42 Hàng Bạc thờ tổ ngành kim hoàn… Phố cổ Hà Nội nổi bật và độc đáo với các phố nghề, phố chuyên doanh có từ lâu đời gắn với đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân Kinh kỳ.

Với việc khai trương tuyến phố đi bộ mở rộng thuộc khu vực bảo tồn cấp 1 khu phố cổ Hà Nội vào tháng 10/2014 (gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến) các hoạt động du lịch đã có sự thay đổi đáng kể. Phố Tạ Hiện sau khi được trùng tu vào năm 2011-2012 nay đã trở thành điểm đến sầm uất nhất nhì phố cổ.

Gần đây, UBND quận Hoàn Kiếm đưa những điểm tham quan, mua sắm như Hàng Da Galleria, chợ  Đồng Xuân… vào hành trình tour khiến các tour trở nên phong phú, hấp dẫn đối với du khách, tăng doanh thu cho các doanh nghiêp lữ hành, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa và tạo ra những tác động tích cực với đời sống xã hội tại khu phố cổ.

Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động quảng bá giới thiệu nghề, sản phẩm thủ công truyền thống, tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian như múa rối, hát tuồng, chầu văn hằng tuần để mang tới cho du khách thêm thông tin và hiểu biết về khu phố đã nghìn năm tuổi của Việt Nam.

Phố cổ Hà Nội là điểm có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch và thực tế đây là sức hút chính của Hà Nội với du khách. Song mặc dù đã khai thác du lịch từ lâu nhưng phố cổ Hà Nội chưa phát triển tương xứng với giá trị, tiềm năng sẵn có.

Hấp dẫn hơn thế

Phố cổ có nhiều điểm, di tích để tham quan, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống phong phú giàu bản sắc song chưa được kết nối thành tour tuyến một cách chuyên nghiệp để vừa hiệu quả về kinh tế lại vừa mang đến cho du khách những trải nghiệm sâu sắc, ấn tượng.

Các tour phố cổ hiện nay đều có lịch trình chung là đi xe điện quanh các tuyến phố, tham quan một số di tích cổ, xem múa rối nước và thưởng thức một số món ăn truyền thống Hà Nội. Trong khi đó, phố cổ Hà Nội thực sự có nhiều hơn thế.

Những câu lạc bộ hát chầu văn, những đêm trình diễn nghề truyền thống tại các Trung tâm, ngôi nhà du lịch do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức chưa được nhiều công ty lữ hành biết đến. Tọa lạc ngay giữa tuyến phố trung tâm của phố cổ là Nhà hát Tuồng Việt Nam, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc chưa thực sự được khai thác tốt về du lịch.

Cách đây 1 năm, với sự hỗ trợ của Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã cho ra đời nhiều sản phẩm để phục vụ khách du lịch. Đó là sản phẩm xem trình diễn nghệ thuật tuồng trọn gói trong vòng 1-2 tiếng. Chỉ với 150.000 đồng/vé, khách du lịch sẽ được thưởng thức các tiết mục tuồng cổ đặc sắc, được tham gia vẽ mặt nạ tuồng, mặc quần áo diễn chụp ảnh, tham quan các đạo cụ diễn tuồng và giao lưu với các nghệ sĩ.

NSND Hương Thơm, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho hay: “Ngoài các buổi tối thứ hai, thứ năm, chủ nhật hằng tuần, bất cứ khi nào khách du lịch có nhu cầu chúng tôi đều phục vụ. Nhà hát Tuồng có 87 diễn viên, đủ để phục vụ khách du lịch tất cả các ngày trong tuần. Dù chỉ có 2 khách chúng tôi vẫn diễn hết mình”.

Nhà hát Tuồng Việt Nam đang có kế hoạch cùng với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức các buổi trình diễn tại các ngôi nhà du lịch, những lễ hội hóa trang đường phố trong một số dịp nhất định vừa để quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống này đến với du khách, vừa thêm sắc màu, sự phong phú các hoạt động sinh hoạt văn hóa cho phố cổ.

UBND quận Hoàn Kiếm cũng đang tính toán việc phát triển Trung tâm thương mại Hàng Da (Hàng Da Galleria) thành một điểm mua sắm, tham quan, trình diễn nghệ thuật truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề kết hợp với thưởng thức ẩm thực.

Hàng Da Galleria nằm ở trung tâm phố cổ, đối diện với rạp Hồng Hà (Nhà hát Tuồng Việt Nam). Ban Quản lý phố cổ dự kiến xây dựng Hàng Da Galleria là điểm dừng cuối để mua sắm, thưởng thức ẩm thực truyền thống sau khi du khách thưởng thức nghệ thuật tuồng và tham quan các di tích phố cổ.

Hàng Da Galleria cũng sẽ trở thành một trung tâm du lịch với dự kiến 140 gian hàng kinh doanh các sản phẩm nghệ thuật thủ công truyền thống, tổ chức các hoạt động nghệ thuật như hát ca trù, triển lãm tranh, trình diễn các cách làm sản phẩm thủ công, món ăn truyền thống tại chỗ và mời khách cùng tham gia, thưởng thức.

Sản phẩm du lịch văn hóa ở phố cổ Hà Nội có rất nhiều, nhưng chưa được kết nối và thông tin chưa đến được với các công ty lữ hành.

Giám đốc Công ty Golden Tour Phạm Tiến Dũng cho hay: “Hiện tại có rất nhiều điểm bán hàng trong phố cổ nhưng DN lữ hành chúng tôi không có thông tin đâu là cửa hàng đạt chuẩn. Tiêu chí đạt chuẩn của những điểm bán hàng này cũng chưa rõ ràng, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng còn chưa tốt. Một số điểm di tích rất hấp dẫn đã được bảo tồn song không có thuyết minh viên điểm đến bằng tiếng nước ngoài hộ trợ du khách”.

Để khai thác du lịch phố cổ một cách bài bản và hiệu quả hơn, ông Dương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết quận sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu du lịch khu phố cổ Hà Nội, triển khai các dự án trùng tu công trình có giá trị, khôi phục phố nghề, đình thờ tổ nghề, tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, hỗ trợ xây dựng các tour, tuyến điểm, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đến với du khách.

Các tin khác