Để người dân, DN không còn kêu ca về TTHC

Năm 2014, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ ngành, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp thiết thực vào việc phát triển KT-XH.

Năm 2014, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ ngành, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp thiết thực vào việc phát triển KT-XH.

 

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong quá trình tiếp cận với các thủ tục hành chính và cơ quan công quyền.

TS. Ngô Hải Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) đã trao đổi về những giải pháp trong năm 2015.

Quyết liệt duy trì thành quả Đề án 30

Phóng viên: - Thưa ông, xin ông cho biết công tác kiểm soát TTHC đem lại lợi ích thiết thực như thế nào trong đời sống hiện nay?

Ông Ngô Hải Phan: - Để duy trì thành quả CCTTHC sau Đề án 30, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC. Nghị định số 63/2010/NĐ-CP là quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Chính phủ về cải cách thể chế, trong đó tập trung vào CCTTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Nghị định đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng của Đảng, Quốc hội về CCTTHC nêu tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; đồng thời được đúc rút từ những bài học kinh nghiệm sau nhiều năm triển khai nhằm mục tiêu duy trì tính bền vững, tiếp tục cắt giảm gánh nặng hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và an ninh trật tự của đất nước, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

- Kết quả việc thực thi 25 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về CCTTHC được thực hiện đến nay như thế nào? Cần có giải pháp gì để đưa 25 nghị quyết này đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả?

- Kết thúc đề án 30, cuối năm 2010 Chính phủ đã ban hành 25 nghị quyết chuyên đề thông qua phương án đơn giản hóa trên 4.700 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của người đúng đầu các bộ, ngành, đến nay các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa trên 4.300 TTHC.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC tại một số bộ, ngành còn chậm là do lực cản ngay từ chính nội tại của bộ, ngành đó; ngoài ra việc cải cách còn phải tuân thủ theo quy trình ban hành và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Ở nước ta, TTHC phải sửa đổi nằm ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau từ luật đến thông tư, nhiều thủ tục còn do văn bản địa phương quy định.  Do đó, việc sửa đổi, bãi bỏ những thủ tục này bắt buộc phải qua nhiều công đoạn phức tạp mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thực hiện theo quy trình rút gọn.

Để thúc đẩy việc thực thi phương án đơn giản hóa TTHC nêu tại 25 nghị quyết chuyên đề về CCTTHC theo Đề án 30 và những phương án cải cách, đơn giản hóa sau Đề án này theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cần tăng cường công tác chỉ đạo điều hành và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong thực hiện.

Thực tế năm 2014 cho thấy, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp làm việc với một số bộ, ngành như Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng…, sự đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng; sự vào cuộc trách nhiệm của các đồng chí Bộ trưởng các bộ, ngành, địa phương có liên quan, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tới đây theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong thực hiện CCTTHC.

Tìm giải pháp đột phá

- Công tác kiểm soát TTHC đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn về những phiền hà, sách nhiễu do cán bộ, công chức gây ra trong quá trình tiếp xúc với người dân. Chúng ta đã nói nhiều về điều này, nhưng thực sự vẫn chưa hết kêu ca từ phía người dân. Vậy giải pháp đột phá là gì, thưa ông?

- Năm 2014, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, công tác CCTTHC, kiểm soát TTHC trên toàn quốc còn một số hạn chế, yếu kém như việc đánh giá tác động của TTHC chưa thực sự nghiêm túc; việc công bố, công khai TTHC thực hiện chưa kịp thời; việc niêm yết công khai thủ tục tại nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết chưa đúng quy định, việc tổ chức thực thi 25 Nghị quyết của Chính phủ tại một số Bộ, ngành còn chậm, hiệu quả thẩm định đối với văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC chưa cao, việc theo dõi quá trình triển khai thực hiện những đề xuất sáng kiến cải cách quy định, TTHC cũng như việc xử lý phản ánh, kiến nghị chưa sâu sát, triệt để…

Đó là lý do TTHC trên nhiều lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp và tiếp tục là rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trong năm 2015 và những năm tiếp theo, các bộ, ngành địa phương cần làm tốt các công việc sau đây:

- Tập trung triển khai thành công Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015 theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 6/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm mục tiêu rà soát đơn giản hóa và cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ đối với các nhóm (13) TTHC đề ra năm 2015 và các nội dung theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014 liên quan đến thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng; và bảo đảm 100% thủ tục hành chính hiện đang thực hiện tại 4 cấp chính quyền đươc chuẩn hóa thống nhất và niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát TTHC ngay từ giai đoạn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua hoạt động thẩm định, đánh giá tác động thủ tục hành chính để không ban hành các thủ tục không cần thiết, không hợp lý và không hiệu quả.

 - Ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong giải quyết TTHC, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập cảnh; tập trung đầu tư để triển khai nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các cấp chính quyền địa phương.

- Tăng cường kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, nhất là tại chính quyền cấp cơ sở; thiết lập và sớm đưa vào vận hành hệ thông thống tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

 - Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong việc thực hiện CCTTHC. Kiện toàn đội ngũ công chức chuyên trách cải cách thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành chính cho đội ngũ này.

Nhiệm vụ cơ quan "gác cổng"

- Là cơ quan “gác cổng” về kiểm soát TTHC cho Bộ Tư pháp, Chính phủ, làm thế nào để phát huy tốt vai trò thẩm định, kiểm soát của Cục Kiểm soát TTHC và kiến nghị của Hội đồng Tư vấn trong đề xuất các sáng kiến TTHC hiện nay?

- Trong năm  2014, Cục Kiểm soát TTHC đã tham gia ‎ý kiến đối với 918 TTHC quy định tại 113 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC, trong đó, đề nghị bỏ 199 và sửa đổi 474 TT (chiếm 73% số TTHC quy định trong dự thảo); phối hợp thẩm định 716 TT tại 95 văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC, trong đó, đề nghị bỏ 108 và sửa đổi 380 TT không cần thiết, không hợp lý (chiếm 68% số TT quy định tại văn bản). Tuy nhiên, việc tiếp thu ý kiến nêu trên lại phụ thuộc vào cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC.

Thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò thẩm định, kiểm soát của Cục Kiểm soát TTHC và kiến nghị của Hội đồng Tư vấn trong đề xuất sáng kiến CCTTHC, chúng tôi phải thực hiện tốt những công việc tới đây:

- Tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, giữa Cục Kiểm soát TTHC với các đơn vị trong bộ và các nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn CCTTHC  trong thẩm định và tham gia ý kiến về TTHC quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc tham vấn các đối tượng tuân thủ TTHC và ý kiến chuyên gia đối với các quy định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ phân tích, đánh giá tác động chính sách và kỹ năng làm việc theo nhóm đối với chuyên viên của Cục và Phòng Kiểm soát TTHC tại tổ chức pháp chế các bộ, ngành,  Sở Tư pháp các địa phương.

-Từng thành viên Hội đồng Tư vấn CCTTHC cần phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, tổ chức mình trong việc nghiên cứu phản biện và đề xuất các sáng kiến cải cách, đồng thời bố trí thời gian tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động chung của Hội đồng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Các tin khác