Xuân về nơi đảo xa

Một mùa Xuân mới đang về với Trường Sa, dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng hơi ấm từ đất mẹ luôn hướng về biển đảo. Và hơn cả là ý chí quyết tâm, nỗ lực vượt qua gian lao, thử thách của quân dân nơi đây đã biến Trường Sa trở thành pháo đài hiên ngang giữa biển Đông, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Một mùa Xuân mới đang về với Trường Sa, dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng hơi ấm từ đất mẹ luôn hướng về biển đảo. Và hơn cả là ý chí quyết tâm, nỗ lực vượt qua gian lao, thử thách của quân dân nơi đây đã biến Trường Sa trở thành pháo đài hiên ngang giữa biển Đông, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Kiêu hãnh lính đảo

Chiều cuối năm, nắng hanh vàng trải dài trên cầu tàu quân cảng Cam Ranh. Khắp quân cảng cùng với những lời ca rộn ràng, hào sảng của bài hát "Nơi đảo xa": “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua...”; với những bước chân chân rầm rập, hăm hở của những người lính trẻ bước lên tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ.

Tiếng hát và nụ cười đầy hãnh diện của những tân binh trước lúc lên đường ra Trường Sa, những cái bắt tay thật chặt, cùng ánh mắt đỏ hoe nhắn nhủ, ngậm ngùi phút chia tay người thân, khiến nhiều người có mặt tại quân cảng Cam Ranh không kìm nổi sự xúc động.

Lặn lội từ vùng quê Tứ Kỳ (Hải Dương) vào Cam Ranh để tiễn cậu con trai thứ 2 - Trung úy Nguyễn Văn Chiến ra đảo Song Tử Tây, bác Nguyễn Văn Tre chia sẻ: "Tiếp bước anh trai nó, lần này cháu Chiến được ra Trường Sa, cả gia đình và bà con hàng xóm ai cũng rất vui và tự hào vì không phải ai cũng được tin tưởng và vinh dự được ra làm nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ quần đảo thiêng liêng của đất nước. Chỉ mong rằng khi ra Trường Sa, em nó luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách, khó khăn để không phụ lòng tin tưởng của mọi người, hoàn thành trọng trách và mãi xứng đáng là người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam".

Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Hoài (Cam Ranh, Khánh Hòa) cùng đứa con nhỏ bịn rịn chia tay người chồng - Thiếu tá Đỗ Đức Thành lần thứ hai ra công tác tại trạm ra đa đảo Trường Sa Lớn.

Con tàu Hải quân HQ 996 kéo từng hồi còi dài chào tạm biệt đất liền để ra khơi trong ánh hoàng hôn đang buông dần và những bàn tay vẫy mãi lưu luyến của những người đưa tiễn. Những con sóng lừng tung bọt trắng xóa, cuồn cuộn như muốn thử thách con tàu đã có hơn 20 năm ngược xuôi Cam Ranh - Trường Sa.

Trên boong tàu, hướng ánh mắt xa xăm nhìn về phía quần đảo yêu dấu của Tổ quốc, cậu lính trẻ Nguyễn Văn Phát quê Ninh Bình chia sẻ: "Những tháng ngày tới đây sẽ rất gian khổ nhưng chúng em cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên em được đón Tết ở Trường Sa nên sẽ rất ý nghĩa và khó quên”.

Mãnh liệt Trường Sa

Gần 1 tháng cùng tàu HQ 996 lênh đênh trên sóng gió Trường Sa để thu đổi quân và chuyển hàng Tết, chúng tôi may mắn được tới thăm nhiều đảo. Từ đảo nổi Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca hay đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, điều chúng tôi cảm nhận được rất rõ ràng là tất cả đều có sức sống vô cùng mãnh liệt và bền vững.

Từ những người chỉ huy dạn dày sóng gió biển Đông cho tới những cậu lính trẻ hồn nhiên đều luôn sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm son sắt giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Một điều cũng rất đáng quý với quân và dân nơi đây là tinh thần lạc quan tuyệt vời, dù cuộc sống còn gian khó và hiểm nguy nhưng họ vẫn luôn vui tươi, yêu đời và mạnh mẽ.

Ra tận cầu cảng đảo Song Tử Tây để đón chúng tôi bằng những cái bắt tay và ôm hôn thắm thiết như những người thân đi xa lâu ngày không gặp, Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên của đảo, người đã nhiều năm gắn bó với Trường Sa, vui mừng cho biết Song Tử Tây là đảo lớn nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, trên đảo có nhiều cây xanh và giếng nước lợ nên môi trường sinh thái ở đảo khá thuận lợi giúp người dân và lính đảo chăn nuôi bò, lợn, gà và trồng được nhiều rau xanh.

Cùng với đó đảo Song Tử Tây cũng xây dựng được một âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn để nơi đây trở thành địa chỉ an toàn cho ngư dân trên biển trú ngụ mỗi khi mưa bão. Hệ thống trụ sở UBND xã, nhà ở của Nhân dân và bộ đội trên đảo được xây dựng khang trang, vững chắc trước thiên nhiên khắc nghiệt. Đời sống tinh thần của quân và dân trên đảo cũng từng bước được cải thiện với đầy đủ điện gió, điện mặt trời, truyền hình vệ tinh, sóng điện thoại di động 24/24 giờ…

Từ khơi xa nhìn vào, đảo Sinh Tồn như một ngôi làng nhỏ trù phú giữa biển Đông xanh thẳm với những dãy nhà mái ngói đỏ tươi ẩn mình dưới hàng phong ba, bàng vuông xanh mướt, thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân vang.

Chỉ huy kiêm Chủ tịch xã đảo Sinh Tồn - Thiếu tá Trịnh Công Lý chia sẻ: Với tinh thần đảo là nhà, biển cả là quê hương, Sinh Tồn không chỉ là pháo đài vững chắc trên biển Đông mà còn là một trong số ít xã đảo sớm thực hiện được nông thôn mới. Trên đảo có đầy đủ công trình dân sinh thiết yếu từ điện, đường, trường, trạm cho tới hệ thống truyền thanh, truyền hình, điện thoại... giúp người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, sản xuất.

Đặc biệt, cùng với các công trình nhà văn hóa, thư viện, chùa Sinh Tồn (ngôi cổ tự ở đảo nằm ngay sát bờ biển) là điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần và tâm linh của đảo. Không chỉ có ngày lễ, tết hay rằm, ngay cả ngày thường, người dân hay lính đảo cũng thường tới chùa, nghe giảng đạo, tụng kinh cầu an và thắp nhang tưởng nhớ anh linh anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: VIỆT DŨNG (giải nhất cuộc thi Phóng sự ảnh Báo chí 2013-2014 "Những khoảnh khắc của cuộc sống").

Đảo  Trường Sa Lớn. Ảnh: VIỆT DŨNG (giải nhất cuộc thi
Phóng sự ảnh Báo chí 2013-2014 "Những khoảnh khắc của cuộc sống").

Đầm ấm Tết đảo xa

Khi mai vàng rực rỡ trong nắng phương Nam, những nụ đào hồng thắm trước gió mùa đông Bắc, cũng là lúc hoa bàng vuông ở Trường Sa kiều diễm khoe sắc trước sóng gió, báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Trong căn nhà khang trang trên đảo Song Tử Tây, không khí hạnh phúc tràn ngập gia đình anh chị Nguyễn Tuấn Kiệt và Nguyễn Thị Thanh Thoảng.

Chị Thoảng chia sẻ: “Tết này, gia đình tôi sung túc và đầy đủ hơn. Ngoài bánh kẹo, mứt, chè thuốc, cà phê, gạo nếp và hàng hóa thiết yếu từ đất liền gửi tặng, chúng tôi cũng nuôi trồng gà vịt, rau xanh. Ít bữa nữa nếu sóng yên biển lặng, vợ chồng tôi sẽ ra biển kiếm thêm ít cua, cá để bữa cơm ngày đầu năm thêm rôm rả”.

Mùa Xuân mới đang về với Trường Sa thân yêu. Và khi những chuyến tàu vượt sóng dữ cuối năm chở hàng Tết từ đất liền ra đảo, cũng là lúc sắc Xuân, không khí Tết rộn ràng, tràn ngập khắp các đơn vị trên đảo và điểm đảo. Tại trung tâm văn hóa của đảo Nam Yết rộn ràng lời ca tiếng nhạc các chiến sĩ tập văn nghệ; một số chiến sĩ khác hào hứng tham gia trang trí cành mai vàng, sắp xếp mâm ngũ quả bày lên bàn thờ Bác.

Với cánh lính trẻ lần đầu tiên ra đảo, ai cũng háo hức muốn được tự tay mình gói bánh chưng, bánh tét bằng lá bàng vuông. Trung úy Lê Bá Bình (Phân đội trưởng 2, đảo Nam Yết) bật mí: “Bánh chưng, bánh tét ở Trường Sa phía trong bao giờ cũng gói bằng lá bàng vuông, bên ngoài lá chuối hoặc lá dong”.

Ở đảo chìm dù điều kiện khó khăn, khắc nghiệt hơn nhưng những người lính nơi đây cũng được đón một cái Tết đầm ấm và đầy đủ. Thiếu úy Nguyễn Văn Thắng (quê Thái Bình) đóng chốt ở đảo Đá Thị hơn 1 năm, chia sẻ: “Ở đảo dù thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng anh em có tình đồng đội rất sâu đậm. Những ngày Tết, anh em quây quần bên nhau để chia sẻ và ôn lại những kỷ niệm, tình cảm của người thân trong gia đình. Đêm giao thừa toàn đảo tập trung nghe Chủ tịch nước chúc Tết và chúc nhau năm mới mạnh khỏe, vững tay súng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Các tin khác