Triển vọng kiều hối tăng cao

Năm 2014, lượng kiều hối chuyển về nước tiếp tục lập kỷ lục, duy trì mức tăng 1 tỷ USD/năm trong suốt 4 năm. Dự báo trong năm 2015 và 2016, kiều hối vẫn sẽ giữ vững mức tăng trưởng trên 11 tỷ USD do xu hướng kiều bào đầu tư về nước và lượng lao động xuất khẩu đang ngày càng gia tăng.

Năm 2014, lượng kiều hối chuyển về nước tiếp tục lập kỷ lục, duy trì mức tăng 1 tỷ USD/năm trong suốt 4 năm. Dự báo trong năm 2015 và 2016, kiều hối vẫn sẽ giữ vững mức tăng trưởng trên 11 tỷ USD do xu hướng kiều bào đầu tư về nước và lượng lao động xuất khẩu đang ngày càng gia tăng.

Liên tiếp lập kỷ lục

Năm 2014, lượng kiều hối chuyển về nước đạt 12 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2013. Trong đó, lượng kiều hối chuyển về qua các các ngân hàng (NH), công ty kiều hối trên địa bàn TPHCM trong năm 2014 đạt khoảng 5,1 tỷ USD, tăng 200-300 triệu USD so với năm 2013, đạt kế hoạch năm.

Các năm qua, tỷ trọng kiều hối tại TPHCM luôn chiếm khoảng 40-45% tổng lượng kiều hối cả nước. Theo thống kê của World Bank, trong vòng 10 năm qua, lượng kiều hối của Việt Nam không ngừng tăng.

Nguồn kiều hối do kiều bào chuyển về nước có vai trò quan trọng trong phát triển và ổn định nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Trong giai đoạn 2004-2006, kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của đất nước; giai đoạn 2007-2013, kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và lớn hơn cả vốn viện trợ chính thức ODA đã giải ngân.

TS. Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng CIEM

Năm 2000, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam chỉ đạt 1,75 tỷ USD, đến năm 2005 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 117% so với năm 2000. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bùng nổ nhưng kiều hối đổ về Việt Nam không sụt giảm mà còn tăng mạnh lên 7,2 tỷ USD.

Năm 2009, kiều hối sụt giảm 11,5% nhưng đến năm 2010 đạt mức 8 tỷ USD và được World Bank xếp hạng 16/20 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới và đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2011 đến nay, kiều hối liên tiếp đạt mức tăng ấn tượng với 1 tỷ USD mỗi năm, cụ thể năm 2011: 9 tỷ USD; 2012: 10 tỷ USD; 2013: 11 tỷ USD và 2014: 12 tỷ USD.

Trong Báo cáo di cư và phát triển công bố tháng 4-2014 của World Bank, Ấn Độ là nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, với 70 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc 60 tỷ USD, Philippines 25 tỷ USD và Mexico 22 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 9 trong danh sách này với 11 tỷ USD đạt được trong năm 2013. Cũng tại báo cáo này, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có lượng kiều hối tăng mạnh trong những năm gần đây.

Báo cáo “Nghiên cứu về toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây, cũng cho biết trong giai đoạn 1990-2014, kiều hối liên tục tăng trưởng với mức tăng bình quân 38,6%. Tính đến cuối năm 2013, tổng giá trị kiều hối vượt 80 tỷ USD và đến nay đã vượt mức 90 tỷ USD, tương đương 8% GDP.

Trong giai đoạn 2010-2012, kiều hối chuyển về từ Hoa Kỳ chiếm đến 57% tổng lượng kiều hối chính thức; tiếp theo là Australia với khoảng 9%, Canada 8,4%, Đức 6%, Campuchia 4% và Pháp 4%. Năm 2014, lượng kiều hối về nước tập trung từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á (các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản), trong đó lượng kiều hối từ thị trường châu Á tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tỷ trọng 5,2% tổng lượng kiều hối.

Đóng vai trò quan trọng

Việt Nam đang có khoảng 4,5 triệu kiều bào đang định cư tại khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, những năm gần đây lượng lao động xuất khẩu sang nước ngoài ngày càng tăng, hiện có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại các nước trên thế giới. 2 nhóm này đã đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh của kiều hối trong các năm qua. Chính sách thu hút kiều hối cũng linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho nguồn vốn này chảy về nước.

Cụ thể, trong Văn bản hợp nhất 21/VBHN-NHNN hướng dẫn thi hành Quyết định 170/1999/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước của NHNN, quy định từ ngày 11-12-2013, người thụ hưởng kiều hối được lựa chọn nhận ngoại tệ hoặc VNĐ (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) theo yêu cầu.

Nếu nhận bằng ngoại tệ, người thụ hưởng có các quyền sau: (1) bán cho các TCTD được phép hoặc các bàn đổi ngoại tệ; (2) gửi tiết kiệm ngoại tệ tại các TCTD được phép; (3) mở gửi vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân hoặc các TCTD được phép; (4) sử dụng vào mục đích khác theo các quy định về quản lý ngoại hối. Đặc biệt, người thụ hưởng không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ nhận được của người gửi tiền.

Kiều bào luôn mong muốn có một môi trường đầu tư tốt, thuận lợi cùng với những chính sách mới sâu rộng hơn, giải quyết những khó khăn cho Việt kiều về đầu tư tại địa phương, bởi hiện nay rất nhiều Việt kiều ưu tiên chọn địa phương đầu tư là quê quán của mình. Nếu kiều bào đầu tư ở địa phương thành công sẽ có tác động tốt đến tâm lý của các kiều bào khác, từ đó thu hút được nguồn vốn, những dự án đầu tư khác.

Ông David Dương,
Tổng giám đốc Công ty Xử lý chất thải rắn VN

Bên cạnh đó, dịch vụ chuyển nhận tiền kiều hối qua các kênh chính thức ngày càng phát triển mạnh với sự tham gia của hầu hết NHTM và khoảng 23 công ty kiều hối. Số lượng đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ đông đảo với tính chất cạnh tranh cao giúp dịch vụ chuyển nhận kiều hối không ngừng được nâng cấp an toàn, nhanh chóng và chi phí hợp lý hơn cho người nhận.

Hiện kiều hối chuyển về Việt Nam chịu phí dịch vụ khá thấp, chỉ bằng 0,05% khoản tiền gửi và tối đa không quá 200USD. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và ngoại tệ ở Việt Nam và chênh lệch lãi suất ngoại tệ giữa Việt Nam và các thị trường quốc tế cũng là yếu tố thu hút ngoại tệ chuyển về nước.

Theo nghiên cứu của CIEM, những năm qua, kiều hối chuyển về nước chủ yếu được sử dụng vào các việc như gửi tiết kiệm tại NH hoặc đầu tư kinh doanh vàng, bất động sản.

Cụ thể, kiều hối dùng vào mục đích như chi tiêu hàng ngày chiếm 35,1%; sản xuất và kinh doanh 16,2%; trả nợ 11,1%, tiết kiệm 10,5%; đóng góp xây dựng quê hương và dòng tộc 3,4%... Tại TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết trong tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn năm 2014 có đến 71,4% được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, 22,1% đầu tư vào bất động sản, còn lại gửi về cho thân nhân tại Việt Nam. Năm 2013, lượng kiều hối đầu tư vào sản xuất kinh doanh 70,2% và vào bất động sản 20%.

Nhận định về tác động của kiều hối đến nền kinh tế Việt Nam, bà Patricia Z. Riingen, Phó Chủ tịch cấp cao khu vực Đông Nam Á, châu Đại Dương của Western Union, cho rằng thời gian qua kiều hối đã có những đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, giúp cải thiện cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ ở mức cao, thu nhập bình quân gia tăng, đời sống người dân được cải thiện, đảm bảo an sinh xã hội.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, từ năm 2015 Việt Nam sẽ thực hiện các hiệp định thương mại, khi đó sẽ có thuận lợi nhưng cũng có khó khăn cho nguồn lao động trong nước, nên chắc chắn xuất khẩu lao động ra nước ngoài sẽ gia tăng và nguồn tiền kiều hối chuyển về trong nước sẽ có cơ hội tăng trưởng.

Ngoài ra, chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng sẽ hấp dẫn nguồn kiều hối của kiều bào. Lượng kiều hối chuyển về nước qua các NHTM đã giúp NH giảm được áp lực về ngoại tệ, cân đối được vốn vay ngoại tệ.

Hơn nữa, Việt Nam đang là một quốc gia nhập siêu nên kiều hối có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cân bằng cán cân thương mại. Sự tăng trưởng ổn định của kiều hối cũng giúp ổn định tỷ giá hối đoái và có tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dòng kiều hối những năm gần đây tăng trưởng ổn định nhờ Pháp lệnh ngoại hối đã được sửa đổi nhằm quản lý thị trường ngoại hối chặt chẽ; VNĐ được giữ ổn định so với USD; cơ chế linh hoạt trong việc chi trả kiều hối và các chính sách vĩ mô tốt hơn; chính sách kết nối với kiều bào được chú trọng, tạo ra ý thức đóng góp để xây dựng đất nước và trách nhiệm với gia đình.

Trong thời gian tới, để nguồn vốn này ổn định các chính sách liên qua cũng phải ổn định. Song song đó, một số kiều bào góp ý muốn dòng kiều hối tăng trưởng mạnh trong những năm tới cần có những chính sách định hướng hoặc tạo động lực đầu tư cho người Việt ở nước ngoài. Các lĩnh vực thu hút đầu tư rất đa dạng, không nên bó hẹp trong sản xuất kinh doanh, bất động sản hay chứng khoán mà cần mở rộng ra các lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe cộng đồng… để có thể phát triển dài hạn.

Hiện một số quốc gia cũng có chính sách thu hút kiều hối để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, như NH Phát triển châu Mỹ lập Quỹ đầu tư tương hỗ để liên kết với các NH tại Brazil mở quỹ kiều hối cho doanh nhân ở nước ngoài đầu tư cho những công ty kinh doanh hiệu quả trong nước. Đây là mô hình có thể học tập.

Khách hàng nhận kiều hối qua kênh Western Union. Ảnh: LONG THANH

Khách hàng nhận kiều hối qua kênh Western Union. Ảnh: LONG THANH

Tại buổi tọa đàm “Kiều bào chung sức cùng đất nước hội nhập và phát triển” vừa diễn ra, đa số kiều bào cho rằng Nhà nước cần cải thiện môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng như giao thông, viễn thông, điện nước… Một cơ sở hạ tầng ổn định cộng với hệ thống tổ chức tài chính vững mạnh, đa dạng về dịch vụ tài chính và những chính sách khuyến khích đầu tư ổn định sẽ giúp kiều bào yên tâm đầu tư về nước.

Kiều hối là nguồn tiền của cá nhân nên quyết định đầu tư như thế nào cũng là quyền của cá nhân. Nếu muốn hướng đầu tư vào những lĩnh vực Nhà nước mong muốn thì phải thể hiện rõ những lợi ích được hưởng và hiệu quả của kênh đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam cần phải sớm cải cách thủ tục hành chính và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cần được cam kết ổn định lâu dài.

Các tin khác