Quà tết

Cùng với việc chuẩn bị Tết từ mua sắm đến trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn cúng ông bà tổ tiên… biếu quà Tết cũng được chú trọng vì đây là một cách để thể hiện nghĩa tình, tấm lòng thơm thảo với gia đình, họ làng, làng xóm mỗi khi Tết đến. Tặng quà Tết không chỉ đơn thuần thể hiện quan hệ tình cảm mà còn biểu hiện phép ứng xử của đạo lý làm người và phong tục tốt đẹp này đã ăn sâu vào nếp sống người Việt.
 

Tết Nguyên đán là lễ hội cổ truyền tưng bừng và nhộn nhịp nhất trong năm. Đây cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân sum họp, đoàn tụ và thể hiện nghĩa tình qua việc thăm hỏi, cầu chúc nhau những điều tốt lành.

Cùng với việc chuẩn bị Tết từ mua sắm đến trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn cúng ông bà tổ tiên… biếu quà Tết cũng được chú trọng vì đây là một cách để thể hiện nghĩa tình, tấm lòng thơm thảo với gia đình, họ làng, làng xóm mỗi khi Tết đến. Tặng quà Tết không chỉ đơn thuần thể hiện quan hệ tình cảm mà còn biểu hiện phép ứng xử của đạo lý làm người và phong tục tốt đẹp này đã ăn sâu vào nếp sống người Việt.

Trước đây, Tết đến, nhà nào nuôi trồng, thu hoạch được thức gì sẽ mang biếu thức ấy, hoặc lựa chọn những món quà phù hợp để thể hiện tình cảm đối với từng mối quan hệ khác nhau. Như biếu cha mẹ chai rượu nếp, cân thịt, tấm vải để thể hiện lòng hiếu thảo biết ơn công sinh thành dưỡng dục; biếu anh em cặp bánh chưng, bánh tét thể hiện tình nghĩa keo sơn gắn bó; biếu người già gói trà ngon thể hiện sự kính trọng quan tâm; biếu bạn bè tấm thiệp xuân để cầu chúc những điều may mắn, hạnh phúc.

Quà biếu tuy không nặng về giá trị vật chất nhưng lại giống như một chất keo kết nối tình nghĩa giữa những người trong gia đình, họ hàng, làng xóm thêm đậm đà, gắn kết. Bởi vì chứa đựng trong những phần quà nhỏ bé đó là tình cảm, là sự quan tâm, chia sẻ của người biếu dành cho người nhận. Người biếu quà chỉ đơn thuần muốn tặng để mang lại niềm vui cho người nhận, không có suy nghĩ câu nệ về giá trị hay số lượng, người nhận đón lấy tình cảm đó không so sánh, tính toán thiệt hơn.

Khi xã hội hiện đại và phát triển hơn, người Việt cũng không quên đi tập tục biếu quà dịp Tết. Nhưng ý nghĩa cao đẹp của việc biếu quà Tết dần biến tướng theo nhịp sống thời đại, nhất là ở khu vực thành thị. Biếu quà ngày Tết đã biến tấu thành cách lấy lòng người nhận, thay vì thể hiện tấm lòng quan tâm chân thực.

Vậy nên mới có chuyện cứ vào độ giáp Tết, các nhân viên làm việc ở các cơ quan, công ty ở thành thị gặp nhau thường dò “đã đi Tết sếp chưa vậy?”. Lâu dần thành lệ, biếu quà ngày Tết để lấy lòng ngày càng được công khai như một lẽ tự nhiên. Với những quan niệm kinh tế thị trường và thực dụng như vậy, quà biếu Tết ngày càng tăng về giá trị vật chất nhưng theo đó cũng dần phai nhòa giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của tập tục xa xưa để lại.

Tình nghĩa từ món quà Tết giờ chỉ còn giới hạn trong phạm vi gia đình hay những làng quê xa xôi chưa kịp hiện đại hóa theo nhịp sống chung. Dẫu biết vậy, vẫn mong đến lúc nào đó, cuộc sống bớt đi những toan tính, mọi người sống vô tư hơn và trao gửi đi và được nhận lại những tình cảm nhiệt thành và chân tình hơn.

Để mỗi khi Tết về, người người náo nức đến nhà thăm hỏi nhau mang theo những món quà nhỏ và sau đó, niềm vui được nhân đôi khi người biếu nhận được lời cảm ơn chân thành, người nhận cảm thấy xúc động vì tấm lòng quý hóa của khách đến chơi nhà ngày Tết.

Các tin khác