Nhật Bản nâng chất FDI vào Việt Nam

Sau 41 năm kể từ ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... Chính phủ 2 nước đã không ngừng quan tâm vun đắp để mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản trong mỗi thời kỳ được nâng lên bước phát triển mới, toàn diện và sâu sắc hơn, đặc biệt là trong việc thu hút vốn đầu tư FDI của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Sau 41 năm kể từ ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... Chính phủ 2 nước đã không ngừng quan tâm vun đắp để mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản trong mỗi thời kỳ được nâng lên bước phát triển mới, toàn diện và sâu sắc hơn, đặc biệt là trong việc thu hút vốn đầu tư FDI của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp ngày càng tăng

Trong hợp tác phát triển, Nhật Bản là nhà cung cấp vốn ODA lớn nhất với khoảng 2.118 tỷ yen (khoảng 24 tỷ USD), chiếm trên 30% tổng cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam. Mức viện trợ vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam khoảng 200 tỷ yen/năm.

Nguồn vốn ODA của Nhật Bản tập trung chủ yếu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, bến cảng, các dự án năng lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua. Về đầu tư trực tiếp, trong 3 năm trở lại đây, đầu tư của Nhật Bản không ngừng tăng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính lũy kế đến hết tháng 5-2014, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 35,57 tỷ USD vốn đăng ký, tập trung tại các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai.

Các dự án của Nhật Bản được triển khai trên 18 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng, bán buôn bán lẻ, thông tin - truyền thông... Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam đang tăng cường thu hút đầu tư. Trong đó, phải kể đến dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư đăng ký 9 tỷ USD; dự án khu đô thị Tokyo Bình Dương của Công ty TNHH Becamex Tokyu do Tokyu Corp làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Sắt xốp Kobelco Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD...

Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu tại Công ty Nikkiso (Nhật Bản) trong Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu tại Công ty Nikkiso (Nhật Bản)
trong Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM.  Ảnh: Cao Thăng

Đầu tư của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp. Xu hướng này cũng nhất quán với dòng vốn FDI của Nhật Bản tại Việt Nam. Công nghiệp là ngành thu hút được phần lớn vốn FDI, trong đó các ngành công nghiệp nặng thu hút lượng vốn lớn so với các ngành công nghiệp nhẹ. Tiếp theo là ngành xây dựng, hiện đang chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong vốn FDI của Nhật Bản.

Trong công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống, các sản phẩm kim loại, hóa chất và các sản phẩm hóa chất chiếm lượng vốn đầu tư cao hơn so với các ngành dệt, may mặc, giày da. Vốn FDI của Nhật Bản vào những ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật tương đối cao nhưng khối lượng còn có thể đạt mức cao hơn nếu ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển hơn.

Về ngành dịch vụ, FDI của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào các ngành vận tải kho bãi, thông tin liên lạc, thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ và các hoạt động kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn. Hiện nay, FDI của Nhật Bản tại Việt Nam mở rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, như Tập đoàn Japan Logistic Systems Corp đã đầu tư xây dựng các kho chứa ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM; Tập đoàn Nissin đã hợp tác với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam điều hành một tàu chở hàng chuyên dùng cho các doanh  nghiệp Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về việc vận chuyển ô tô và xe máy...

Cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có 19 dự án đầu tư tại Nhật Bản với tổng vốn đăng ký 3,62 triệu USD.

Dòng vốn vào 6 ngành ưu tiên

Nhằm tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã phối hợp với các chuyên gia JICA xây dựng Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, trong đó đã xác định 6 ngành ưu tiên tập trung phát triển, gồm điện, điện tử; chế biến thực phẩm; máy nông ngiệp; đóng tàu; công nghiệp môi trường, tiết kiệm năng lượng; công nghiệp ô tô và sản xuất phụ tùng ô tô, cùng với đó là các ngành công nghiệp hỗ trợ đi kèm.

Việc xác định 6 ngành ưu tiên cùng với các ngành công nghiệp hỗ trợ đi kèm sẽ khai thác đầy đủ những tiềm năng, lợi thế của 2 nước, hứa hẹn mở ra một giai đoạn mới trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh việc xác định hướng hợp tác trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan Việt Nam cũng đang phối hợp với JICA và các cơ quan hữu quan của Nhật Bản nghiên cứu xây dựng 2 khu công nghiệp chuyên sâu tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu để phục vụ các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam.

Từ kết quả tích cực việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 4, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đang phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản (METI) và Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tiếp tục thực hiện giai đoạn 5 của Sáng kiến, trong đó 2 bên tập trung tìm cách tháo gỡ những nút thắt về đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực cụ thể như bán lẻ, kinh doanh bất động sản, công nghiệp hỗ trợ... để từ đó khơi thông dòng vốn FDI của doanh nghiệp Nhật Bản vào những lĩnh vực này.

Đặc biệt, giữa tháng 1-2015, tại diễn đàn hợp tác công nghệ thông tin truyền thông (CNTT-TT) do Bộ TT-TT Việt Nam và Bộ Nội vụ - TT Nhật Bản phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh 4 nội dung trọng tâm trong lĩnh vực ICT mà Việt Nam và Nhật Bản cần tăng cường hợp tác, gồm phát triển các khu CNTT tập trung, ứng dụng các giải pháp CNTT và gia công phần mềm, tăng cường hợp tác về nội dung số, truyền hình và phát triển nguồn nhân lực.

Các tin khác