Kỳ vọng ánh sáng mùa xuân

Theo quy luật thường hữu của vũ trụ, mùa Xuân lại đến, nhưng với hình hài mới mẻ hơn, vì không mùa Xuân nào giống mùa Xuân trước đó, cũng như không có giọt nước nào chảy qua hai lần trên cùng một dòng sông. Trước khi dấn bước vào cuộc hành trình của năm mới, ta hãy thử nhìn lại những thăng trầm, biến động của năm qua.

Theo quy luật thường hữu của vũ trụ, mùa Xuân lại đến, nhưng với hình hài mới mẻ hơn, vì không mùa Xuân nào giống mùa Xuân trước đó, cũng như không có giọt nước nào chảy qua hai lần trên cùng một dòng sông. Trước khi dấn bước vào cuộc hành trình của năm mới, ta hãy thử nhìn lại những thăng trầm, biến động của năm qua.

Những mảng màu sáng tối

Trước hết, với chính sách kiểm soát chặt chẽ tài khóa của Chính phủ, giá xăng dầu giảm mạnh những tháng cuối năm, sức cầu tiêu dùng vẫn thấp cộng với nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào, ổn định đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 9 tháng năm 2014 tăng nhẹ ở mức 0,5%/tháng, và giảm dần trong 3 tháng cuối năm.

Bình quân cả năm 2014, CPI chỉ tăng 4,09% so với cùng kỳ (năm 2013 tăng 6,6%). Ngân hàng thế giới đã dự báo, lạm phát năm 2015 sẽ đứng lại ở mức 5%. Tuy nhiên, hiện nay CPI của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan, Philippines và Singapore. Về tốc độ tăng trưởng của toàn cầu được dự báo đạt 3,2%, nhưng GDP của Việt Nam đã liên tục tăng trong từng quý và đạt 5,98% vào cuối năm (kế hoạch 5,8%).

Trong 14 chỉ tiêu kinh tế, không đạt kế hoạch là chỉ tiêu lao động qua đào tạo. Kim ngạch xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với 2013, xuất siêu khoảng 2 tỷ USD. Về phía ngành ngân hàng, mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm khoảng 1,5% và mặt bằng lãi suất đầu ra giảm 2%.

Tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước diễn ra quá chậm, tỷ lệ nợ xấu dù giảm tương đối nhưng khối lượng nợ xấu vẫn tăng lên, mất cân đối ngân sách và nợ công ngày càng trầm trọng, chi thường xuyên chiếm đến 72% tổng chi, trong khi đó chi trả nợ công tăng lên đến 26,7% và sẽ còn tăng lên đến 31,3% trên tổng chi của năm 2015.

Nhờ lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở tăng cung tiền, tăng thanh khoản và nhờ đó giảm lãi suất. Bên cạnh đó, các khoản vay cũ được điều chỉnh giảm lãi suất, thể hiện qua tỷ lệ các khoản vay có lãi suất trên 13% chiếm 19,72% tổng dư nợ hồi đầu năm, giảm về mức 10,65% trong thời điểm cuối năm.

Tuy nhiên, dù nền kinh tế nước ta có cải thiện nhưng vẫn còn thấp xa mức tăng bình quân của giai đoạn 2000-2006, thấp hơn cả các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar. Nước ta đang tụt hậu ngày càng xa so với nhiều nước trong khu vực.

Dù vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại là một điểm sáng trong năm 2014 khi ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 6,6% so với 2013. Khu vực FDI cũng đóng góp cho giá trị xuất khẩu 92,2 tỷ USD, chiếm 67,3% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,1% so với 2013. Với ngành bất động sản, nhờ sự cải thiện bước đầu của kinh tế vĩ mô, thị trường nhà đất vào các tháng cuối năm đã sôi động hẳn lên, nhất là ở Hà Nội và TPHCM.

Tuy nhiên, mặc dù khối lượng giao dịch có tăng lên đáng kể và giá bán đã tương đối bình ổn không còn lao dốc như trước đây, nhưng trên thực tế thị trường vẫn như một bệnh nhân bị ốm liệt giường lâu ngày, chưa thể phục hồi khỏe mạnh ngay. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, cả nước có 4.015 dự án phát triển đô thị, nhà ở đã được cấp phép với tổng vốn đầu tư khoảng 4.487 ngàn tỷ đồng, tổng diện tích 102.228 ha.

Nhưng hiện nay chỉ có 81% số dự án vẫn tiếp tục triển khai, còn hơn 1.000 dự án với diện tích hơn 50.000ha đất vẫn nằm bất động. Tuy vậy, nguồn cung căn hộ tại TPHCM vẫn đạt 15.000 căn, tăng gấp đôi năm 2013 và gấp 4 lần năm 2012. Điều này đã làm tăng tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư và tạo nhiều lựa chọn hơn cho người dân.

Dự báo lạc quan

Bước vào năm mới, bên cạnh nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư, thông qua việc sửa đổi và ban hành nhiều bộ luật, xử lý nợ xấu, ổn định chính sách tiền tệ, tín dụng, tái cấu trúc nền kinh tế và nhìn ra quốc tế, ta có thể thấy Việt Nam đang bước vào giai đoạn mở cửa rộng hơn, để hòa nhập quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc đã hoàn tất phần đàm phán và sẽ được ký kết trong đầu năm 2015. Các FTA Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan cũng chuẩn bị ký kết. Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các bên quyết tâm kết thúc đàm phán trong năm 2015. Trong khu vực, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ chính thức hình thành…

Nằm trong tổng thể các môi trường, điều kiện chung riêng trên, năm 2015 vẫn là chặng đường đầy gai góc phải bước tiếp. Nhiều ẩn số vẫn treo lơ lửng làm đau đầu các nhà làm chính sách, như lạm phát, lãi suất, tỷ giá USD, giá dầu, chi tiêu, đầu tư, chưa kể những biến động khó lường trên bàn cờ chính trị quốc tế, quan hệ Đông - Tây, Bắc - Nam, Nam - Nam giữa các châu lục, quan hệ nội bộ khu vực ASEAN…

Thị trường bất động sản sẽ đứng lên như thế nào trong tình trạng lực cầu yếu, thiếu nguồn vốn và ngổn ngang dự án đắp chiếu, nợ xấu tràn ngập như hiện nay? Hiện có nhiều dự đoán lạc quan hơn cho bức tranh toàn cảnh trong năm 2015, nhờ vào nỗ lực cải cách của Nhà nước, nỗ lực tái cấu trúc của doanh nghiệp, lực đẩy của nhu cầu nhà ở trong một đất nước đang phát triển, đất chật người đông, nhưng cũng còn nhiều mặt tối của thị trường vẫn đang đe dọa và rình rập. Một cuộc tranh đua gay gắt, đòi hỏi các doanh nghiệp không được chủ quan lơ là ngay từ đầu năm.

Xuân đã về, mỗi doanh nghiệp, mỗi thành viên trong xã hội cũng giống như những “lăng kính pha lê” độc đáo và riêng biệt. Chúng ta hy vọng ánh sáng mùa Xuân mới, sẽ được từng người hấp thu, đón nhận. Và như lăng kính đa chiều đó, mỗi người chúng ta sẽ chắt lọc từ nguồn sáng tinh khôi, nhào nặn sáng tạo nó theo cách riêng của mình với tất cả ý thức, tài năng, lòng tự trọng và niềm tin vào cuộc sống, và chiết xuất ra những tia sáng mới lung linh, rực rỡ, đầy sắc màu để đóng góp những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng, xã hội và cho chính bản thân mình.

Các tin khác