Tạo môi trường khởi nghiệp và phát triển

Luôn trăn trở với sự phát triển của doanh nghiệp (DN), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đã ghi nhiều dấu ấn trong gần 5 năm qua. Bộ trưởng Vinh từng nổi tiếng với câu nói “Đất nước này cần sự minh bạch!” khi trả lời câu hỏi của cấp dưới: “Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này còn ai phải đến Bộ KH-ĐT nữa?”. Trong cuộc trò chuyện đầu Xuân Ất Mùi 2015 với ĐTTC, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chia sẻ những trăn trở của ông về phát triển DN.

Luôn trăn trở với sự phát triển của doanh nghiệp (DN), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đã ghi nhiều dấu ấn trong gần 5 năm qua. Bộ trưởng Vinh từng nổi tiếng với câu nói “Đất nước này cần sự minh bạch!” khi trả lời câu hỏi của cấp dưới: “Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này còn ai phải đến Bộ KH-ĐT nữa?”. Trong cuộc trò chuyện đầu Xuân Ất Mùi 2015 với ĐTTC, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chia sẻ những trăn trở của ông về phát triển DN.

Kỳ vọng cuộc lột xác

Theo ông, cải thiện nội lực cho DN trong nước để cạnh tranh khi hội nhập, trở thành trụ cột của nền kinh tế là thách thức lớn nhất nhưng buộc phải làm trong năm 2015. Với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, có lẽ niềm vui lớn nhất trong năm 2014 là Quốc hội đã thông qua 2 đạo luật quan trọng đối với hoạt động của DN: Luật DN (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). “Đây là 2 đạo luật mang tính cơ bản tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư của đất nước.

Tạo môi trường ưu ái nhất cho DN tư nhân và DN Việt Nam, đó là điều tôi trăn trở. Việt Nam cần phải nhìn nhận lại DN trong nước một cách rất nghiêm túc, năm 2015 là năm DN, cần có sự đồng thuận từ Chính phủ, các bộ, ngành, làm nhiều hơn cho DN.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Lần sửa đổi này có thể nói gần như đã lột xác các quy định nhằm khắc phục những khiếm khuyết của hơn chục năm qua chúng ta triển khai thực hiện Luật Đầu tư và Luật DN” - ông Vinh nói. Nội dung cơ bản nhất được thay đổi khi sửa luật là từ phương pháp tiếp cận “chọn - cho” (có nghĩa trong luật quy định những lĩnh vực được phép đầu tư kinh doanh), sang phương pháp minh bạch và rõ ràng hơn là “chọn - bỏ”.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, “chọn - bỏ” là phương pháp khó trên thế giới không phải nước nào cũng dám áp dụng. Nhưng ở nước ta, Quốc hội đã quyết định áp dụng phương pháp này. Đó là cái gì cấm, cái gì hạn chế phải ghi vào trong luật. Điều này cũng thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của DN. Những gì luật pháp không cấm, người dân, DN được tự do đầu tư, kinh doanh.

Thông qua luật là bước đi quan trọng, nhưng triển khai luật mới là khâu quyết định. “Chúng ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn chủ trương thì hay, nhưng thực hiện không được như lời hứa. Do vậy, việc đầu tiên phải làm là việc luật thay thế rồi, việc cần thực hiện làm sao để triển khai vào cuộc sống” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở. Theo ông, phía các cơ quan ban hành, cần xây dựng các thông tư, nghị định đúng theo luật. Đối với cấp cơ sở (nơi DN, người dân tiếp cận) cần có sự vào cuộc thực sự của chính quyền các cấp với ý thức cao. Cần lập lại kỷ cương trong thực hiện pháp luật tại Việt Nam.

Bộ trưởng nhìn nhận: “Đây là vấn đề rất khó, nhưng khi thực hiện được người dân sẽ thấy được những cơ hội từ môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó họ bỏ tiền để kinh doanh, thành lập DN. Nếu mọi cán bộ công chức trong chính quyền từ Trung ương đến địa phương hiểu được rằng chúng ta phục vụ tốt cho người dân, DN để họ bỏ tiền ra đầu tư, phát triển, mở mang ngành nghề kinh doanh, từ đó thu hút người lao động, đất nước chắc chắn sẽ phát triển”.

Tạo động lực từ kinh tế tư nhân

Nhìn nhận về năm 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói đây là năm khá đặc biệt, chúng ta có nhiều việc phải làm hơn. Năm nay Việt Nam bước vào quá trình hội nhập sâu hơn, thực tiễn hơn với thương trường quốc tế: tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cùng với đó là thực thi một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) chúng ta đã ký.

“Tất cả những điều này sẽ đặt Việt Nam vào thách thức giữa cơ hội phát triển và DN sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà. Nếu không làm tốt, Việt Nam không những không tạo ra thêm được lợi thế, mở rộng thị trường mà còn bị thu hẹp và khó khăn hơn” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo.

Trong bối cảnh đó, chăm lo sức khỏe DN, đẩy mạnh cải cách thể chế giúp DN nâng cao sức cạnh tranh là một nhiệm vụ mang tính sống còn của năm 2015. Bên cạnh cải cách khu vực DNNN, phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân được xem là một động lực cho phát triển kinh tế năm 2015. Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam tổ chức cuối năm 2014 ở Hà Nội, chia sẻ với các đối tác song phương và đa phương của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh cải cách thể chế kinh tế sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế, còn phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế. Ảnh: LONG ẨN

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế. Ảnh: LONG ẨN

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Luật DN và Luật Đầu tư đã tạo điều kiện cho DN tư nhân, nhưng chưa đủ, còn nhiều thứ cần giải quyết. Trong năm 2015, phải có thêm nhiều chính sách tháo gỡ những khó khăn cho DN, đặc biệt thúc đẩy DNNVV, DN tư nhân phát triển, trở thành nền tảng, thành động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, ổn định kinh tế đất nước. “Không làm được điều này Việt Nam không bao giờ có được tăng trưởng tốt, không bao giờ có được nền kinh tế vững mạnh và tự chủ” - Bộ trưởng Vinh trải lòng.

Hiện nay, Bộ KH-ĐT được giao nhiệm vụ nghiên cứu một dự luật với hy vọng giúp thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của khu vực DN tư nhân. Dự luật có tên gọi Luật DNNVV, dự kiến hoàn thành và đưa ra lấy ý kiến trong năm 2015. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Mục đích của luật này là tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho khu vực DN tư nhân ở Việt Nam”. Tinh thần chính của dự luật là giúp tạo ra nền tảng thuận lợi nhất để người dân khởi nghiệp và thực hiện các ý tưởng kinh doanh. Chẳng hạn, dự luật sẽ xem xét các quy chế tổ chức hệ thống trường đào tạo DN do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đứng đầu.

Bên cạnh đó, dự luật cũng sẽ đưa ra quy chế giúp hình thành các quỹ để DN tư nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng rẻ hơn với thời hạn dài hơn. Ngoài ra, Nhà nước sẽ có cơ chế để tìm thị trường cho các DN non trẻ, giúp họ xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ… Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện nay Bộ KH-ĐT đang có quỹ vườn ươm tài năng kinh doanh và một quỹ hỗ trợ DNNVV, nhưng tất cả mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Ông nói: “Chúng tôi muốn xây dựng những nền tảng đó trong dự luật để hỗ trợ DN tư nhân”.

Các tin khác