2015: Hướng đến chất lượng, hiệu quả

Năm 2014 khép lại, giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài từ năm 2008 đã đi qua, dù vẫn để lại nhiều di chứng phải tiếp tục khắc phục. Vì thế, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2015 là cộng đồng doanh nghiệp phải chuẩn bị nội lực cho cuộc chiến cạnh tranh và hội nhập sâu nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Một cuộc chiến mà mục tiêu là các bên cùng thắng, không có người bại. Năm 2015 mừng vì mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng lo vì cơ hội vẫn là tiềm năng và thách thức đang là hiện thực.

Năm 2014 khép lại, giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài từ năm 2008 đã đi qua, dù vẫn để lại nhiều di chứng phải tiếp tục khắc phục. Vì thế, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2015 là cộng đồng doanh nghiệp phải chuẩn bị nội lực cho cuộc chiến cạnh tranh và hội nhập sâu nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Một cuộc chiến mà mục tiêu là các bên cùng thắng, không có người bại. Năm 2015 mừng vì mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng lo vì cơ hội vẫn là tiềm năng và thách thức đang là hiện thực.

Cải cách thể chế, hội nhập sâu rộng

2015 là năm kết thúc kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng kế hoạch 2016-2020, mở ra giai đoạn phát triển ổn định hơn trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn diện với khu vực và thế giới. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết về kinh tế - xã hội, đề ra các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2015 và nhiệm vụ tiếp tục quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2015 như GDP tăng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; nhập siêu bằng 5% kim ngạch xuất khẩu; tổng đầu tư phát triển xã hội 30-32% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Cùng với đó, tiếp tục mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khơi thông thị trường; giải quyết các vấn đề kinh tế ngắn hạn đang đặt ra như nợ xấu của ngân hàng thương mại, lãi suất, giảm số doanh nghiệp khó khăn phải ngưng hoạt động, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Năm 2015 tiếp tục phải khắc phục các di chứng của giai đoạn bất ổn vĩ mô, như vấn đề nợ xấu, lãi suất cao, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, ngừng hoạt động và niềm tin của thị trường… Tuy nhiên, 2015 cũng mở ra hướng phát triển mới, trong đó cần xem hội nhập như cơ hội rõ ràng nhất để chúng ta phát triển nhanh.

Có thể nói, năm 2015 nhiệm vụ của nền kinh tế Việt Nam vừa phải vượt qua những thách thức ngắn hạn, vừa phải chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các mục tiêu dài hạn hướng nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững từ năm 2016 về sau. Nhìn tổng thể kinh tế thế giới 2015, dự báo các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc tương đối lạc quan hơn năm 2014, với tốc độ tăng trưởng khoảng 3,8%; giá cả sẽ có xu hướng giảm, đặc biệt giá dầu thô và lương thực giảm mạnh.

Từ bức tranh kinh tế thế giới năm 2015 cho thấy kinh tế Việt Nam vừa có cơ hội, nhưng cũng vừa đứng trước những thách thức, nhất là lĩnh vực xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, đẩy mạnh mục tiêu tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên (đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước), các giải pháp điều hành của Chính phủ trong năm 2015, thông qua Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 đều hướng vào mục tiêu phục hồi khu vực kinh tế trong nước; giải quyết đồng bộ 4 vấn đề gồm sức mua của thị trường; xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng gắn với chính sách tiền tệ linh hoạt; làm ấm thị trường bất động sản và hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng của 5 lĩnh vực kinh tế ưu tiên (nông nghiệp; sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm công nghệ cao). Các chính sách này nhằm giải quyết những tồn tại ngắn hạn và củng cố các nhân tố ổn định vĩ mô.

Khai thác lợi thế, đối đầu cạnh tranh

Để  tận dụng thời cơ của hội nhập và để nền kinh tế từ năm 2016 có thể phục hồi tốc độ tăng trưởng của thời kỳ 2001-2010, các chính sách kinh tế trong năm 2015 phải hướng tới mục tiêu khắc phục 2 vấn đề trung, dài hạn đang đặt ra. Đó là một nền công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công, với lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp đã mất sức cạnh tranh khi hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu. Từ năm 2012, sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI (cũ và mới), còn doanh nghiệp trong nước tỏ ra đuối sức và ít khả năng tăng trưởng xuất khẩu.

Trong khi đó, giá cả lao động phải tăng liên tục để bù đắp lạm phát và yêu cầu cải thiện đời sống, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, sức cạnh tranh giảm. Công nghiệp hỗ trợ - yếu tố then chốt để nâng tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm, giảm giá thành - cho đến nay vẫn thiếu chính sách phát triển. Một nền nông nghiệp có nhiều lợi thế nhưng dựa vào xuất thô với giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đặt vào khuôn khổ cạnh tranh toàn cầu, đã không thể cải thiện được thị trường hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Thu nhập dân cư trong khu vực nông nghiệp ít được cải thiện do cơ cấu sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng thấp.

Vấn đề thứ 2, năng suất tổng hợp (chỉ báo quan trọng thể hiện sự sử dụng các yếu tố sản xuất như tài nguyên, nhân lực và vốn có hiệu quả) chậm được cải thiện. Sự sút giảm năng suất tổng hợp trong việc đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP trong 10 năm gần đây cùng với việc tăng nhanh yếu tố vốn, đã lý giải nguyên nhân nền kinh tế kém cạnh tranh và sự tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư.

Hệ số ICOR vẫn ở mức cao, gây mất cân đối nghiêm trọng giữa tích lũy và đầu tư. Đây là nguyên nhân sâu xa của lạm phát, cho thấy năng suất và hiệu quả đang là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình cạnh tranh và hội nhập.

DN tư nhân cần động lực để phát triển. Ảnh: LONG THANH

DN tư nhân cần động lực để phát triển. Ảnh: LONG THANH

Năm 2015, doanh nghiệp phải nắm bắt để tận dụng được cơ hội, không nên quá lo sợ cạnh tranh không nổi. Bởi trong hội nhập sẽ có nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng là điều kiện giúp doanh nghiệp tạo dựng nền tảng, sức mạnh để đương đầu với thương trường, vượt qua khó khăn phát triển bền vững.

Điều quan trọng hiện nay, các chính sách và thể chế kinh tế (thông qua các đạo luật được Quốc hội ban hành) đã được cải cách mạnh mẽ, đang đi vào thực tiễn đáp ứng được mặt bằng chung về môi trường pháp lý như các nước trong khu vực. Bên cạnh các chính sách ưu đãi của Nhà nước, kinh tế vĩ mô  ổn định, môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ, là 3 nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập.

Các tin khác