Trái đắng hay quả ngọt?

Với những người vất vả đàm phán cả năm qua những ngày cuối 2014 thực sự là những ngày hái quả. Với tương lai kinh tế Việt Nam, những ngày này cũng là dấu mốc quan trọng cho tiến trình mở cửa thương mại theo chiều sâu mà chúng ta đã bắt đầu từ vài năm nay. Phân nửa số hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang đàm phán về TPP đã cơ bản hoàn tất, số còn lại cũng đang đi tới đích.

Với những người vất vả đàm phán cả năm qua những ngày cuối 2014 thực sự là những ngày hái quả. Với tương lai kinh tế Việt Nam, những ngày này cũng là dấu mốc quan trọng cho tiến trình mở cửa thương mại theo chiều sâu mà chúng ta đã bắt đầu từ vài năm nay. Phân nửa số hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang đàm phán về TPP đã cơ bản hoàn tất, số còn lại cũng đang đi tới đích.

Nào những bờ gần...

 

Chỉ vài tháng trước đây, có lẽ không ai dám tin rằng những cuộc đàm phán thương mại Việt Nam đang thực hiện lại đi được những quãng dài như vậy để tới bờ. Với những vòng đàm phán TPP tưởng đã có đủ lý do để hoàn tất ngay nửa đầu năm 2014.

Trước đó, các Bộ trưởng TPP thậm chí đã khoanh vùng được các điểm đỗ. Thêm nữa, nguy cơ bối cảnh chính trị đảo chiều sau một loạt cuộc bầu cử nửa cuối năm 2014 ở Australia, Chile, Hoa Kỳ... cũng thúc giục TPP phải nhanh chân, bởi TPP sắp đạt kỷ lục về thời gian đàm phán với ngót nghét 20 vòng chính thức và vô số cuộc gặp trong hơn 6 năm trời.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng về một TPP hoàn tất cứ trôi  dần. Đó là những cuộc gặp song phương căng thẳng và bí mật giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, quanh câu chuyện mở cửa các mặt hàng nông sản và ô tô mà cả 2 đều coi là thiêng liêng; những giằng co không ngã ngũ về việc bao giờ Nghị viện Hoa Kỳ đồng ý trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Obama và thông qua cả gói TPP khi hoàn tất đàm phán (TPA); những ngại ngần của các nước còn lại trong TPP khi vẫn mang nặng tâm lý dè chừng trong các đàm phán song phương.

Ta tự hào về dân số “vàng”, nhưng bao nhiêu sẽ là đủ nếu năng suất lao động của lực lượng ấy lại là “thau”? Chúng ta có thể tự tin về sức mạnh của vựa nông sản nữa hay không, khi trong nhà ngập tràn thực phẩm nhập khẩu, còn ngoài cửa thì bị o ép đủ bề? Chúng ta có còn kiêu hãnh về sức hấp dẫn của mình trong mắt nhà đầu tư nước ngoài không, khi con ốc vít, mẩu bánh mì cũng không đáp ứng được yêu cầu?...

Những ngày giữa tháng 12, cơ hội kết thúc đàm phán TPP lại được nhen nhóm khi các nước TPP thống nhất được về lịch trình đàm phán tiếp theo vào cuối tháng 1, sau đó sẽ là cuộc gặp cấp Bộ trưởng các nước tham gia TPP. Hiện nay một số nước đã lên kế hoạch rà soát lại các chương đã thống nhất, sẵn sàng cho kết thúc đàm phán TPP ngay khi có thể. Như Hoa Kỳ đang lên kế hoạch cho việc đánh giá tác động và phê chuẩn TPP theo quy trình nội bộ vào cuối năm 2015.

Đặc biệt hy vọng cho đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) được thắp lên khi cuối tháng 11-2014 thỏa thuận Đối tác Toàn diện (PCA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam được ký chính thức, làm cơ sở thúc đẩy tiến trình hoàn thiện đàm phán EVFTA.

Và cũng vào giữa tháng 12-2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thông tin đàm phán EVFTA đã thống nhất được về cơ bản, hiện chỉ còn vài vấn đề cần thảo luận thêm trước khi có thể chính thức hoàn tất. Bên cạnh đó, “2 con tàu” thấy bờ đúng lịch trình hy vọng trong năm 2014 là FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và FTA Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Karzakstan (VCUFTA).

Việc 2 FTA được tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán liên tiếp trong nửa đầu tháng 12-2014 không phải là chuyện khó dự đoán, bởi đây dường như là 2 đàm phán ít gai góc nhất.

Nhưng bến còn xa...

Tuy nhiên, đàm phán EVFTA - một đàm phán mở cửa thương mại quan trọng ngang ngửa TPP - cũng đứng trước sức ép rất lớn, đã không thể kết thúc trong năm 2014. Ngay từ đầu năm ngoái, các nhà đàm phán đã phải nỗ lực với hy vọng đạt được thỏa thuận cơ bản trước khi Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán EVFTA của EU - chuyển sang nhiệm kỳ mới vào tháng 10-2014.

Tuy vậy, một EC mới đã tiếp nhận nhiệm sở mà bản thảo đàm phán EVFTA vẫn còn dang dở. Cũng dịp này, trong chuyến thăm chính thức châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các bên cũng chưa thể đưa ra tuyên bố kết thúc đàm phán EVFTA.

Bằng 2 FTA vừa kết thúc đàm phán, cả Hàn Quốc và Liên minh thuế quan đều dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta như tôm, cá, hoa quả, dệt may… Việt Nam mở cửa cho bạn những sản phẩm mà sản xuất trong nước đang cần như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nguyên phụ liệu… Có lẽ đây sẽ là kịch bản mở cửa thị trường hàng hóa chung trong các FTA còn lại mà Việt Nam đang cố gắng kết thúc đàm phán.

Dù vậy, nếu như bến đỗ con tàu kinh tế Việt Nam mong ngóng không chỉ là những cam kết, mà là những lợi ích được hiện thực hóa từ các cam kết này, có lẽ kết thúc đàm phán các FTA là chưa đủ. Đầu năm 2014, không ít người đã giật mình khi nghe con số trung bình chưa đầy 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác FTA tận dụng được ưu đãi thuế quan.

Tới giữa năm, rất nhiều người đã phải ngậm ngùi trước con số kỷ lục hơn 60% thành tích xuất khẩu nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cuối năm, giới kinh doanh lại xôn xao trước thương vụ mua lại Metro của một tập đoàn Thái Lan, mở đường cho hàng Thái chiếm lĩnh thị trường nội địa trong một tương lai không xa. Có vẻ trong khi chúng ta còn lúng túng không biết làm thế nào để hiện thực hóa những cơ hội, các nguy cơ đã đã hiển hiện trước mắt.

Từ những bài học đắng của quá khứ, hy vọng chúng ta có thể làm tốt hơn cho các FTA đang sắp cập bờ, dù vẫn còn nhiều lý do để lo lắng. Vẫn biết tàu đã thấy bờ mà trên bến mới rục rịch làm kè thì đã muộn rồi. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, có hành động vẫn hơn chẳng làm gì cả.

Các tin khác