Giá cước vận tải giảm không đều ở các địa phương

Việc giảm giá cước tại các địa phương diễn ra không đồng đều. Với các doanh nghiệp chưa giảm giá hợp lý, Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị tại địa phương nhanh chóng phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp kê khai giảm giá cước theo tình hình giảm giá xăng dầu.

Việc giảm giá cước tại các địa phương diễn ra không đồng đều. Với các doanh nghiệp chưa giảm giá hợp lý, Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị tại địa phương nhanh chóng phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp kê khai giảm giá cước theo tình hình giảm giá xăng dầu.

 

Đây là báo cáo sơ bộ kết quả kiểm tra về công tác quản lý, bình ổn giá tại một số địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 của các đoàn công tác liên ngành tại nhiều địa phương trên cả nước, được Bộ Tài chính thông tin vào chiều tối 30/1.

Thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, từ ngày 19/1/2015, Bộ Tài chính đã tổ chức 3 đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại một số địa phương.

Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội: Tính đến thời điểm 20/01/2015, có 71 doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm giá cước và gửi hồ sơ kê khai lại, cụ thể: 17 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, mức giá điều chỉnh giảm từ 4-16,67%; 02 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hàng hóa bằng container, mức giá điều chỉnh giảm 3-4%; 55 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi của 52 doanh nghiệp (03 doanh nghiệp kê khai giảm giá 2 lần), mức giá điều chỉnh giảm từ 4-9% so với mức giá kê khai gần nhất. Quá trình tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa theo đúng quy trình và trả kết quả đảm bảo thời gian, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Tại địa bàn Hòa Bình, có 11/23 doanh nghiệp kê khai giảm giá với mức giảm từ 4-20% tùy từng đầu tuyến. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai giảm giá với lý do các chi phí đầu vào tăng cùng với các khó khăn về nhu cầu hành khách giảm trên các đầu tuyến địa phương.

Trên địa bàn Sơn La có 22 doanh nghiệp với khoảng 30 luồng tuyến. Sau khi Sở GTVT và Sở Tài chính có các văn bản đôn đốc các doanh nghiệp kê khai giảm giá cước thì đã có 22/22 doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai giảm giá cước với mức giảm 5-10%.

Địa bàn Điện Biên, các doanh nghiệp vận tải tại Điện Biên đã kê khai giảm giá cước với mức giảm trung bình 4,8%. Địa bàn Vĩnh Phúc, chỉ có 04/10 doanh nghiệp vận tải hành khách đã thực hiện kê khai giảm giá cước vào tháng 11/2014. Các doanh nghiệp taxi đã thực kiện kê khai giảm giá cước với mức từ 7-12%. Bộ Tài chính đã yêu cầu Sở Tài chính Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện quyết liệt các biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu trong tháng 1/2015.

Địa bàn Bắc Ninh có 20 đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó taxi có 14 đơn vị, kinh doanh tuyến cố định có 4 đơn vị, kinh doanh vận tải xe buýt có 02 đơn vị. Tất cả các đơn vị taxi và tuyến cố định đều đã thực hiện kê khai giảm giá cước, trong đó, vận tải theo tuyến cố định giảm bình quân 5.000 đồng/ hành khách, taxi giảm khoảng 3-10% so với thời điểm tháng 6/2014.

Địa bàn Lâm Đồng, đã có 32/40 hồ sơ kê khai giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn. Trong đó, 30/32 đơn vị thực hiện giảm giá cước vận tải trung bình từ 4-33%;  bản kê 02/32 đơn vị chưa thực hiện điều chỉnh giảm giá; 08 đơn vị chưa nộp văn khai giá. Địa bàn Bình Thuận, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều đã kê khai giảm giá cước vận tải hành khách từ 8-10% theo xu hướng giảm giá nhiên liệu.

Địa bàn Ninh Thuận, có 10/11 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước vận tải hành khách và 1/3 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe taxi thực hiện việc kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm.

Địa bàn Khánh Hòa, có 50/64 đơn vị đã thực hiện kê khai giảm giá cước. Tùy từng loại xe, hiệu xe, chất lượng xe, địa bàn hoạt động, chất lượng phục vụ của hãng xe, giá cước taxi trên địa bàn tỉnh hiện nay ở các mức như sau: Giá mở cửa dao động từ 6.500-9.000 đồng; giá km tiếp theo dao động từ 13.500-16.500 đồng; giá từ km thứ 31 trở đi dao động từ 8.500-13.500 đồng. Giá của các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô nhìn chung phổ biến tỷ lệ giảm từ 5-25%. Cá biệt có công ty có tỷ lệ giảm đến 30,77%, giảm 26%. Bên cạnh đó, có đơn vị có loại hình giảm ít, chỉ giảm 0,1-1%, giảm 2%; giảm 3,57%.

Nhìn chung, tại các địa phương có doanh nghiệp chưa đăng ký kê khai giảm giá cước, các đoàn công tác đã đề nghị Sở Tài chính cần nhanh chóng đôn đốc các đơn vị này kê khai giảm giá cước theo tình hình giảm giá xăng dầu, đồng thời đôn đốc các doanh nghiệp đã kê khai giảm giá xem xét tiếp tục kê khai lại giá sau đợt giảm giá xăng ngày 21/1/2015. Đoàn công tác cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Sở Tài chính để nhanh chóng thực hiện các công tác liên quan đến giá cước vận tải.

Các tin khác