Thanh lọc thị trường điện máy

Sự kiện Topcare đóng cửa hàng loạt siêu thị điện máy của mình ở Hà Nội những ngày qua một lần nữa lại cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ điện máy của Việt Nam.

Sự kiện Topcare đóng cửa hàng loạt siêu thị điện máy của mình ở Hà Nội những ngày qua một lần nữa lại cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ điện máy của Việt Nam.

Người vào, kẻ ra

Chưa hết tháng đầu tiên của năm 2015 nhưng thị trường bán lẻ điện máy đã diễn ra 2 sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận. Đầu tiên là việc Công ty Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) vừa hoàn tất mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Thực ra việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của DN điện máy trong nước không phải mới diễn ra.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm trước thương vụ Nguyễn Kim và Central Group, chưa nhà đầu tư ngoại nào để lại dấu ấn đáng kể tương tự trên thị trường. Thậm chí sự chia tay thị trường của Best Carings (theo mô hình hợp tác nhượng quyền giữa nhà bán lẻ Best Denki (Nhật Bản) và công ty tiếp thị Bến Thành) vào năm 2012, đã khiến nhiều người nghi ngờ vào một thành công cho thương hiệu ngoại ở thị trường Việt Nam trong mảng bán lẻ.

Song ở thương vụ mới nhất trong năm 2015, nhiều người bắt đầu tỏ ra lo ngại về sự lấn sân sâu của nhà đầu tư ngoại. Nguyên nhân bởi DN bán cổ phần là một tên tuổi lớn trong thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam. Tính đến cuối năm 2014, Nguyễn Kim đã có trong tay chuỗi 23 trung tâm điện máy, trong khi đối tác có tiềm lực tài chính mạnh.

Chỉ sau sự kiện đầu tiên khoảng hơn 10 ngày, thị trường bán lẻ điện máy lại tiếp tục có một sự kiện thu hút sự quan tâm không kém. Đó là việc Topcare đóng cửa hàng loạt siêu thị điện máy của mình ở thị trường Hà Nội. Cho đến nay phía Topcare vẫn chưa có thông báo chính thức về việc sẽ đóng cửa hoàn toàn hay ngưng tạm thời, song việc đóng cửa tất cả chuỗi điện máy đang gây hoang mang cho người tiêu dùng và cả đối tác.

Vài năm trở lại đây đã có không ít chuỗi bán lẻ điện máy phải đóng cửa, nhưng việc Topcare đóng cửa trong bối cảnh thị trường đang có những dấu hiện khởi sắc hơn và bản thân chuỗi này mới khai trương thêm 1 siêu thị cách đây chừng 2 tháng, đã khiến người ta phải nhìn lại đường đua này. Sự khốc liệt vẫn đang còn đó và những DN yếu tiềm lực tài chính sẽ khó trụ nổi.

Nói thêm về câu chuyện tham gia thị trường, ngoài thương vụ M&A của Nguyễn Kim và Central Group, Công ty Vinpro cũng sẽ tham gia vào thị trường này với việc sẽ khai trương 4 siêu thị điện máy trong tháng 3 năm nay và theo kế hoạch chỉ trong năm 2015, Vinpro sẽ khai trương khoảng 25 siêu thị điện máy trên cả nước.

Cuộc đua mở chuỗi

Theo phân tích của những người có kinh nghiệm trong ngành, kinh doanh điện máy không mang lại tỷ suất lợi nhuận cao và để tăng trưởng tốt phải mở rộng quy mô thông qua các chuỗi cửa hàng. Đó cũng chính là lý do hầu hết chuỗi siêu thị điện máy từ Nam ra Bắc đều có những chiến lược tiến nhanh, mạnh nhằm chiếm lĩnh địa bàn trước các đối thủ của mình. Ở khu vực phía Bắc, thị trường đang được bao phủ bởi những thương hiệu nội như VHC, Trần Anh, Pico…

Trong đó, năm 2014 VHC nổi lên bởi mức doanh thu dự kiến của DN này 6.800 tỷ đồng (với chuỗi 14 siêu thị), bỏ xa những tên tuổi khác như Trần Anh với mức doanh thu trong năm 2014 khoảng 2.500 tỷ đồng (với chuỗi 16 siêu thị). Và trong năm 2015 chắc chắn các chuỗi siêu thị này sẽ tiếp tục với nhiều chiến lược mở rộng, tăng độ phủ của mình.

Ở khu vực phía Nam, cái tên được nhắc đến đầu tiên trong cuộc đua mở chuỗi bán lẻ là CTCP Đầu tư thế giới di động (sở hữu 2 chuỗi thegioididong.com và dienmay.com). Nếu cuối năm 2013, thegioididong.com và dienmay.com mới có 225 siêu thị, đến cuối năm 2014 con số này là 350, tăng 125 siêu thị. Dự kiến năm 2015 số lượng siêu thị sẽ tăng thêm 123 để đạt được con số 473.

Ngoài ra, những thương hiệu khác như Thiên Hòa, Chợ Lớn… cũng không nằm ngoài cuộc đua này. Bên cạnh việc phủ sóng ở các thành phố lớn, các chuỗi điện máy ở cả Nam và Bắc cũng đang bắt đầu những chiến lược tiến về nông thôn. Tất nhiên, mỗi DN sẽ chọn cho mình hướng đi riêng, có thể mở ồ ạt hoặc chậm rãi nhưng chắc chắn sẽ không ai chịu đứng yên.

Việc Topcare đóng cửa hàng loạt siêu thị điện máy khiến người tiêu dùng hoang mang.

Việc Topcare đóng cửa hàng loạt siêu thị điện máy khiến người tiêu dùng hoang mang.

Khi nói về thách thức trong cuộc cạnh tranh với các đối tác ngoại, chủ một thương hiệu bán lẻ có tiếng đã tỏ ra khá bình thản: “Khi nhà bán lẻ ngoại vào, họ có thể làm thay đổi nhiều thứ ở thị trường bán lẻ nói chung. Nhưng riêng mảng điện máy, theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số nước trong khu vực, thành công vẫn thuộc về những nhà bán lẻ nội”.

Mọi chuyện vẫn đang nằm ở thì tương lai, liệu sau thương vụ với Nguyễn Kim, Central Group có thể làm thay đổi cục diện thị trường hay không chưa ai biết, cũng không ai có thể biết trước liệu có thêm nhà đầu tư ngoại nào tham gia vào mảng bán lẻ này nữa hay không. Tuy nhiên, điều nhận được sự đồng tình của nhiều ý kiến là Topcare chưa phải là chuỗi siêu thị cuối cùng phải chia tay thị trường.

Các tin khác