Quỹ ngoại cân nhắc CP ngân hàng?

Phiên hôm qua 28-1, TTCK chứng kiến sự bùng nổ của nhóm CP ngân hàng (NH), trong đó CTG (VietinBank) và BID (BIDV) đã tăng trần. Khả năng CP NH sẽ thay thế nhóm dầu khí dẫn dắt thị trường đang dần trở thành hiện thực. Điều này sẽ tạo ra không ít tác động với các NĐTNN.

Phiên hôm qua 28-1, TTCK chứng kiến sự bùng nổ của nhóm CP ngân hàng (NH), trong đó CTG (VietinBank) và BID (BIDV) đã tăng trần. Khả năng CP NH sẽ thay thế nhóm dầu khí dẫn dắt thị trường đang dần trở thành hiện thực. Điều này sẽ tạo ra không ít tác động với các NĐTNN.

Càng tăng càng mua?

Thời gian qua, có những CP khi chưa tăng giá, chưa vào sóng khối ngoại tỏ ra thờ ơ, nhưng đến khi tăng mạnh, có khi tăng gấp đôi, gấp ba, khối này lại giao dịch một cách “nhiệt tình”. Có khá nhiều nguyên nhân để lý giải nhưng có thể kể ra 2 yếu tố: Quỹ ngoại hiện nay cũng chú trọng hiệu quả, nên khi CP tăng giá và phát ra những tín hiệu có sóng, khối này mới mạnh dạn vào cuộc, tránh tình trạng ôm dài hạn quá lâu.

Điều kế tiếp, có những CP khi chưa tăng, quy mô vốn hóa chưa thực sự lớn, thanh khoản cũng chưa đủ chuẩn để quỹ ngoại giải ngân. Nên khi tăng mạnh, dẫn đến vốn hóa tăng và thanh khoản lớn các quỹ lại mua vào.

Với vốn điều lệ 3.180 tỷ đồng, tại mức giá khoảng 6.000 đồng/CP cách đây 1 năm, vốn hóa của HT1 chỉ khoảng 1.900 tỷ đồng. Chưa kể, thanh khoản của HT1 thời điểm đó chỉ vài chục ngàn CP mỗi phiên. Trong khi hiện nay, giá của HT1 đã hơn 20.000 đồng/CP, tương ứng với giá trị vốn hóa 6.500 tỷ đồng, gấp 3 lần 1 năm trước, thanh khoản trên nửa triệu CP/phiên, quá lý tưởng để khối ngoại giải ngân.

Hay như NT2, tăng giá gần gấp 3 lần trong 6 tháng, hiện đang có giá gần 24.000 đồng/CP, còn vốn hóa cũng xấp xỉ 6.000 tỷ đồng. Những tiêu chí này đã làm cho khối ngoại mua vào NT2 rất mạnh dù đây chỉ là hàng UPCoM.

Và tiêu biểu nhất có lẽ là trường hợp của GAS, khi CP này càng tăng, khối ngoại càng mua vào để đảm bảo danh mục có cơ sở tham chiếu theo VN Index, bởi GAS là CP tác động lớn nhất đến chỉ số này. Vậy nên, những kịch bản của GAS, HT1, NT2 hoàn toàn có thể lặp lại với CP NH.

Mua ngay kẻo lỡ

Thực ra, với CP NH, khối ngoại chẳng cần phải chờ đợi vì vốn hóa của nhóm này đã lớn sẵn. Vấn đề nằm ở chỗ vốn hóa sẽ lớn đến khi nào, biến động của nhóm NH sẽ lớn đến đâu để tác động đến hành động của khối ngoại. Trong 10 phiên gần nhất, khối ngoại thậm chí bán ròng VCB (Vietcombank), một trong những CP NH tốt nhất và có vốn hóa lớn nhất.

Ngược lại, NĐTNN lại mua ròng CTG (VietinBank) và trong 5 phiên gần đây CTG cũng là CP NH có sức bật mạnh mẽ nhất. Một trong những nguyên nhân được đem ra lý giải là việc cổ đông nhà nước tại CTG sẽ đem niêm yết số lượng CP của mình. Việc này được lập luận sẽ gia tăng giá trị vốn hóa của CTG, điều này sẽ hút lượng tiền mua vào để mô phỏng danh mục theo thị trường.

Vậy tại sao VCB, cũng có giá trị vốn hóa, hiện còn lớn hơn CTG, vẫn bị khối ngoại bán? Từ giá 32.000 đồng/CP sau khoảng 1 tháng, VCB tăng lên hơn 37.000 đồng/CP, hôm qua đóng cửa tại mức 37.400 đồng/CP, tỷ lệ tăng khoảng 17%, một tỷ lệ cũng đáng để chốt lời. Nhưng nếu VCB có khả năng tăng lên 40.000 đồng/CP liệu khối ngoại có bán? Có lẽ là không. Vấn đề là khó lòng đoán biết được giá CP cũng như hành vi của thị trường.

Tuy nhiên, trong năm 2015 này sẽ có 3 yếu tố rất có khả năng ảnh hưởng tích cực đến CP NH: Thứ nhất, sau giai đoạn tái cấu trúc hoạt động, nhiều khả năng trong năm 2015, có thể KQKD của NH sẽ tích cực hơn, qua đó tác động đến giá CP.

Thứ hai, việc CP NH dậy sóng sẽ trở thành nhóm dẫn dắt của thị trường, dòng tiền sẽ trở nên đại chúng hơn với CP này và có thể sóng sẽ đến thường xuyên hơn. Mà đã đầu tư, việc sở hữu những CP hàng hot như vậy là chiến thuật được NĐT ưa chuộng. Cuối cùng, như các thông tin đã xuất hiện gần đây, năm 2015 cũng sẽ chứng kiến một làn sóng M&A giữa các NH lớn và NH nhỏ.

Hệ quả các NH sẽ có quy mô lớn hơn, cụ thể hơn là vốn điều lệ có thể lớn hơn, tương ứng vốn hóa sẽ lớn hơn. vốn điều lệ tăng, giá CP tăng tất nhiên sẽ đẩy vốn hóa tăng và lúc này dù muốn hay không, nhiều khả năng các quỹ ngoại sẽ phải giải ngân vào nhóm CP này.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Có lẽ, khối ngoại cũng đã nhìn ra được vấn đề này, nhưng việc giải ngân trước hay sau lại là một bài toán hóc búa. Giải ngân trước tính chất mạo hiểm rất cao, chưa kể, giá của CP NH tăng trong khoảng thời gian qua khá nhanh, nên tâm lý không ai muốn mua giá cao.

Tuy nhiên, nếu nói nhìn dài để mua cũng không dễ dàng. Chẳng hạn việc M&A đòi hỏi khá nhiều thời gian, trong khi diễn biến của TTCK không dễ dự báo. Chẳng hạn, nếu TTCK đảo chiều, dù CP tốt cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, nếu chờ đợi các sự kiện xảy ra, có thể giá CP lúc này còn cao hơn trước, NĐT có thể lâm vào trạng thái vừa mua vừa… run vì đứng trên đỉnh cao. Chưa kể, khi ở vào thế phải mua, thường hành động cũng dễ trở nên bốc đồng hơn và tiềm ẩn không ít rủi ro.

Tóm lại, nếu CP NH vẫn tiếp tục nhộn nhịp và bùng nổ trong thời gian tới, có lẽ khối ngoại sẽ là bên đau đầu nhất, đặc biệt những quỹ đại chúng, có tiêu chí mô phỏng danh mục theo diễn biến thị trường.

Các tin khác