DN lo gánh thêm chi phí khi điện tăng giá

Không chỉ băn khoăn về tiền điện phải trả thêm, điều khiến doanh nghiệp lo lắng nhất là giá nguyên liệu đầu vào có thể theo đuôi, làm đội chi phí trong khi thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.

Không chỉ băn khoăn về tiền điện phải trả thêm, điều khiến doanh nghiệp lo lắng nhất là giá nguyên liệu đầu vào có thể theo đuôi, làm đội chi phí trong khi thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Nhớ lại cuộc họp tổng kết ngành diễn ra đầu tuần trước, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - Hồ Nghĩa Dũng cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn tỏ ra bình thản trước khả năng tăng giá điện trong năm 2015, thậm chí chưa xếp vấn đề này vào hàng thách thức.

Tuy nhiên, sang đến tuần này, bản thân đại diện Hiệp hội cũng như nhiều doanh nghiệp thành viên đã bắt đầu phải lo lắng trước việc giá điện có thể tăng 9,5%, theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực (EVN). Đề xuất này vẫn đang được cơ quan quản lý xem xét cùng 2 mức tăng khác thấp hơn, song lại là phương án nhận được nhiều ý kiến ủng hộ nhất.

Với mỗi tấn thép cán, ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết, doanh nghiệp hiện tiêu tốn khoảng 100-120 kWh điện, trong khi để luyện phôi, con số lên tới 400 kWh. Như vậy nếu giá điện được điều chỉnh, chi phí sản xuất thép cũng tăng theo, trong khi giá bán thành phẩm cũng giảm khoảng 10% trong những tháng qua do sức ép cạnh tranh với thép ngoại.

"Cuộc cạnh tranh năm nay chắc chắn càng khốc liệt hơn. Thị trường bị co hẹp, ngành thép thì đang cố giữ giá chứ chưa dám nói chuyện tăng để bù vào phần chi phí giá điện”, Chủ tịch ngành thép lo lắng.

Cùng chia sẻ nỗi lo, ông Phan Văn Diễn, Tổng giám đốc Công ty Cosevco 6 - một doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn khu vực Bắc Trung bộ tính toán, nếu mức tăng 9,5% giá điện bán cho xi măng sẽ tăng khoảng 150 đồng mỗi kWh. "Trung bình một tấn xi măng tiêu thụ hơn 30kWh điện, như vậy riêng tiền điện làm ra một tấn hàng phải trên thêm trên 4.500 đồng", ông bày tỏ. Trong khi đó, thị trường bất động sản dù đã nhúc nhắc đi lên, xi măng tồn kho vẫn ở mức cao. Để giữ thị phần, thời gian qua, doanh nghiệp ông đã phải cố gắng giảm nhiều chi phí nhằm bán không dưới giá thành.

"Tôi đón tin giá điện tăng với tâm trạng thấp thỏm", lãnh đạo Công ty rượu bia Aroma bày tỏ. Điều lo lắng nhất của vị này không hẳn phải chi thêm khoảng 25 triệu (trong tổng mức 250 triệu tiền điện mà công ty phải trả mỗi tháng) nếu mức tăng giá được thông qua. "Tôi chỉ lo là các chi phí khác mà doanh nghiệp không thể chủ động được trong đó có nguyên liệu là chai lọ thủy tinh. Chắc chắn các cơ sở sản xuất sẽ có cớ để tăng giá xuất bởi họ cũng tiêu tốn khá nhiều điện", vị này cho hay.

Do vậy, công ty đang tính đến phương án đàm phán lại với đối tác để có mức giá nhập nguyên liệu phù hợp. Đồng quan điểm, ông Diễn cho biết với mỗi tấn xi măng tính ra không đáng bao nhiêu tiền điện, nhưng chỉ cần giá điện tăng thì mọi chi phí khác cũng tăng theo.

Chia sẻ với VnExpress, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh cho rằng, tuy cơ quan quản lý chưa công bố mức tăng giá điện cụ thể nhưng có cơ sở để nhận định mức tăng 9,5% là phương án được tính đến nhiều nhất như: lạm phát giảm, lộ trình tăng giá điện, EVN liên tục kêu bù lỗ...

Tuy nhiên, chuyên gia này đánh giá mức tăng như vậy là "quá đột ngột”, sẽ gây sức ép lên nền kinh tế và không loại trừ các mặt hàng sắt thép, xi măng… vốn là ngành tiêu tốn nhiều điện năng sẽ đội giá. “Trong khi sức mua của thị trường vẫn yếu, chỉ số tiêu dùng giảm thì nhiều người dân khó chấp nhận được một số mặt hàng đột ngột tăng giá bán”, ông nói. Do vậy, ông Doanh cho rằng để hài hòa lợi ích các bên, cơ quan quản lý cần giãn điều chỉnh từ 2-3 lần trong năm với mức tăng 2,5-3%.

Không bình luận về mức tăng, song Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cũng cho rằng, câu chuyện điều chỉnh giá điện là bất khả kháng bởi đã theo lộ trình tiến tới giá thị trường thì chắc chắn sớm muộn cũng phải điều chỉnh, thậm chí ở mức cao hơn dự kiến.

Với những khó khăn của doanh nghiệp trong đó có các đơn vị sản xuất sắt thép, xi măng, bà Hiền cho rằng những khó khăn khi giá điện tăng "là điều không mới". Thay vì băn khoăn, doanh nghiệp nên tập trung đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất. "Cứ như công nghệ như hiện nay thì ngay cả giá điện giảm cũng không giúp gì nhiều cho doanh nghiệp", vị này cho hay.

Ở khía cạnh tích cực, ông Lê Đăng Doanh cho rằng giá điện tăng cũng là một trong những động lực để các doanh nghiệp phải tiết kiệm, giảm tiêu hao điện nhiều hơn. "Xét cho cùng khi tăng giá điện ngoài việc cắt giảm chi phí sản xuất thì doanh nghiệp cũng lâm vào thế buộc phải sử dụng công nghệ sản xuất tốt hơn để nâng được tính cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập", ông Doanh nói.

Các tin khác