Tài sản đảm bảo vay vốn: Nan giải vướng mắc xử lý nợ

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2015 trên địa bàn TPHCM, diễn ra vào đầu tuần này, một trong những vấn đề được các ngân hàng thương mại (NHTM) nhấn mạnh là vướng mắc pháp lý trong việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Đây cũng là vấn đề báo ĐTTC đã liên tục phản ánh từ năm 2013 đến nay.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2015 trên địa bàn TPHCM, diễn ra vào đầu tuần này, một trong những vấn đề được các ngân hàng thương mại (NHTM) nhấn mạnh là vướng mắc pháp lý trong việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Đây cũng là vấn đề báo ĐTTC đã liên tục phản ánh từ năm 2013 đến nay.

Khó khăn kéo dài

Trong các buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với các NH trên địa bàn năm 2013, những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo đối với các khoản nợ xấu đã được các NHTM trình bày và kiến nghị sớm được hỗ trợ tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hồi nợ.

Năm 2014, các NH tiếp tục kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TP và trong hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2015 trên địa bàn, vấn đề này một lần nữa được nhắc lại. Cụ thể, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, cho biết công tác xử lý nợ xấu của NH gặp nhiều rào cản, đặc biệt trong khâu thi hành án, nên hiện nay nhiều hồ sơ vướng mắc vẫn chưa xử lý được.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cũng nhận định giải pháp xử lý tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi nợ của các NH trên địa bàn sẽ còn tiếp tục khó khăn trong năm nay do nhiều khách hàng không hợp tác; thủ tục phát mãi, đấu giá tài sản, thi hành án còn rắc rối khiến NH mất rất nhiều thời gian và tốn kém chi phí để thu hồi nợ.

Với thời gian xử lý tài sản đảm bảo kéo dài 3-4 năm, cho thấy pháp luật dân sự đang bảo vệ con nợ, trong khi quy định bảo vệ quyền của chủ nợ quá yếu. Chỉ cần con nợ không hợp tác, quá trình xử lý tài sản đảm bảo sẽ tắc nghẽn. Vì việc xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến Luật Dân sự, không chỉ Luật NH, vì vậy phải có Nghị quyết của Quốc hội mới tháo gỡ được những vướng mắc.

TS. Trần Du Lịch,
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia

Theo thống kê, hệ thống tài sản đảm bảo các NHTM nhận thế chấp từ khách hàng có thể chia thành 7 nhóm, gồm: phương tiện vận tải, giấy tờ có giá, bất động sản, máy móc thiết bị, hàng hóa kho hàng, tài sản người bảo lãnh, quyền tài sản.

Trong đó hơn 60% khoản vay được đảm bảo bằng bất động sản như nhà đất, dự án. Khi buộc khách hàng vay vốn phải có tài sản thế chấp, NH được xem “nắm đằng chuôi”, vì nếu khoản vay này trở thành nợ xấu, giải pháp phát mãi tài sản thế chấp sẽ giúp NH thu hồi nợ xấu nhanh chóng nhất.

Xử lý tài sản đảm bảo thành công là phải thu được tiền mặt, nghĩa là phát mãi tài sản để thu tiền về; nếu không thu được bằng tiền thu bằng tài sản, thương lượng với khách hàng để định giá và thu hồi lại; cơ cấu nợ, đưa ra 2 điều kiện phải tuân thủ theo quy định của NHNN.

Song thực tế, xử lý tài sản đảm bảo chỉ có thể giải quyết nhanh với các tài sản thế chấp thông thường, còn các khoản nợ xấu có tài sản thế chấp là bất động sản rất khó xử lý. Vì vậy số lượng các hồ sơ bán phát mãi tài sản hoặc thu tài sản thành công rất ít, trong khi những hồ sơ không xử lý được rất nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như các cán bộ NH không đủ kinh nghiệm khi nhận và xử lý tài sản đảm bảo, gặp vướng mắc về pháp lý do thủ tục hành chính phức tạp, cơ chế pháp lý không phù hợp và một số nguyên nhân khách quan khác.

NH bị động

Luật đã có quy định rõ ràng các trường hợp xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, nhưng khi bắt tay vào thực hiện chạm đến khâu nào cũng vướng. Từ lúc khoản nợ của khách hàng được chuyển sang nhóm 3, các NH đã tiến hành xử lý nợ. Song hiếm vụ nào được hoàn thành trong 1 năm trở xuống, đa số các hồ sơ kéo dài 3-4 năm, thậm chí 5-10 năm do mất thời gian khởi kiện, thi hành án “ngâm” hồ sơ.

Ngoài ra, do khách hàng không chấp nhận bán tài sản nên xuất hiện nhiều trường hợp lách luật, như khách hàng đi khỏi địa phương, tài sản thế chấp cho thuê khiến tòa án không thể thụ lý được hồ sơ. Hoặc dù NH đã chấp nhận thủ tục thế chấp cụ thể với khách hàng, nhưng khi xử lý có thêm đối tượng thứ 3 nhảy vào tranh chấp với lý do đã mua tài sản thế chấp với hợp đồng viết tay, tài sản này được chuyển sang tình huống có tranh chấp, NH không thể phát mãi…

Theo quy định, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ NH thực hiện quyền của NH nhưng nhiều trường hợp cũng không nhận được sự hỗ trợ này.

Thủ tục xử lý tài sản đảm bảo rất phức tạp, muốn thực hiện phải có sự đồng thuận của khách hàng, các cơ quan và ban ngành liên quan. Khi cho vay, NH quyết định nhưng đến lúc đòi nợ, khách hàng trở thành người quyết định. NH không thu hồi được nợ, khởi kiện ra tòa án thì mất đến vài năm và tốn kém chi phí. Thực trạng này cộng với sự ảm đạm kéo dài của thị trường bất động sản và chứng khoán khiến giải pháp này không phát huy hiệu quả.

Luật sư Trương Thanh Đức,
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế NH

Trong quá trình xử lý nợ xấu, các NHTM đã thực hiện nhiều giải pháp như cơ cấu lại nợ, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ; tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức, lợi nhuận để tập trung trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC).

Trong đó, các khoản nợ được xử lý thông qua giải pháp xử lý tài sản đảm bảo có thể xem là “nợ chết” NH phải chịu. Bởi VAMC chỉ mua những khoản nợ tốt, hoặc có thể xử lý được trong nhóm nợ xấu, còn những khoản nợ không có khả năng thu hồi NH phải tự xử lý thông qua phát mãi tài sản đảm bảo.

Lãnh đạo các NH cho rằng với những trường hợp này nếu bảo đảm đúng trình tự theo luật định có thể dễ dàng xử lý nhanh, nhưng do chưa được hỗ trợ đầy đủ nên rất nhiều khoản nợ xấu nhiều năm liền không giải quyết được. Trong khi đó, Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự về việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản bảo đảm có quy định.

Theo đó, trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ, việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận, tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Nhưng theo Bộ luật Dân sự, hợp đồng mua bán phải là chủ tài sản hay đại diện luật pháp được ủy quyền, vì vậy dù tài sản thế chấp được công chứng, nhưng phía công chứng cũng không thể thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ cho bất động sản đó nếu chủ tài sản không đồng ý, không ủy quyền rõ ràng, thậm chí khiếu nại việc xử lý tài sản bảo đảm của NH.

Ngoài ra, còn có những trường hợp cơ quan tài phán đưa ra những nhận định không đồng nhất khi xử lý tranh chấp khiến sự việc trở nên phức tạp hơn. Chẳng hạn có trường hợp tòa án nhầm lẫn quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 với Bộ luật Dân sự năm 1995 đã hết hiệu lực về hợp đồng thế chấp và hợp đồng bảo lãnh thế chấp, dẫn đến việc tuyên bố vô hiệu với hợp đồng thế chấp của bên thứ 3 cho khoản vay NH. Với thực trạng đó, có thể thấy, rủi ro của NH khi xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu rất lớn.

Cần sự hỗ trợ liên ngành

Quá trình xử lý tài sản đảm bảo nhiêu khê khiến NH thiếu chủ động, đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tăng trưởng tín dụng và việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Khi thiết lập quan hệ với khách hàng mới, NH sẽ thận trọng hơn, trách nhiệm đối với các khoản nợ xấu của cán bộ tín dụng cũng nặng nề hơn nên sự tự tin trong cho vay kém hơn.

Nhận định về quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu của các NHTM, TS. Trần Du Lịch cho rằng khi thị trường bất động sản sốt ảo, các NHTM định giá cao để cho vay, nay bất động sản đã giảm giá, kéo giá trị tài sản đảm bảo giảm theo nên rất khó giải quyết.

Theo TS. Lịch, không có quốc gia nào việc giải quyết phát mãi tài sản thế chấp bằng bất động sản lại khó khăn, nhiêu khê như ở Việt Nam. Thủ tục thanh lý, quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu của NHTM thời gian qua bị nghẽn chủ yếu do thủ tục hành chính, việc bán tài sản phải trải qua quá trình phức tạp, nếu con nợ không hợp tác càng phức tạp hơn.

NH gần như bị động khi phát mãi tài sản thế chấp của khách hàng mất khả năng chi trả. Ảnh: LONG THANH

NH gần như bị động khi phát mãi tài sản thế chấp
của khách hàng mất khả năng chi trả. Ảnh: LONG THANH

Tháo gỡ vướng mắc này, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, đã nhiều lần kiến nghị có sự hỗ trợ liên ngành, từ Bộ Tư pháp đến thi hành án… Bởi lẽ, việc xử lý tài sản đảm bảo kéo dài sẽ ảnh hưởng dòng vốn luân chuyển nền kinh tế.

Ông Trần Ngọc Hải, Trưởng Văn phòng đại diện Agribank tại TPHCM, cũng đề nghị Bộ Công an và NHNN sớm ban hành thông tư liên tịch về xử lý tài sản đảm bảo, đồng thời UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan pháp luật ban hành thông tư liên ngành hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ thông qua công tác thi hành án.

Ông Đỗ Minh Toàn cho rằng UBND TPHCM nên tổ chức chủ trì một cuộc họp về xử lý nợ giữa NH và cơ quan chức năng để hỗ trợ NH xử lý các hồ sơ vướng mắc. Song song đó, cơ quan quản lý nên quy hoạch lại những dự án bất động sản đã quá lâu cho phù hợp với giá thị trường hiện nay, giúp NH hợp lý hóa giá phù hợp trong việc thẩm định tài sản do giá bất động sản đang giảm mạnh.

Các tin khác