Cân bằng lãi suất, pháp lý nợ xấu

Lãi suất và xử lý nợ xấu vẫn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu trong năm 2015, vì đây là mấu chốt để giải bài toán tín dụng cho doanh nghiệp (DN). Xung quanh vấn đề này, ĐTTC trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, về dự báo lãi suất và tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2015.

Lãi suất và xử lý nợ xấu vẫn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu trong năm 2015, vì đây là mấu chốt để giải bài toán tín dụng cho doanh nghiệp (DN). Xung quanh vấn đề này, ĐTTC trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, về dự báo lãi suất và tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2015.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trước đây lãi suất cho vay ở mức khá cao khiến DN không thể sử dụng vốn NH để đầu tư, triển khai mới các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, lãi suất đã được điều chỉnh giảm khá nhiều và NHNN thông báo sẽ tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay trong năm 2015, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn. Đây có phải là tín hiệu mừng đối với DN trong năm 2015?

 

-TS. LÊ XUÂN NGHĨA: - Lãi suất phụ thuộc rất nhiều vào lạm phát, cung tiền của NHNN, NHNN đã có chỉ báo từ đầu năm qua phát biểu của Thống đốc NHNN cố gắng đưa lãi suất trung, dài hạn xuống dưới 10%.

Đây có thể xem là chỉ dẫn chính sách vô cùng quan trọng nên NHNN sẽ có những điều chỉnh để đạt được mục tiêu này. Nhưng theo tôi, mục tiêu này không dễ đạt bởi còn một yếu tố khác tác động rất mạnh vào lãi suất, đó là trái phiếu chính phủ. Chính phủ phát hành rất nhiều trái phiếu và ngày càng tăng, điều đó có thể dẫn đến việc lãi suất tăng trở lại.

Chúng tôi đã nghiên cứu rất công phu để tìm ra đường cong hiện tại và thấy đường cong lãi suất hiện tại rất đẹp, tức không còn nằm ngang như trước đây mà đã biến động theo hướng cong dần lên, phù hợp với cấu trúc kỳ hạn và yếu tố rủi ro.

Nhưng nếu liên tục phát hành nhiều trái phiếu chính phủ như hiện nay, dự đoán cuối năm 2015 rất có thể hình thành một mặt bằng lãi suất mới, một đường cong lãi suất cao hơn đường cong lãi suất hiện tại. Đó là điều mà các DN, NHTM rất quan tâm và đặc biệt là NHNN càng quan tâm hơn.

Tất nhiên lãi suất có thể cao hơn không nhiều nhưng gây khó cho các DN, khi vừa “ngóc đầu” lên mặt nước thì gặp phải tình huống lãi suất bắt đầu tăng lên, như vậy hoạt động đầu tư sẽ giảm lại. Vì vậy, tôi đề nghị giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải có sự phối hợp chặt chẽ, làm thế nào để duy trì lãi suất thấp như hiện nay, nếu không rất dễ có mặt bằng lãi suất mới, dễ làm lạm phát vượt quá 5%.

Giả sử việc hình thành mặt bằng lãi suất mới vào khoảng quý III-2015 và như vậy sẽ đi ngược lại tiến trình phục hồi kinh tế, nỗ lực vực dậy DN.

- Đối với tăng trưởng tín dụng, nợ xấu cũng là một rào cản. Chính vì vậy NHNN tin tưởng năm 2015 sẽ kéo nợ xấu xuống còn 3% theo kế hoạch đề ra để tháo gỡ khó khăn cho hệ thống NHTM lẫn DN. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng xử lý nợ xấu vẫn là một bài toán khó khi khung pháp lý chưa được thay đổi. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ở các quốc gia khác, khi thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý nợ xấu, họ cung cấp đủ các quyền, thậm chí cho phép khắc phục các xung đột về mặt pháp lý trong thời hạn công ty mua bán nợ quốc gia có hiệu lực. Sau khi xử lý xong nợ xấu, các quyền cũng như pháp lý sẽ lại trở lại như cũ. Nhưng ở Việt Nam chưa có.

- Nợ xấu của NH năm 2014 đã giảm từ khoảng 15% xuống 3,8% theo báo cáo của các NHTM, trong đó có việc NHNN áp dụng các biện pháp cấu trúc lại nợ, đặc biệt là Thông tư 780 cho phép giãn một số khoản nợ NHTM và DN thỏa thuận được với nhau.

Song năm 2015 Quyết định 780 sẽ hết hiệu lực và sẽ áp dụng những chuẩn mực mới về tính toán nợ theo Thông tư 02, nên áp lực xử lý nợ xấu vẫn còn rất lớn và đó là rủi ro kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Tiến độ xử lý nợ xấu nhanh hay chậm cũng sẽ quyết định khả năng phục hồi kinh tế nhanh hay chậm.

Nhìn vào việc xử lý nợ xấu, hiện nay có vô vàn khó khăn. Khó khăn lớn nhất là khung pháp lý để xử lý nợ, muốn làm nhanh, làm quyết liệt mà toàn bộ hệ thống pháp lý vẫn như hiện hành sẽ gây rất nhiều trở ngại cho NHNN trong việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Trong đó, đặc biệt lo ngại là quyền lực về mặt pháp lý của Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC).

Theo tôi, nếu cho phép NHTM sử dụng dự phòng rủi ro để xóa nợ, tái cơ cấu nợ, hạch toán ra ngoại bảng sẽ có thể đẩy nhanh xử lý nợ xấu, hoặc nếu tăng thêm tiềm lực tài chính để VAMC mua bán cũng có thể dễ thu xếp. Về quyền lực tài chính của VAMC, NHNN sẽ giải quyết được nhưng điều khó nhất là cải cách toàn bộ thủ tục pháp lý liên quan đến việc mua bán nợ, thị trường tài sản và bất động sản.

Bởi hiện khung pháp lý xử lý nợ xấu đụng chạm đến 11 bộ luật, 5 nghị định và 4 thông tư. Làm thế nào để sửa đổi thì Tổ tư vấn của Chính phủ cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phải có một “gói” Nghị quyết của Quốc hội sửa tất cả, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu gì.

- Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2 tới đây. Theo ông thông tư này sẽ có tác động như thế nào đến thị trường trong thời gian tới?

- Chứng khoán ngày càng trở thành yếu tố quan trọng của nền kinh tế, quyết định việc huy động vốn đầu tư dài hạn của DN và đặc biệt liên quan đến việc cổ phần hóa DNNN, thoái vốn DNNN, xóa sở hữu chéo. Thị trường chứng khoán hiện tại có tốc độ tăng trưởng trung bình khá của thế giới nhưng vốn hóa còn rất thấp.

Do đó, tôi đánh giá rất cao Thông tư 36 NHNN ban hành về các phương diện như quyết liệt xử lý sở hữu chéo, tăng cường cho vay trung, dài hạn của NHTM cho DN, giảm rủi ro cho vay chứng khoán, trong đó giảm khả năng cho vay margin trên thị trường chứng khoán.

NHNN tính toán cho vay chứng khoán khoảng 17.000 tỷ đồng, nhưng theo tôi con số này cao hơn rất nhiều, nếu không tính toán cẩn trọng, với số tiền đó vòng quay rất lớn trên thị trường sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường chứng khoán.

Khi thanh khoản thị trường chứng khoán yếu, các nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư, khi đó cổ phần hóa, thoái vốn sẽ không có người mua. Toàn bộ thị trường mua bán sáp nhập sẽ gặp khó khăn rất lớn.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác