Bấp bênh khoản nợ Hy Lạp

Sau khi Chủ tịch đảng cánh tả Syriza, ông Alexis Tsipras, thắng cử trở thành Thủ tướng Hy Lạp, dư luận đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề: Hy Lạp sẽ xử lý khoản nợ khổng lồ của nước này ra sao và có chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng như cam kết khi tranh cử.

Sau khi Chủ tịch đảng cánh tả Syriza, ông Alexis Tsipras, thắng cử trở thành Thủ tướng Hy Lạp, dư luận đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề: Hy Lạp sẽ xử lý khoản nợ khổng lồ của nước này ra sao và có chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng như cam kết khi tranh cử.

Để có được gói cứu trợ tài chính 240 tỷ EUR của 3 chủ nợ Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp đã phải thực hiện chính sách khắc khổ, cắt giảm chi tiêu và tăng thuế theo yêu cầu các chủ nợ.

Để giảm chi tiêu, Hy Lạp buộc phải sa thải hàng chục ngàn công chức; cắt giảm quỹ lương của người về hưu, công chức đang làm việc. Những biện pháp hà khắc đã đẩy kinh tế, xã hội Hy Lạp vào cảnh khó khăn khi tỷ lệ thất nghiệp lên con số kỷ lục 29,5%, thu nhập của người dân giảm 30%. Trong khi theo tổ chức UNICEF, có tới 40% trẻ em nước này sống dưới mức nghèo khổ...

Mới nhất, vào tháng 12-2014, các chủ nợ gây sức ép yêu cầu Hy Lạp tăng gấp đôi thuế khách sạn lên 13%, một bước đi được cho là trái ngược với nỗ lực tăng doanh thu cho ngành du lịch để giúp phục hồi nền kinh tế đang chìm trong khủng hoảng.

Những đòi hỏi quá sức với Athens là nguyên nhân khiến tân Thủ tướng nước này Alexis Tsipras tuyên bố sẽ đàm phán lại về khoản nợ và chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng làm kiệt quệ người dân Hy Lạp. Ông Alexis Tsipras sẽ phải đàm phán với EU, IMF và ECB, các chủ nợ của 70,5% tổng nợ của Hy Lạp, để nhận được khoản trợ cấp 5,3 tỷ EUR cuối cùng vào tháng 2 tới.

Tiếp theo, phải đạt được thỏa thuận về độ an toàn cần thiết các chủ nợ muốn áp dụng với Hy Lạp để thoát khỏi chương trình hỗ trợ. Nhận định về mối quan hệ giữa 2 bên, một số chuyên gia kinh tế cho biết, trên thực tế sự đối đầu giữa Syriza và bộ 3 chủ nợ không đến mức nặng nề như nhiều người tưởng bởi IMF hiện cũng nhận thấy chính sách khắc khổ quá hà khắc đối với người Hy Lạp.

Về lý thuyết, giảm bớt nợ cho Hy Lạp có thể diễn ra dưới 2 hình thức. Thứ nhất, hợp lý hơn cả là không chạm tới tổng nợ, nhưng sẽ kéo dài thời gian trả và giảm bớt lãi suất. Thứ hai, bộ 3 chủ nợ sẽ xóa bớt một phần nợ. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra vì một số nước nợ khác như Bồ Đào Nha và Ireland, với khoản nợ lên tới hơn 120% GDP, cũng có thể vin vào để yêu cầu xóa bớt nợ.

Bấp bênh khoản nợ Hy Lạp ảnh 1

Một cuộc đụng độ giữa người biểu tình phản đối
thắt lưng buộc bụng với cảnh sát tại Hy Lạp.

Trường hợp không đạt được thỏa thuận cũng được tính tới. Trong trường hợp này, Hy Lạp có thể đưa ra lựa chọn mất khả năng thanh toán. Như vậy, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ mất tối đa 256,4 tỷ EUR và các nước thành viên của khối lại phải gánh chịu. Khả năng Hy Lạp rút khỏi EU cũng được đưa ra dù rất khó xảy ra.

Thứ nhất, 73% người Hy Lạp muốn nước mình ở lại eurozone. Tiếp theo, nếu rút khỏi khối, đồng tiền Hy Lạp sẽ được tái định giá. Các khoản nợ của Hy Lạp hiện đang được tính theo đồng euro, sẽ chiếm tới 200% GDP của nước này. Như vậy, mất khả năng thanh toán là điều không thể tránh được. Và eurozone sẽ bất ổn. Một kịch bản không ai mong muốn nên chắc chắn EU sẽ làm mọi cách để không xảy ra.

Tờ Libération của Pháp cho rằng chấp nhận để Hy Lạp trong eurozone, các chính phủ châu Âu, cũng như Athens, đều phải chịu trách nhiệm cũng như hậu quả. Châu Âu phải ý thức rằng cứu Athens là củng cố EU bằng cách chứng minh sự tương ái bền vững giữa các nước thành viên, chứ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ thị trường. Chiến thắng của Syriza cho phép mỗi bên thoát khỏi tính đạo đức hiện nay và cùng gánh trách nhiệm.

Các tin khác