Tín hiệu chuyển biến điều hành

Theo Bộ tưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, cuộc họp liên bộ đã bàn thảo 3 kịch bản giá dầu trong năm 2015 ở mức 60, 50 và 40USD/thùng.
 

Tuần trước, phiên họp liên bộ về điều hành kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì thu hút được sự chú ý của dư luận khi các kịch bản ứng phó với giá dầu tiếp tục giảm được đưa ra bàn thảo.

Theo Bộ tưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, cuộc họp liên bộ đã bàn thảo 3 kịch bản giá dầu trong năm 2015 ở mức 60, 50 và 40USD/thùng.

Theo đó, xét ở khía cạnh khai thác, nếu phương án 60USD/thùng, xuất khẩu dầu của Việt Nam có giảm nhưng không đáng kể, chỉ phải giảm sản lượng vài lô có giá thành sản xuất cao. Nếu giá dầu trung bình 50USD/thùng sẽ giảm khai thác nhiều hơn. 3 kịch bản sản lượng khai thác, xuất khẩu tương ứng với các mức giá dầu nêu trên lần lượt 14,74 triệu tấn, 14,4 và thấp nhất 13,08 triệu tấn.

Kịch bản thấp nhất xảy ra khi giá dầu về mức 40USD/thùng. Khi đó, Việt Nam sẽ giảm sản lượng khai thác dầu về mức 13,08 triệu tấn, dự báo khiến GDP có thể giảm 1%.

Tuy nhiên, kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiên định các mục tiêu đề ra cho năm 2015, trong đó tăng trưởng GDP 6,2%; đồng thời, không điều chỉnh tổng thu, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2015. Có lý do để người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo như vậy. Như ĐTTC đã có nhiều bài phân tích giá dầu giảm có thể khiến ngân sách hụt thu, nhưng lại là cơ hội hiếm có để Việt Nam phục hồi tăng trưởng.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng tác động của giá dầu sẽ diễn ra ở 2 chiều, trong đó nền kinh tế được nhiều hơn mất. Theo tính toán, giá dầu ở mức 60USD/thùng sẽ làm GDP tăng thêm 0,27%; nếu 50USD/thùng sẽ tăng 0,31%; và ở kịch bản 40USD/thùng sẽ góp thêm 0,43% cho GDP.

Tất nhiên, việc khai thác lợi thế của giá dầu giảm tùy thuộc rất lớn vào sự phối hợp điều hành của các bộ, ngành liên quan. Những quan sát gần đây cho thấy sự phối hợp này đã có bước chuyển biến. Hôm 21-1, giá xăng bán lẻ được điều chỉnh giảm tới 1.900 đồng/lít.

Nhưng nếu Bộ Tài chính không hủy bỏ kịp thời Thông tư 07 về tăng thuế nhập khẩu xăng dầu (từ 35% lên 40%) do chính bộ này ban hành trước đó 1 ngày, giá xăng chỉ giảm khoảng 1.450 đồng/lít. Bỏ mối lợi ngắn hạn về thuế để lo chuyện đường dài, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh là bước đi đúng đắn tại thời điểm này. Vấn đề đặt ra tiếp theo là làm sao để tác động của việc giảm giá xăng dầu lan tỏa tới các ngành sản xuất, dịch vụ.

Cụ thể là giá cước vận tải vẫn giảm nhỏ giọt khiến dư luận rất bức xúc. Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Giao thông-Vận tải và các bộ liên quan họp bàn ngay và đưa ra giải pháp chỉ đạo giảm giá cước vận tải, với tinh thần phải xong trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Khi vấn đề này được giải quyết, chắc chắn có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế.

Một sự phối hợp đáng ghi nhận khác là từ phía ngành ngân hàng. Ngay trong những ngày đầu năm 2015, khi làm việc với một số ngân hàng thương mại lớn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã nêu định hướng về tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.

Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm khá mạnh, nên trong năm 2015 Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng tập trung thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn khoảng 1,5-2%. Chủ trương này sẽ giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn khi vay vốn cho các kế hoạch dài hơi, khơi thông dòng vốn tín dụng trong năm 2015.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra cho năm nay khoảng 15%, nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng hé lộ khả năng đến hết 6 tháng đầu năm có thể nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 17%. Định hướng này được tính toán trên cơ sở giá dầu xuống thấp, các ngành sản xuất kinh doanh sẽ phát triển mạnh hơn nên cần vốn nhiều hơn.

Một mối lo khác trong phối hợp điều hành giá là việc tăng giá điện. Đề xuất về tăng giá điện tới gần 10% mới đây khiến nhiều người quan ngại. Bởi nếu giá điện tăng quá cao, việc giá xăng dầu giảm sẽ không có nhiều ý nghĩa kích thích kinh tế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện theo thị trường là lộ trình đã được vạch sẵn, không thể không làm.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đưa ra phương án điều chỉnh giá điện phù hợp trình Thủ tướng xem xét, quyết định vào sau Tết Ất Mùi. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát giảm mạnh chi phí giá điện nhằm giảm giá thành, nhất là giảm hao hụt điện năng và tăng năng suất lao động, công bố công khai việc giảm chi phí giá thành sản xuất điện. Như vậy, dù có tăng giá điện, sự minh bạch cũng khiến người dân và doanh nghiệp đỡ băn khoăn.

Các tin khác