Trung Quốc-mối nguy toàn cầu (K1): Cỗ máy hụt hơi

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ vừa qua, GS. Kenneth Rogoff của Đại học Harvard, cho rằng Trung Quốc là mối nguy lớn nhất của nền kinh tế thế giới trong năm nay. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là một trong những mối nguy lớn nhất cho nền kinh tế thế giới trong 2015.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ vừa qua, GS. Kenneth Rogoff của Đại học Harvard, cho rằng Trung Quốc là mối nguy lớn nhất của nền kinh tế thế giới trong năm nay. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là một trong những mối nguy lớn nhất cho nền kinh tế thế giới trong 2015.

Theo số liệu công bố chính thức của Trung Quốc hôm 20-1, nền kinh tế nước này trong năm 2014 đã tăng trưởng chậm nhất gần 1/4 thế kỷ, trong bối cảnh giá bất động sản xuống thấp, các chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong nước chật vật dưới núi nợ khổng lồ.

Lần đầu trượt mục tiêu

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tăng 7,4% trong năm 2014, hụt mục tiêu đề ra của chính quyền Bắc Kinh là 7,5%, là mức thấp nhất kể từ năm 1990, khi Trung Quốc phải hứng chịu làn sóng cấm vận quốc tế vì vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Đây cũng là lần đầu tiên trong thế kỷ này Bắc Kinh để bị trượt mục tiêu tăng trưởng.

Dù vậy, nền kinh tế Trung Quốc vẫn là cỗ máy lớn trên toàn cầu, GDP vượt ngưỡng 10.000 tỷ USD vào năm ngoái, gấp hơn 5 lần so với chính nó cách nay 10 năm, khi GDP chỉ đạt 1.900 tỷ USD. Trong 3 thập niên qua, Trung Quốc tăng trưởng trung bình 10%/năm, gia nhập hàng ngũ những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thu nhập người dân nước này cũng được cải thiện. Nhưng hiện nay tốc độ đó đã chậm lại. Trung Quốc chỉ ghi nhận mức tăng GDP 7,7% năm 2012, trong khi năm 2013 giảm đáng kể so với 9,3% năm 2011 và 10,5% năm 2010.

Thời kỳ tăng trưởng nhanh đã kết thúc khi Trung Quốc phải tập trung cho chất lượng tăng trưởng. Thử thách lớn nhất là Bắc Kinh sẽ giải quyết tình trạng suy thoái của môi trường như thế nào.

GS. Zhiqun Zhu,
Giám đốc Viện Trung Quốc, Đại học Bucknell ở Pennsylvania (Hoa Kỳ)

Trong cuộc họp báo hôm 20-1, Tổng cục Thống kê Trung Quốc nói rằng nền kinh tế nước này đang đối mặt với khó khăn, nhưng Bắc Kinh sẽ nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng “trong một khoảng phù hợp”. Trong năm 2014, Trung Quốc đã thực hiện một số cải cách thị trường mang tính nhỏ lẻ, cùng một số biện pháp kích thích tăng trưởng quy mô khiêm tốn.

Tuy nhiên, 2 điểm tựa lớn của con tàu kinh tế Trung Quốc là địa ốc và xuất khẩu vẫn đình trệ. Sự giảm tốc của thị trường bất động sản, tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực công nghiệp, đầu tư suy giảm, và hoạt động xuất khẩu chững lại, vẫn tiếp tục là thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.

Tiêu thụ nội địa chưa thực sự cất cánh để tạo đà cho tăng trưởng. Nợ công và nợ tư nhân vẫn còn là ẩn số, hệ thống ngân hàng và tài chính không chính thức gây lo ngại.

Dù tăng trưởng chậm hơn mục tiêu, nhưng mức tăng của Trung Quốc cũng không phải là quá tệ. Năm ngoái, GDP nước này lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ USD, gấp hơn 5 lần so với cách nay 10 năm, khi GDP chỉ đạt 1.900 tỷ USD.

Dù xét trên bối cảnh 1 năm nợ xấu tăng mạnh, tín dụng sụp đổ và giá cả bất động sản ở các thành phố lớn sụt giảm, mức tăng này không quá tệ, nhưng dự kiến giá bất động sản sẽ tiếp tục trì trệ trong năm 2015, với những tác động liên quan đến nhiều khu vực kinh tế khác.

Theo các chuyên gia của ngân hàng Nhật Bản Mizuho, tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc không đáng quan ngại nếu nền kinh tế nước này phát triển trên cơ sở lành mạnh hơn, có khả năng tạo thêm việc làm cho người dân và thu hẹp hố bất bình đẳng trong xã hội.

Ông Tim Condon, Trưởng phòng Nghiên cứu châu Á của ING Groep NV, cho biết: “Chính phủ Trung Quốc vẫn chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế cận mức mục tiêu đã đề ra và gia tăng tiến độ thực hiện cải cách kinh tế. Mục tiêu của Trung Quốc trong năm 2015 là cải tổ cấu trúc kinh tế, chuyển hướng tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng”.

Nhà kinh tế Ting Lu và Xiaojia Zhi thuộc Bank of America cho biết ông Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực bằng một loạt chiến dịch chống tham nhũng và sẽ chuyển hướng tập trung sang mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải cách cấu trúc xã hội.

Tác động toàn cầu

Nhà nghiên cứu Wendy Chen, làm việc cho ngân hàng Nhật Bản Nomura, cho rằng các biện pháp cải tổ trên về lâu về dài sẽ đem lại tăng trưởng lành mạnh và lâu bền cho Trung Quốc, nhưng trong ngắn hạn sẽ làm tổn hại đến thành tích tăng trưởng của nước đông dân nhất thế giới này.

Các chuyên gia lo ngại về sự khởi đầu của một chu kỳ giảm phát sẽ kéo chậm mức cầu của loạt ngành công nghiệp nội địa của Trung Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của hầu hết các nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục chậm lại ở nước này có thể ảnh hưởng đến các thị trường thế giới, triệt tiêu tác dụng tích cực của hoạt động kinh tế gia tăng trong các thị trường lao động của Hoa Kỳ và Anh.

Các số liệu mới của Trung Quốc cũng khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải hạ giảm dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới. IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 của nước này xuống 6,8%, trong khi nâng mức dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ lên 3,6%. Tổ chức này cảnh báo rằng tăng trưởng yếu của các nền kinh tế chính trên thế giới sẽ gây ảnh hưởng nặng hơn những lợi ích đạt được từ giá dầu giảm.

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh, ngày 20-1-2015.

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh, ngày 20-1-2015.

Tương tự, Báo cáo Viễn cảnh kinh tế Trung Quốc 2015-2016 của Công ty Chứng khoáng UBS, dự đoán GDP của Trung Quốc lần lượt trong 2 năm 2015-2016 là 6,8% và 6,5%. Trùng khớp với đánh giá của đại gia đánh giá tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings khi hãng này dự báo GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tiếp tục chậm lại ở mức 6,8% trong năm nay và 6,5% trong năm tới, trong khi tỷ lệ nợ/GDP tiếp tục bành trướng mạnh mẽ và chạm 260% vào cuối năm nay, cho dù tăng trưởng tín dụng vẫn chậm.

Đồng thời, áp lực về chất lượng tài sản các ngân hàng Trung Quốc sẽ tiếp tục tích tụ, đặc biệt với những ngân hàng mở rộng sang bất động sản, sản xuất và các ngành công nghiệp khác phải chịu gánh nặng quá tải. Những rủi ro này và nỗ lực tự do hóa lĩnh vực tài chính đang diễn ra của chính phủ sẽ khiến lợi nhuận của các ngân hàng teo tóp, dẫn đến một làn sóng khát vốn ngân hàng mới ở Trung Quốc.

Tuy vậy, Fitch cho rằng tăng trưởng tín dụng chậm là tín hiệu tích cực giúp ngăn chặn tình trạng quá nóng của một số thị trường. Nhưng khi các lỗ hổng kinh tế gia tăng có thể khiến tích tụ rủi ro quá mức, gây ra nhiều tổn thất, nhiều khả năng những rủi ro của tín dụng Trung Quốc sẽ chuyển sang các trung tâm tài chính khu vực như Hồng Công, Macau, Singapore, Đài Loan...

(Còn tiếp)

Các tin khác