Khó kiểm soát trái cây ngoại

Câu chuyện trái cây ngoại ở thị trường Việt Nam vốn là chuyện không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Đặc biệt sau vụ việc 2 loại táo nhập từ Hoa Kỳ nhiễm độc, người tiêu dùng càng cần thận trọng hơn khi sử dụng các loại trái cây nhập khẩu nói chung.

Câu chuyện trái cây ngoại ở thị trường Việt Nam vốn là chuyện không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Đặc biệt sau vụ việc 2 loại táo nhập từ Hoa Kỳ nhiễm độc, người tiêu dùng càng cần thận trọng hơn khi sử dụng các loại trái cây nhập khẩu nói chung.

Cấm nhập vẫn có hàng đủ nhu cầu

Kể từ ngày 1-1-2015, Việt Nam tạm dừng cấp phép nhập khẩu các mặt hàng trái cây có xuất xứ từ Australia. Lý do, thời gian gần đây phía Australia xuất hiện dịch ruồi đục quả và bùng phát trên diện rộng chưa được kiểm soát. Lâu nay, trái cây Australia vốn rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Một vài loại quả như cherry, nho, kiwi… được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện Australia là thị trường lớn thứ 5 cung cấp trái cây cho Việt Nam. Như vậy, tính từ thời điểm của lệnh cấm đến nay cũng gần 1 tháng nhưng nếu muốn mua bất cứ loại trái cây Australia nào cũng không khó. Dạo một vòng các cửa hàng bán trái cây ngoại online, có thể thấy nhiều loại trái cây Australia vẫn được bày bán.

Thử gọi điện đến một website có địa chỉ www.fruitstore.com.vn phía cửa hàng cho biết cherry Australia không còn và thời gian tới cũng không nhập khẩu nữa. Nhưng khi hỏi về trái kiwi, nhân viên này cho biết vẫn còn. Thực ra, việc còn trái cây Australia vào thời điểm này cũng không khó hiểu, bởi các đơn vị nhập khẩu có thể nhập trước thời điểm lệnh cấm có hiệu lực.

Vấn đề nằm ở chỗ một số cửa hàng online cho biết họ vẫn luôn có nguồn hàng từ Australia, chủ yếu từ hàng xách tay nên người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng. Ra khỏi thế giới ảo, chúng tôi khảo sát thử một số điểm bán trái cây tại khu vực quận 1, TPHCM, đã nhận thấy hầu hết trái cây Australia được bày bán tràn lan, thậm chí một số chủ cửa hàng cho biết không biết đến lệnh cấm trên và họ vẫn đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng. Nói đến trái cây ngoại nhập khẩu hiện nay có nhiều thực trạng dẫn đến các cơ quan chức năng khó kiểm soát hết chất lượng.

Có thể kể đến như việc trái cây xách tay hoặc nhập tiểu ngạch. Ngoài ra, việc trái cây Trung Quốc giả trái cây ngoại cũng rất nhiều nên mới có chuyện “da Hoa Kỳ hồn Trung Quốc”.

Về việc táo nhập khẩu từ Hoa Kỳ đang gây xôn xao mấy ngày nay, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, khẳng định táo bị nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes chỉ xuất phát từ một cơ sở chế biến táo ở California (Hoa Kỳ), nhưng 90% táo nhập khẩu từ Hoa Kỳ về Việt Nam lại từ bang Washington D.C.

Do vậy người tiêu dùng không nên quá lo ngại. Song vẫn không ít người lo lắng con số 10% còn lại kia. Bởi khi khảo sát thực tế tại một số tiệm trái cây, nhiều chủ cửa hàng cho biết không biết thông tin về việc trái cây nhiễm khuẩn.

Thời gian gần đây, ngoài xu hướng sử dụng trái cây nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan, Hoa Kỳ, New Zealand, Australia… người tiêu dùng còn rất ưa chuộng trái cây từ Campuchia qua. Lý do được nhiều người bán hàng đưa ra là trái cây Campuchia cũng như trái cây Việt Nam “đời đầu” ít phun thuốc. Giá của chúng cũng không hề rẻ và hiện được bán chủ yếu qua mạng xã hội. Chẳng hạn, giá của me Campuchia được rao bán 200.000 đồng/kg và đương nhiên cũng là hàng xách tay, số lượng có hạn.

Mua vì mác ngoại

Chính niềm tin trái cây ngoại nhập chất lượng tốt hơn, ít nguy cơ độc hại hơn nên nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn các loại trái cây này. Thông thường để đảm bảo hàng mình mua có nguồn gốc uy tín, người mua sẽ chọn các mặt hàng này trong các siêu thị, hoặc cửa hàng bán đồ nhập khẩu uy tín với mức giá không hề rẻ. Song trước xu hướng sính ngoại của rất nhiều người dân, trái cây ngoại đã từ siêu thị, cửa hàng chuyên bán trái cây nhập lan ra các cửa hàng bán trái cây ven đường, các khu chợ… với các mức giá khác nhau.

Chẳng hạn khi tìm mua cherry, người tiêu dùng sẽ lạc vào mê cung giá khoảng 400.000-600.000 đồng/kg tùy kích cỡ, chất lượng. Thậm chí, tại một số tiệm trái cây dọc đường Hai Bà Trưng, quận 1 người tiêu dùng có thể mua với mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là chẳng ai dám khẳng định đây có phải cherry Australia, New Zealand hay là hàng Trung Quốc.

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng vẫn muốn mua hàng ngoại giá rẻ, nhiều người bán đã trộn hàng Trung Quốc vào hàng nhập từ Hoa Kỳ, Australia. Chị Thu Trang, một khách mua hàng tại cửa hàng trái cây gần khu chợ Tân Định, quận 1, cho biết công việc của chị rất hay phải đi biếu xén, mua trái cây ở siêu thị hay cửa hàng nhập khẩu giá cao.

Được một người bạn cho biết ở chợ Tân Định cũng bán trái cây nhập ngoại nhưng giá rẻ hơn, chị chuyển hẳn sang đây mua. Khi được hỏi chị có nghĩ sẽ mua phải hàng Trung Quốc đội lốt Hoa Kỳ, Australia hay không, chị Trang không ngần ngại trả lời mua để biếu nên cũng không quan tâm lắm.

Cơ quan chức năng khó kiểm soát chất lượng trái cây nhập khẩu.

Cơ quan chức năng khó kiểm soát chất lượng trái cây nhập khẩu.

Trở lại câu chuyện mua trái cây Campuchia, nếu ai đó có ý định mua biếu chắc sẽ phải cân nhắc. Chẳng hạn khi mua thử me và hồng xiêm mới thấy cả hình thức và chất lượng không khác gì so với hàng “Made in Vietnam”, nên có mang đi biếu cũng khó ai tin me được mua giá 200.000 đồng/kg, hồng xiêm gần 70.000 đồng/kg.

Tết Nguyên đán đang rất cận kề, ngoài những món quà biếu quen thuộc như rượu, bia, bánh, kẹo, trái cây đặc biệt là trái cây ngoại cũng là một món quà hết sức quen thuộc. Song trước thực tế tràn lan, khó kiểm soát như hiện nay, ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng, nhà nhập khẩu, đơn vị phân phối uy tín, bản thân người tiêu dùng cũng phải thận trọng, đừng vì tâm lý sính hàng ngoại mà gián tiếp tiếp tay cho việc hô biến trái cây Trung Quốc thành trái cây nhập từ Hoa Kỳ, Australia.

Các tin khác