KDC thách thức nhà đầu tư

KDC (CTCP Kinh Đô) là CP luôn được đánh giá cao và nhận được nhiều sự quan tâm nhưng để kiếm được lợi nhuận từ CP này chưa bao giờ là chuyện đơn giản.

KDC (CTCP Kinh Đô) là CP luôn được đánh giá cao và nhận được nhiều sự quan tâm nhưng để kiếm được lợi nhuận từ CP này chưa bao giờ là chuyện đơn giản.

1 thông tin 2 cách nhìn

Trong 10 phiên gần nhất, CP này có 4 phiên tăng, 6 phiên giảm để từ gần 47.000 đồng/CP còn hơn 45.000 đồng/CP, trong khi TTCK cùng thời gian này diễn biến rất tích cực. Nhìn xa hơn, kể từ khi KDC công bố bán lại 80% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương (BKD), đơn vị kinh doanh bánh kẹo của KDC, cho đối tác ngoại là Mondelez, giá CP này đã giảm khoảng 20%.

Một thống kê chỉ ra rằng chỉ sau khoảng 6 phiên kể từ ngày thông tin bán mảng bánh kẹo (11-11-2014) được đưa ra, giá CP của KDC đã giảm và khiến giá trị vốn hóa của công ty trên sàn chứng khoán giảm khoảng 100 triệu USD. Mặc dù đến ngày 24-11, KDC công bố mua 20 triệu CP quỹ, giá CP này vẫn giảm cho đến khi công ty mua xong số lượng này vào ngày 13-11.

Về việc bán BKD với giá 370 triệu USD đã có 2 luồng ý kiến đánh giá trái ngược nhau. Mảng bánh kẹo vốn là hoạt động kinh doanh cốt lõi, tạo nên tên tuổi cho KDC và nhìn theo hướng này nghĩa là KDC đã từ bỏ nồi cơm của mình, thậm chí có thể nghiêng về một chút tiêu cực.

Tuy nhiên, nhìn theo hướng thị trường bánh kẹo những năm gần đây đang ngày một khó hơn khi hàng ngoại nhập tràn về, các đối thủ cạnh tranh quyết liệt sẽ đặt ra giả thiết KDC từ bỏ ngành này để chuyển hướng khác chăng? Lập luận này không phải không có lý khi công ty đã tham gia mua cổ phần của ông lớn trong ngành dầu ăn là Vocarimex và trở thành cổ đông lớn.

Và nếu KDC thành công khi chuyển sang các ngành khác, việc bán mảng bánh kẹo không thể xem là tiêu cực mà sẽ là tiền đề tái đầu tư. Một thông tin, có nhiều quan điểm tốt-xấu, tích cực - tiêu cực đan xen, có thể xem như trung hòa. Vậy tại sao KDC lại giảm và xem chừng lượng bán có vẻ lấn át lượng mua? Về lý mà nói, nếu xem thông tin bán BKD là tốt, việc sau khi tin tốt xuất hiện, giá CP giảm cũng là… bình thường theo nguyên tắc “tin ra là bán” ai cũng biết.

Nhưng nếu cho đây là tin xấu, thường khi tin xấu xuất hiện giá CP cũng tạo đáy, vậy tại sao KDC không tuân theo quy luật này. Có lẽ nên xem xét động lực để tạo nên cung - cầu với KDC trong thời gian qua.

Khối ngoại bị ép xả hàng?

Nhìn vào lượng bán ra của KDC trong thời gian qua sẽ thấy 2 nguồn chính đến từ các cá nhân nội bộ của công ty và khối ngoại. Nguồn cung từ một số thành viên nội bộ từ vài chục đến vài trăm ngàn CP thực ra không đáng kể so với thanh khoản của CP này trên thị trường.

Lượng bán khủng nhất thuộc về khối ngoại với lượng bán ròng lên đến vài trăm ngàn CP mỗi phiên và kéo dài trong 1-2 tháng, nên con số tổng sẽ phải tính bằng hàng triệu CP. Về nguyên nhân bán, có thể những NĐT này đã mua vào với giá thấp, nay thấy được giá thì bán, bởi mức giá đỉnh của KDC trong năm 2014 cao hơn giá đáy những 40%, nên ai mua giá thấp bán ở đỉnh, dù giá có giảm vài phiên vẫn lãi.

Nhưng thực tế không phải NĐT nào cũng mua được ở đáy, trong khi xả hàng liên tục trong 1-2 tháng cũng không phải ai cũng có mục đích chốt lời. Nhất là khi thị trường tốt, giá CP vẫn không tăng và lực bán lại không suy giảm.

Điều này đặt ra một giả thiết, phải chăng NĐTNN đang ở vào thế phải bán KDC? Như đã phân tích ở phần trên, thông tin bán BKD có 2 luồng quan điểm, không phải là thông tin xấu toàn diện, nên khó có chuyện vì thông tin này mà khối ngoại xả hàng KDC.

Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở những yếu tố liên quan đến thông tin này và trong một chừng mực nào đó là cuộc chiến cung - cầu trên TTCK. Cho đến thời điểm này, việc KDC sử dụng số tiền bán BKD để làm gì vẫn chưa được tỏ tường.

Mua cổ phần của Vocarimex có thể gợi mở ra ý định công ty tiến vào mảng tiêu dùng nhưng như vậy vẫn còn quá ít. NĐTNN, nhất là các quỹ cần nhiều hơn các thông tin cụ thể liên quan đến chiến lược công ty để có một câu chuyện rõ ràng. Từ câu chuyện này họ mới quyết định có đặt cược vào KDC nữa hay không.

Và trong khi chưa có gì rõ ràng, chỉ có 2 lựa chọn hoặc giữ hoặc bán, được giá thì bán, sau đó có thể mua lại, nếu giữ có khi giá CP giảm thêm, nên có vẻ lựa chọn bán được ưu tiên.

NĐT theo dõi giá CP.
NĐT theo dõi giá CP.

Ở chiều ngược lại, bên mua cũng chẳng vội vã gì trong việc vớt hàng của khối ngoại, vì lực bán vẫn cứ đều đều nên họ cũng sẽ mua… từ từ. Trong chừng mực nào đó, dường như bên bán, mà cụ thể là khối ngoại, đang vội vàng tìm sự an toàn vì nắm một CP mà câu chuyện vẫn còn là ẩn số, trong khi bên mua lại rất thong dong.

Cũng phải nói thêm về bên mua, ngoài KDC hấp thụ một lượng CP quỹ, có lẽ những người mua còn lại sẽ là những người rất tin tưởng hoặc rất hiểu về KDC nên mới quyết định mua vào trong một đợt giảm giá như vậy. Nói tóm lại, KDC hiện đang ở một trạng thái chưa rõ ràng và vẫn tiềm ẩn những cơ hội/rủi ro đan xen lẫn nhau.

Đó cũng là đặc tính của CP này trong nhiều năm qua khi trong những đợt sóng tăng, có những kỳ vọng rất quen thuộc, chẳng hạn như mùa trung thu, nhưng cũng có những đợt tăng phải rất lâu sau người ta mới nhìn ra được nguyên do. Cũng vì vậy, nên việc tìm kiếm lợi nhuận của KDC luôn là thách thức cho ngay cả những NĐT dày dạn kinh nghiệm nhất.

Các tin khác