Bước ngoặt của SAM

CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) là 1 trong 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên trên TTCK, thời huy hoàng cũng đến và nay đã qua. Nguyên nhân do lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính đã gần như lỗi thời, các lĩnh vực còn lại phát triển chưa thật sự ổn định. Do vậy, ĐHCĐ bất thường sắp tới chính là bước ngoặt lớn cho doanh nghiệp khi vấn đề tái cơ cấu được đặt ra.

CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) là 1 trong 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên trên TTCK, thời huy hoàng cũng đến và nay đã qua. Nguyên nhân do lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính đã gần như lỗi thời, các lĩnh vực còn lại phát triển chưa thật sự ổn định. Do vậy, ĐHCĐ bất thường sắp tới chính là bước ngoặt lớn cho doanh nghiệp khi vấn đề tái cơ cấu được đặt ra.

 

Khởi nghiệp là doanh nghiệp sản xuất dây cáp, nhưng đến thời điểm hiện nay SAM đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực, trong đó có 3 lĩnh vực kinh doanh chính là: sản xuất và kinh doanh cáp, đầu tư và kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính.

Trong đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh cáp là hoạt động chính chiếm trên 90% doanh thu và gần 60% lợi nhuận sau thuế. 2 sản phẩm chủ lực của SAM là dây cáp đồng (công suất 1,5 triệu km đôi dây/năm) và cáp quang 1,2 triệu km dây/năm. Ngoài ra công ty mới đưa thêm cáp điện từ vào cơ cấu danh mục sản phẩm tuy nhiên chưa có đóng góp đáng kể.

Với mảng đầu tư và kinh doanh bất động sản, SAM có các dự  án như: Giai Việt (220 căn), Hoàng Anh Riverview (70 căn), Samlan Riverview, Golf Đà Lạt, Nhơn Trạch và cho thuê văn phòng Tòa nhà Sacom Chíp Sáng (khu công nghệ cao TPHCM).

Về đầu tư tài chính, danh mục đầu tư của SAM vào thời điểm cuối quý III-2014 là 55,7 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là CTCK Phố Wall (20 tỷ đồng) và CTCP Momota (13,5 tỷ đồng). Trong năm 2014, SAM đã bán khoản đầu tư của mình tại CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG).

Theo CTCK Sacombank (SBS), trong quá khứ cáp đồng là sản phẩm chủ yếu của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng thời gian gần đây xu hướng chuyển dần qua sử dụng cáp quang do những tính năng ưu việt hơn cáp đồng như tốc độ truyền dữ liệu và độ bền.

Dù là nhà sản xuất cáp viễn thông hàng đầu cả nước với cáp quang (chiếm tỷ trọng lớn), cáp đồng và là nhà cung cấp cho các đơn vị lớn như VNPT, Viettel, nhưng SAM gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt từ sản phẩm Trung Quốc với giá thành rẻ hơn. Việc cạnh tranh khiến mảng kinh doanh chính của SAM gặp nhiều khó khăn buộc lòng công ty phải hạ giá bán để cạnh tranh dẫn đến lợi nhuận gộp sụt giảm.

Cụ thể, doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2014 của SAM tăng 54% so với cùng kỳ, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm mạnh về mức 9% so với cùng kỳ 14%, đã phần nào thể hiện khó khăn SAM đang gặp phải. Cần nói thêm trong năm 2014 giá nguyên liệu đồng giảm 25% so với thời điểm đầu năm 2013, cũng không tạo được nhiều thay đổi tích cực trong biên lợi nhuận gộp của SAM trước nhu cầu sụt giảm mạnh của cáp đồng.

Đơn cử trong quý III-2014, hoạt động kinh doanh cáp và vật liệu viễn thông gần như không mang lại lợi nhuận cho SAM, với vỏn vẹn 397 triệu đồng trong tổng số 6 tỷ đồng lợi nhuận ròng sau thuế của doanh nghiệp.

Về hoạt động bất động sản, SAM không ghi nhận nhiều doanh thu trong năm nay do việc trì hoãn các dự án xây dựng sân golf và biệt thự hồ Tuyền Lâm tại Đà Lạt. Dự án Giai Việt với trên 200 căn hộ tại quận 8 mang lại doanh thu chính là dự án loại vừa, với giá bán trung bình 1,5 tỷ đồng cho căn hộ 78m2. Các dự án tương lai của SAM có thể chỉ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đáng kể từ 2016 trở đi.

Thực tế, theo BCTC quý IV-2014, nguồn thu của SAM đến chủ yếu từ hoạt động tài chính với 70,6 tỷ đồng. Trong đó gần 70 tỷ đồng là cổ tức, lợi nhuận được chia và lãi bán CP. Cả năm 2014, doanh thu tài chính gần 78 tỷ đồng (giảm 24,5%). Dù sụt giảm mạnh nhưng đây cũng chính là khoản tiền tương đối lớn giúp cho SAM đạt mức 69 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 (giảm 54%).

Dù có 1 năm kinh doanh khó khăn nhưng SAM nhận lại được sự quan tâm đặc biệt từ NĐT. Trong tháng 12-2014, SAM đạt đỉnh giá 1.4-1.5 nhưng sau đó một số tổ chức đã bán mạnh SAM khiến mã này đứng trước áp lực giảm. Đến nay áp lực bán đã giảm hẳn và SAM đã ổn định quanh mức 1.3.

Trong cơ cấu cổ đông của SAM có sự biến động khá lớn vào cuối năm khi HFC giảm tỷ lệ sở hữu còn 19,2% và CTCK Phố Wall đã mua vào gần 13 triệu cổ phần để trở thành cổ đông lớn nắm giữ 13%.

Hiện SAM đang chuẩn bị họp ĐHCĐ bất thường về vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp. Có thể xem đây là bước ngoặt lớn đối với SAM vì nhiều khả năng chiến lược sắp tới của doanh nghiệp là hướng sự tập trung nhiều hơn vào mảng bất động sản và bầu bổ sung HĐQT sau khi có sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn.

Theo kế hoạch, ngày 27-1 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền tham dự ĐHCĐ bất thường và nhận CP phát hành thêm với tỷ lệ 6%.

Các tin khác